Mỹ, Nhật, Pháp và Anh tập trận bắn đạn thật; Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh cần cải thiện quan hệ Trung - Hàn; Nga đang phát triển máy bay tàng hình cỡ vừa hiện đại; 2/3 dân Mỹ không biết Triều Tiên ở đâu trên bản đồ thế giới
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên 16-05-2017
- Cập nhật : 16/05/2017
Putin kêu gọi ngừng đe dọa Triều Tiên
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng Triều Tiên đang bị đe dọa và kêu gọi có biện pháp hòa bình để giải quyết căng thẳng khu vực.
"Chúng tôi hoàn toàn phản đối mở rộng 'câu lạc bộ hạt nhân'", AFP dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm nay trả lời báo giới tại Bắc Kinh, Trung Quốc. "Chúng tôi coi vụ thử tên lửa là phản tác dụng, gây hại và nguy hiểm".
Tổng thống Putin cho rằng thế giới cần quay lại bàn đối thoại với Triều Tiên.
"Chúng ta phải dừng đe dọa Triều Tiên và tìm một giải pháp hòa bình để giải quyết vấn đề", ông cho biết thêm. Nhà lãnh đạo Nga nói ông tin cách tiếp cận trên là có thể dựa vào những lần tổ chức đối thoại với Triều Tiên trước đây.
Triều Tiên sáng 14/5 phóng một tên lửa từ khu vực gần Kusong, tỉnh Bắc Pyongan. Tên lửa bay khoảng 700 km rồi rơi xuống biển Nhật Bản. Bình Nhưỡng cho biết tên lửa, tên gọi Hwasong-12, có tầm bắn tới lãnh thổ Mỹ và có khả năng mang "đầu đạn hạt nhân hạng nặng".
Theo Bộ Quốc phòng Nga, tên lửa Triều Tiên rơi cách lãnh thổ Nga 500 km và không gây nguy hiểm. Trong khi đó, Mỹ ước tính tên lửa Triều Tiên rơi cách vùng Vladivostok, Nga, 96 km về phía nam. Tổng thống Mỹ Donald Trump "không thể tưởng tượng Nga có thể hài lòng" trước điều này.(Vnexpress)
------------------------------
Thử tên lửa bay 700 km - cảnh báo Triều Tiên gửi Nga - Trung
Vụ phóng tên lửa của Triều Tiên hôm qua có thể nhằm gửi thông điệp cảnh báo tới Nga và Trung Quốc rằng "chúng tôi hoàn toàn có thể chạm tới bạn".
Triều Tiên sáng qua phóng tên lửa từ khu vực gần thành phố Kusong, tỉnh Bắc Pyongan. Giới chức Mỹ cho biết tên lửa rơi xuống biển Nhật Bản sau một hành trình hơn 700 km. Bộ Quốc phòng Nhật Bản ước tính tên lửa Triều Tiên bay khoảng 30 phút và đạt đến độ cao 2.000 km trước khi rơi. Những số liệu trên trùng khớp với thông tin hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA đưa ra, theo CNN.
KCNA cho hay vụ phóng thử nhằm mục tiêu xác định các đặc tính kỹ thuật và chiến thuật của mẫu tên lửa Triều Tiên mới phát triển, đủ khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân cỡ lớn.
Việc tên lửa Triều Tiên có thể vươn tới độ cao và thời gian bay lâu như vậy cho thấy phạm vi tấn công đã mở rộng đáng kể, chuyên gia nhận định. Nếu hoàn thành hành trình, nó đủ khả năng bắn tới đảo Guam ở Thái Bình Dương. Guam là nơi Mỹ đặt căn cứ không quân Andersen.
Cảnh báo
Việc phóng tên lửa hướng về phía Nga dường như là cách để lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gửi thông điệp tới cả Moscow và Bắc Kinh, Carl Schuster, giáo sư tại Đại học Thái Bình Dương Hawaii, cựu giám đốc Trung tâm Tình báo Chung thuộc Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, nhận xét.
