Tin tức Biển Đông 2017. Cập nhật liên tục tin tức Biển Đông. Thông tin về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Thông tin về hoạt động, hành xử của các bên về vấn đề BIển Đông. Mỹ trấn 2 tàu sân bay gần Triều Tiên - Thùng thuốc sũng vẫn trực nổ
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên 25-04-2017
- Cập nhật : 25/04/2017
Những tai mắt của ông Tập trong vấn đề Bình Nhưỡng
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lắng nghe ý kiến từ 6 bên để quyết định chính sách với Triều Tiên.
Trung Quốc là đồng minh lâu năm của Triều Tiên, tuy nhiên, quan hệ hai nước đang xấu đi do chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng. Dưới đây là các tổ chức lớn của Trung Quốc tham gia hoạch định chính sách với Triều Tiên, theo SCMP.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc
Bộ Ngoại giao là cơ quan đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ hai nước. Cơ quan ngoại giao này từng kêu gọi Mỹ, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc và Triều Tiên cùng ngồi lại để cố gắng đàm phán tiến trình phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên, tuy nhiên, không có nhiều tiến triển đạt được.
Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Trung Quốc
Vì Triều Tiên và Trung Quốc đều là các nước cộng sản, một số điệp vụ ngoại giao thường được thực hiện bởi các cơ quan đảng. Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Trung Quốc có ảnh hưởng lớn và đôi khi còn có tính quyết định trong việc thương thảo với Triều Tiên.
Ban này từng chịu trách nhiệm tổ chức các chuyến thăm Trung Quốc của cựu lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il.
Bộ Thương mại Trung Quốc
Bộ Thương mại Trung Quốc từng có ảnh hưởng ngắn nhưng đóng vai trò lớn trong việc thương thảo với Bình Nhưỡng năm 2012, khi Bắc Kinh cố gắng phát triển hai khu kinh tế trên biên giới Trung - Triều mang tên Rason và Hwanggumpyong.
Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc thời điểm đó, Trần Đức Minh và người chú rể của ông Kim Jong un, Jang Song-thaek, chịu trách nhiệm phát triển hai khu kinh tế này. Dự án bị đình chỉ năm 2013 sau khi ông Jang bị xử tử. Tuy vậy, bộ này vẫn phụ trách vấn đề thương mại hai nước.
Quân đội Trung Quốc
Hai nước đã ký kết một hiệp ước viện trợ và hợp tác. Quân đội Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong quan hệ Trung - Triều vì theo như hiệp ước, nếu một trong hai quốc gia bị tấn công, phía còn lại sẽ hỗ trợ ngay lập tức, kể cả về quân sự.
Các học giả quân sự Trung Quốc cũng bắt đầu tích cực bày tỏ quan điểm của họ về Triều Tiên và chính sách trong tương lai.
Tướng Trung Quốc Doãn Trác cho rằng vũ khí hạt nhân không thể giúp bảo vệ sự an toàn của Triều Tiên và có thể gây ra những sự cố gây tổn hại đến an ninh khu vực.
Chính quyền hai tỉnh biên giới Liêu Ninh và Cát Lâm
Chính quyền hai tỉnh phải đối mặt với những sự kiện mang tính khẩn cấp hàng ngày. Họ thường xuyên thấy những người chạy trốn khỏi Triều Tiên để sang địa phận Trung Quốc.
Bởi lý do địa lý, những cuộc thử hạt nhân của Triều Tiên có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày và điều kiện làm việc của người dân ở các tỉnh đông bắc Trung Quốc. Do vậy, hai địa phương này có thái độ rất quyết liệt về vấn đề Bình Nhưỡng.
Truyền thông nhà nước
Văn phòng đại diện tại Bình Nhưỡng của Tân Hoa Xã là chi nhánh đầu tiên ở nước ngoài của hãng thông tấn này.