Tên lửa Triều Tiên "nói với Nga rằng 'Tôi có thể chạm tới bạn'", ông Schuster nhấn mạnh. "Nó còn nói với Trung Quốc rằng 'Tôi không quan tâm bạn nghĩ gì. Tôi độc lập'".
"Trung Quốc sẽ vô cùng thất vọng", Tong Zhao, nhà phân tích Trung tâm chính xách toàn cầu Carnegie-Tsinghua, nhận định. Ông chỉ ra mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đang xấu đi khi Mỹ gia tăng sức ép với Trung Quốc để "kiềm tỏa" chương trình hạt nhân Triều Tiên. Vào tháng này, hãng thông tấn nhà nước Bình Nhưỡng cảnh báo Trung Quốc đang vượt "lằn ranh đỏ" trong quan hệ hai nước, do Bắc Kinh nhảy theo "nhịp điệu của Mỹ".
Mỹ ước tính tên lửa Triều Tiên rơi xuống vùng biển cách khu vực Vladivostok, Nga, 96 km về phía nam. Tuy nhiên, Nga khẳng định tên lửa rơi cách biên giới nước này 500 km và không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào.
Trung Quốc hôm qua tổ chức Diễn đàn Vành đai và Con đường quy tụ nhiều lãnh đạo hàng đầu thế giới. Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng phái đoàn Triều Tiên cũng tham dự sự kiện.
Theo Schuster, thời điểm Bình Nhưỡng phóng tên lửa "không phải sự trùng hợp" và có lẽ ông Kim đang muốn kéo Nga tham gia sâu hơn vào cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm qua cho biết ông Putin quan ngại bởi vụ phóng và "sự leo thang căng thẳng" trong khu vực.
"Đấy là cách ông ấy nói với người Nga rằng 'Các bạn cần lên tiếng'" và ngăn cản các biện pháp trừng phạt do Mỹ đề xuất nhằm vào Triều Tiên, Schuster đánh giá.
Ông Peter Layton, chuyên gia tại Viện châu Á Griffith ở Brisbane, Australia, cho rằng Triều Tiên khả năng có lý do khác khi phóng tên lửa tới vị trí gần Nga. Bình Nhưỡng dường như muốn phóng tên lửa ra xa khỏi phạm vi hoạt động của radar Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ để tránh bị thu thập thông tin.
"Radar dễ phát hiện tên lửa tiến đến gần chúng hơn là cách xa khỏi chúng", ông Layton nói.
Mỹ hôm qua kêu gọi trừng phạt cứng rắn hơn với Triều Tiên vì vụ phóng tên lửa. "Với việc tên lửa rơi gần đất Nga, thực tế, gần Nga hơn so với Nhật Bản, Tổng thống (Donald Trump) không thể tưởng tượng rằng Nga sẽ hài lòng", thông báo từ Nhà Trắng có đoạn. "Hãy để hành động khiêu khích mới nhất này trở thành lời kêu gọi các quốc gia áp đặt những lệnh trừng phạt mạnh mẽ hơn đối với Triều Tiên".
Trung Quốc trong khi đó lại kêu gọi các bên liên quan kiềm chế. "Tình hình hiện nay trên bán đảo Triều Tiên phức tạp và nhạy cảm. Tất cả các bên nên kiềm chế và hạn chế những hành động có thể gây leo thang căng thẳng", Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bày tỏ thái độ phản đối kịch liệt, gọi vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là hành động "không thể chấp nhận", đe dọa Nhật Bản cũng như vi phạm nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.(Vnexpress)
-----------------------------
'Vũ khí hoàn hảo' giúp Triều Tiên tung đòn hạt nhân vào Mỹ
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm qua ca ngợi nước này đã thử nghiệm "một hệ thống vũ khí hoàn hảo" sau khi quân đội Triều Tiên tuyên bố phóng một quả tên lửa đạn đạo tầm trung mới có khả năng mang đầu đạn hạt nhân hạng nặng kích thước lớn, theo Washington Post.