Ngoài việc đưa tin, chi nhánh ở Bình Nhưỡng cũng có nhiệm vụ cung cấp thông tin tình báo về Trung Quốc dưới hình thức "tài liệu tham khảo nội bộ". (Vnexpress)
-------------------------------------------
Triều Tiên làm găng với Úc: Dọa xa, nhằm gần
Việc Triều Tiên tiếp tục leo thang căng thẳng với Mỹ không có gì mới. Nhưng việc Triều Tiên dọa cả Úc là động thái gây bất ngờ, mà lại còn dọa bằng vũ khí hạt nhân.
Triều Tiên hành động như vậy để thể hiện thái độ về cuộc trả lời phỏng vấn của Bộ trưởng Ngoại giao Úc Julie Bishop mới đây. Trong đó, bà Bishop nói Triều Tiên đe dọa hòa bình khu vực và khẳng định Úc ủng hộ chủ trương của Mỹ "để ngỏ mọi biện pháp đối phó Triều Tiên".
Xưa nay, Úc không phải đồng minh quân sự và đối tác chiến lược duy nhất ủng hộ Mỹ đối phó Triều Tiên. Về địa lý, Úc ở cách xa Triều Tiên. Có không ít nước ủng hộ Mỹ như Úc mà Triều Tiên lại chỉ dọa mỗi nước này. Từ đó có thể thấy Triều Tiên dùng việc hăm dọa Úc nhằm răn đe nước khác.
Căng thẳng và đối địch giữa Mỹ và Triều Tiên ở khu vực Đông Bắc Á chưa có dấu hiệu thuyên giảm, thậm chí còn ngược lại. Mức độ hăm dọa nhau giữa hai bên ngày càng tăng. Mỹ đưa tàu sân bay đến thì Triều Tiên bắt giữ công dân nước này. Nhật Bản cũng gửi tàu chiến tập trận chung với nhóm tàu Mỹ đang đến vùng biển bán đảo Triều Tiên. Với Nhật Bản và Mỹ hay Hàn Quốc thì Triều Tiên đã nhiều lần đe đến mức tột đỉnh cũng như ba nước này đã làm với Bình Nhưỡng. Cho nên thông điệp của Triều Tiên qua cách thức dọa Úc mới đây là nhằm vào các bên ở gần, hàm ý một khi xảy ra đụng độ vũ trang giữa Mỹ và Triều Tiên thì sẽ có cả vũ khí hạt nhân vào cuộc. Khi ấy vấn đề không đơn thuần là chuyện giữa Mỹ và Triều Tiên mà còn với cả đồng minh của Mỹ.(TN)
----------------------------------------
Ngoại trưởng Australia phản đòn đe dọa tấn công hạt nhân của Triều Tiên
Sau đe dọa tấn công hạt nhân thẳng thừng của Bình Nhưỡng, Ngoại trưởng Australia đã đưa ra màn phản đòn đanh thép.
Ngoại trưởng Australia Julia Bishop đã đưa ra tuyên bố đanh thép trước đe dọa tấn công hạt nhân của Triều Tiên.
Theo RT, sau khi Bình Nhưỡng cảnh báo Australia “đang rơi vào tầm bắn” của một cuộc tấn công hạt nhân, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop đưa ra tuyên bố cứng rắn trong cuộc trả lời hãng thông tấn APP của Australia, buộc tội Triều Tiên làm suy giảm hòa bình và an ninh ở châu Á – Thái Bình Dương.
“Những đe dọa tấn công hạt nhân của Triều Tiên chống lại các quốc gia khác tiếp tục nhấn mạnh nhu cầu chế độ này từ bỏ các chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân bất hợp pháp. Những việc này tạo ra một mối đe dọa lớn với các nước láng giềng và nếu không được kiểm soát, là với một khu vực lớn hơn bao gồm Australia”, bà nói ngày 23/4.
Bà Bishop cũng cho rằng, “Chính phủ Triều Tiên nên đầu tư vào phúc lợi cho người dân nước này, thay vì những vũ khí hủy diệt hàng loạt".
Trong một cuộc gặp với người đồng cấp Nhật Bản Shinze Abe hồi tuần trước, bà Bishiop cho biết Australia ủng hộ cách tiếp cận của Mỹ, theo đó mọi phương án [sẽ được] thảo luận để kiểm soát hành vi phi pháp và thiếu thân thiện của Triều Tiên.