Theo John Schilling, kỹ sư không gian vũ trụ, chuyên nghiên cứu về tên lửa, cho rằng vụ phóng thử tên lửa Hwasong-12 này là một bước đệm quan trọng giúp Triều Tiên sớm có thể sở hữu một loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) gắn đầu đạn hạt nhân có thể vươn tới lục địa Mỹ.
"Vụ phóng thử tên lửa thành công mới đây cho thấy khả năng hoạt động chưa từng thấy ở một quả tên lửa của Triều Tiên", Schilling nói. Triều Tiên cho biết quả tên lửa này đã đạt độ cao hơn 2.000 km và bay được hơn 700 km trước khi rơi xuống biển Nhật Bản. Theo Schilling, điều này có nghĩa là Triều Tiên chỉ còn khoảng một năm nữa là có thể sở hữu ICBM, chứ không phải tới 5 năm như dự đoán trước đây.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA cho biết quả tên lửa Hwasong-12 "được phóng ở góc cao nhất" để không ảnh hưởng tới an ninh của các nước láng giềng. Theo David Wright, đồng giám đốc chương trình an ninh toàn cầu tại Liên minh Các nhà khoa học Có quan tâm (UCS), nếu được bắn ở góc chuẩn để vào quỹ đạo tối đa, quả tên lửa có thể đạt tầm bắn tới hơn 4.500 km, dễ dàng vươn tới lãnh thổ Guam, nơi có căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ.
Schilling cho rằng không chỉ ra mắt loại tên lửa đạn đạo tầm trung mới có thể bắn tới Guam, điều quan trọng hơn là qua vụ thử này, Triều Tiên đã cho thấy bước tiến rất lớn trong chương trình tên lửa và hạt nhân của họ, bất chấp nỗ lực cấm vận của Liên Hợp Quốc và sức ép từ Mỹ cũng như Trung Quốc. Chuyên gia này cho rằng chính những động thái mang tính răn đe quân sự của Mỹ gần đây trong khu vực càng thúc đẩy Triều Tiên tăng tốc chương trình tên lửa của mình."Nếu Mỹ dám có hành động khiêu khích quân sự chống lại Triều Tiên, chúng tôi đã sẵn sàng chống lại", KCNA dẫn lại lời ông Kim sau vụ phóng tên lửa. "Mỹ sẽ không thoát khỏi thảm họa lớn nhất trong lịch sử. Mỹ không nên đánh giá sai thực tế rằng lục địa và khu vực hoạt động của họ ở Thái Bình Dương đang nằm trong tầm ngắm của Triều Tiên và chúng tôi có đủ các biện pháp mạnh để tấn công trả đũa".
Schilling cho rằng ngay từ đầu năm 2017, cộng đồng quốc tế đã nhận thấy những dấu hiệu chứng tỏ Triều Tiên đang phát triển mẫu tên lửa đạn đạo tầm trung mang tên Hwasong-12 này. Hồi tháng 1, các nguồn tin tình báo cho biết Triều Tiên đã triển khai hai mẫu ICBM có chiều dài chưa đầy 15 mét tại một bãi thử, khiến các chuyên gia quân sự bối rối. Các mẫu tên lửa đạn đạo khác của Triều Tiên có kích thước lớn hơn như vậy khá nhiều.
Theo ông, mẫu Hwasong-12 nhiều khả năng được phát triển trên nền tảng tên lửa KN-08, nhưng chỉ có hai tầng thay vì ba tầng đẩy của phiên bản gốc. Hai tầng phóng của tên lửa này cũng có kích thước nhỏ hơn, rất có thể được Triều Tiên phát triển nhằm thay thế cho tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan.
Tên lửa Musudan đã được Triều Tiên phát triển từ lâu, đạt tầm bắn tới 3.500 km, hoàn toàn có thể đe dọa lãnh thổ Guam của Mỹ. Thế nhưng loại tên lửa này lại thể hiện độ tin cậy quá kém, khi chỉ có một lần thành công trong ít nhất 6 lần thử và quân đội Triều Tiên chưa thể chắc chắn nó có thể vươn tới được Guam hay không.
Việc Musudan là tên lửa tốt nhất mà Triều Tiên có thể chế tạo trong 10 năm qua có thể đã thôi thúc lãnh đạo nước này quyết tâm sản xuất một loại tên lửa hai tầng mới đáng tin cậy hơn, có tầm bắn xa hơn. Hwasong-12 dường như là tên lửa có thể giúp Bình Nhưỡng có khả năng răn đe đáng tin cậy hơn đối với căn cứ quân sự Mỹ ở Guam.
"Việc sở hữu một loại tên lửa có tầm bắn tối thiểu 4.500 km là một bước đệm rất quan trọng trong tham vọng của Triều Tiên nhằm sở hữu một loại tên lửa có thể vươn xa hơn. Hwasong-12 chưa phải là một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, nhưng Bình Nhưỡng đã đến rất gần mục tiêu đó", Tal Inbar, giám đốc Trung tâm Vũ trụ và UAV tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Không quân và Vũ trụ Fisher của Israel, nhận định.Schilling thì cho rằng nếu Triều Tiên sở hữu một loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể bắn tới Bắc Mỹ, sự cân bằng chiến lược trong khu vực sẽ thay đổi. Hwasong-12 không phải là mẫu ICBM như vậy, nhưng nó có thể là nền tảng để Triều Tiên thử nghiệm các công nghệ và hệ thống cần thiết cho mẫu ICBM tương lai như KN-08 hay KN-14.
Theo chuyên gia này, những mẫu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ba tầng đẩy như KN-08 rất dễ thất bại trong những lần phóng thử đầu tiên, để lại gánh nặng chi phí rất lớn, có thể khiến cộng đồng quốc tế phản ứng hơn nhiều. Việc phóng thử Hwasong-12 có hai tầng đẩy sẽ ít tốn kém hơn, ít bị Mỹ và Hàn Quốc cùng các đồng minh khác lên án hơn.
Những dữ liệu mà Triều Tiên thu được từ vụ phóng thử Hwasong-12 sẽ rất có ích cho quá trình phát triển và hoàn thiện ICBM của Triều Tiên, bởi mẫu tên lửa này được cho là dùng chung hai tầng đẩy đầu tiên và động cơ phản lực với KN-08. Vụ phóng thử Hwasong-12 sẽ là sự khởi đầu cho quá trình này.
"Triều Tiên chưa thể đe dọa các thành phố Mỹ trong ngày một ngày hai, vì họ sẽ phải thực hiện thêm nhiều vụ thử đối với hệ thống ICBM hoàn chỉnh. Nhưng với vụ thử này, Triều Tiên đã cho thấy những tiến bộ về công nghệ mà họ đã đạt được, buộc Washington phải đánh giá lại chương trình ICBM của Bình Nhưỡng theo hướng hoàn toàn mới", Schilling nhấn mạnh.(Vnexpress)
----------------------
Triều Tiên có thể chủ định thử tên lửa trùng hội nghị ở Trung Quốc
Vụ thử tên lửa diễn ra đúng ngày Trung Quốc tổ chức diễn đàn ngoại giao cấp cao hôm 14/5 có thể là cách Triều Tiên tăng lợi thế trước bất kỳ cuộc đàm phán nào.
Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo sớm 14/5, phủ bóng mây lên sự kiện ngoại giao lớn nhất năm của Trung Quốc và ngăn chặn các nỗ lực nối lại đàm phán về chương trình vũ khí của nước này, theo SCMP.