Phát biểu này của bà Bishop đã vấp phải phản ứng giận dữ của Bình Nhưỡng. “Nếu Australia cố tình theo đuôi Mỹ để cô lập và kiềm chế Triều Tiên, đây sẽ là hành động tự sát dưới tầm với của những đòn tấn công hạt nhân từ Triều Tiên”, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Triều Tiên ngày 22/4 cho hay.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang gia tăng kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông qua một đường lối cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng so với người tiền nhiệm Barack Obama.
Nhà Trắng đã liên tục kêu gọi Bình Nhưỡng từ bỏ các chương trình tên lửa và hạt nhân của nước này. Hiện có thông tin Triều Tiên đang chuẩn bị tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân thứ sáu hoặc bắn một quả tên lửa đạo đạn có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã điều tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson đến bán đảo Triều Tiên. Bình Nhưỡng đã đe dọa đánh đắm đội tàu sân bay này bằng “chỉ một cuộc tấn công”. Theo Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence ngày 22/4, đội tàu sân bay của Mỹ sẽ đến các vùng biển trong khu vực chỉ sau vài ngày.
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã thể hiện sự ủng hộ dành cho chính sách của Mỹ với Triều Tiên và kêu gọi Trung Quốc giúp giải quyết tình huống.
Trong tháng tư, tuân theo các lệnh trừng phạt quốc tế với Bình Nhưỡng vì các cuộc thử tên lửa bị toàn cầu chỉ trích của nước này, Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu than từ Triều Tiên, một trong những nguồn tài nguyên mang lại thu nhập cho Bình Nhưỡng.(Baotintuc)
------------------------------
Triều Tiên sử dụng Văn phòng tại London 'gom' tiền cho chương trình hạt nhân
Triều Tiên bị nghi ngờ sử dụng một ngôi nhà ở London làm đầu mối 'gom' tiền cho các chương trình vũ khí hạt nhân của nước này.
Theo một điều tra của tờ Sunday Times, có tới 33 triệu bảng Anh được chuyển mỗi năm thông qua Công ty Bảo hiểm Quốc gia Triều Tiên (KNIC) đăng ký tại Blackhealth, đông nam London, Vương quốc Anh.
KNIC đã bị Liên minh châu Âu (EU) áp đặt các lệnh trừng phạt hồi năm ngoái sau khi hoạt động ở Anh trong hơn 2 thập kỷ qua.
Theo Independent, lệnh trừng phạt của EU, tiết lộ địa chỉ của tài sản trên, đã kết luận: “Công ty Bảo hiểm Quốc gia Triều Tiên, công ty thuộc sở hữu và do nhà nước kiểm soát, đang tạo ra doanh thu ngoại hối khổng lồ được sử dụng để hỗ trợ chương trình liên quan đến hạt nhân, tên lửa đạn đạo hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt khác của CHDCND Triều Tiên”.
Công ty này được cho là liên quan tới “Văn phòng 39”, mà theo The Times báo cáo là cung cấp tài chính trực tiếp hỗ trợ cho lối sống xa hoa của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thông qua những hoạt động phi pháp như buôn bán ma túy và vũ khí.
Các tài sản ở Anh của KNIC, bao gồm ngôi nhà ở Blackhealth, đã bị Kho bạc đóng băng và không thể bán mà không có sự cho phép của Chính phủ Anh.
Trả lời The Times, Đại sứ quán Triều Tiên tại London nói rằng những cáo buộc này là “vô căn cứ”.
Triều Tiên đã tiến hành 5 cuộc thử nghiệm hạt nhân, hai cuộc trong năm ngoái, và vẫn đang tiếp tục phát triển các tên lửa có đầu đạn hạt nhân có thể vươn tới Mỹ. Bình Nhưỡng cũng tiến hành một loạt thử nghiệm tên lửa đạn đạo bất chấp các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc. (TTXVN)