Triều Tiên thử tên lửa chỉ vài giờ trước khi Trung Quốc bắt đầu Diễn đàn Vành đai và Con đường, nơi Chủ tịch Tập Cận Bình trình bày về tầm nhìn của ông với vấn đề toàn cầu hóa trước các nhà lãnh đạo và đại biểu hàng chục quốc gia.
Các nhà quan sát nói vụ thử cũng thể hiện việc Bình Nhưỡng cố gắng tranh thủ thêm thời gian để phát triển công nghệ tên lửa và củng cố vị thế trước bất kỳ cuộc đàm phán nào.
Tên lửa Triều Tiên được phóng lúc lúc 5h27 sáng 14/5, bay được 30 phút, đạt độ cao hơn 2.000 km trước khi rơi xuống biển Nhật Bản.
Trong cuộc gặp bên lề Diễn đàn với Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Tập nói Trung Quốc và Nga đã cam kết có giải pháp chính trị về vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Park Byeong-seung, người dẫn đầu phái đoàn Hàn Quốc tham dự diễn đàn ở Bắc Kinh, có cuộc trao đổi ngắn với Kim Yong-jae, Bộ trưởng Quan hệ Ngoại thương Triều Tiên, theo Yonhap.
Đầu tuần trước, một phái đoàn Triều Tiên gặp nhóm các cựu quan chức và học giả Mỹ tại Na Uy, sau khi Tổng thống Donald Trump nói ông sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un "trong tình huống thích hợp". Người đứng đầu phái đoàn đàm phán hạt nhân của Bình Nhưỡng là ông Choe Son-hui cũng tuyên bố Triều Tiên sẵn sàng trao đổi với Mỹ "nếu các điều kiện chín muồi".
Tôn Hưng Kiệt (Sun Xingjie), chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Cát Lâm, Trung Quốc, cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã nắm bắt khoảng thời gian yên tĩnh trong căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên để thúc đẩy chương trình vũ khí.
"Trong thời điểm hoàn hảo, ưu tiên hàng đầu của ông Tập Cận Bình vào những ngày này là tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh, ông Donald Trump thì đang vướng vào vụ sa thải giám đốc FBI... không ai để ý đến ông Kim", ông Tôn nói.
"Nếu các nước khác không hợp tác, Triều Tiên có lẽ sẽ tiếp tục dùng chiến thuật này, vờ đối thoại trong khi tiến hành thêm nhiều vụ thử nghiệm".
Tuy nhiên, phó chủ nhiệm trung tâm nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Phúc Đán, Trung Quốc, ông Thái Kiến (Ca Jian), cho biết lần thử tên lửa này của Bình Nhưỡng dường như sẽ không gây ra đối đầu quân sự.
"Trung Quốc đã nói rõ rằng giải pháp quân sự là không thể", ông Thái nói và cho biết Triều Tiên tới nay vẫn còn khoảng cách lớn để tạo ra mối đe dọa thực sự với lãnh thổ Mỹ.
"Về cơ bản, Bình Nhưỡng muốn nắm giữ càng nhiều lợi thế càng tốt trước khi ngồi xuống bàn đàm phán", ông Thái nói.
Mặc dù Nhà Trắng kêu gọi các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn với Triều Tiên, song Trung Quốc dường như sẽ không áp dụng thêm biện pháp nào với Bình Nhưỡng cho tới khi vụ thử hạt nhân lần thứ 6 diễn ra, ông Thái phân tích.
"Các vụ thử tên lửa về cơ bản khác với một vụ thử hạt nhân", ông Thái nói.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA hôm qua cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong-un đích thân giám sát vụ phóng tên lửa. Tên lửa được phóng là mẫu Hwasong-12, bay quãng đường 787 km và đạt đến độ cao 2.111,5 km.
Vụ phóng thử "nhằm mục tiêu xác minh các đặc tính kỹ thuật và chiến thuật của mẫu tên lửa đạn đạo mới phát triển, đủ khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân cỡ lớn", theo KCNA.(Vnexpress)