Tin tức Biển Đông 2017. Cập nhật liên tục tin tức Biển Đông. Thông tin về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Thông tin về hoạt động, hành xử của các bên về vấn đề BIển Đông. Việt Nam - Ấn Độ, đối tác chiến lược trong tranh chấp biển Đông
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên 30-08-2017: Phóng tên lửa qua Nhật: Kim Jong-un liều lĩnh hay vĩ đại?
- Cập nhật : 30/08/2017
Với nhiều người dân Triều Tiên lúc này, vị lãnh tụ của họ đã có thể sánh ngang với lãnh đạo của các siêu cường trên thế giới...
Truyền thông quốc tế dồn đập đưa tin, sáng 29/8, Bình Nhưỡng đã phóng thử tên lửa tầm trung Hwasong-12, song lần này tên lửa Triều Tiên được cho bay ngang qua lãnh thổ Nhật Bản và rơi xuống vùng biển ngoài khơi khu vực phía bắc Hokkaido.
Trước sự kiện này, ông Jeffrey Lewis, người đứng đầu Chương trình không phổ biến Đông Á tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Middlebury ở California, Mỹ nhận định:
“Điều này rất bất thường. Năm 1998 và năm 2009, Triều Tiên từng cho phóng tên lửa vào quỹ đạo mang theo vệ tinh cũng bay ngang qua Nhật Bản, nhưng khi đó không phải là phóng tên lửa như lần này”.
Phản ứng với hành động mới nhất của Bình Nhưỡng, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho rằng: “Hành động của Triều Tiên là mối đe dọa nghiêm trọng đối với đất nước chúng ta”.
Tuy nhiên, lực lượng phòng vệ Nhật Bản được cho là đã không cố gắng bắn hạ tên lửa của Triều Tiên khi nó bay ngang qua lãnh thổ nước này, theo Al Jazeera.
Trao đổi với Thủ tướng Nhật Bản vào sáng nay, sau khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã "đồng ý 100%" với Nhật Bản trong việc gia tăng áp lực đối với Triều Tiên.
Hồi đầu tháng này, ông Kim Jong-un từng đe dọa sẽ phóng bốn tên lửa Hwasong-12 vào vùng biển gần lãnh thổ Guam của Mỹ, sau khi Tổng thống Trump cảnh báo Bình Nhưỡng sẽ phải đối mặt với “lửa thịnh nộ” nếu đe dọa nước Mỹ.
Nay thì ông Kim Jong-un đã thực hiện điều đó với đồng minh của Mỹ.
Hành động của Bình Nhưỡng được xem là đánh dấu sự leo thang mạnh mẽ căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, nhất là nó lại diễn ra khi Mỹ và Hàn Quốc đang tiến hành cuộc tập trận quân sự "Người bảo vệ Tự do Ulchi" năm 2017.
Dư luận quốc tế cho rằng Kim Jong-un hành động quá liều lĩnh, bởi có thể đưa đất nước Triều Tiên đối mặt với cuộc tấn công quân sự của Mỹ, song giới phân tích lại nhìn nhận đây là một sự tính toán tuyệt vời của nhà lãnh đạo trẻ xứ Bắc Hàn.
Thứ nhất, Kim Jong-un hành động mà không để Triều Tiên bị trả đũa bằng tấn công quân sự
Sau khi Ngày Thái Dương tại xứ Bắc Hàn diễn ra trong yên ả và nhất là sau khi tàu sân bay USS Carl Vinson rời khỏi vùng biển Nhật Bản, giới phân tích cho rằng mọi cuộc thử nghiệm tên lửa của Bình Nhưỡng sẽ không là sự mở đầu cho bất cứ cuộc tấn công quân sự nào của Mỹ.
Vì vậy, việc phóng thử tên lửa Hwasong-12 sáng ngày 28/8 cũng sẽ không khiến Bình Nhưỡng phải nhận lãnh việc đáp trả bằng hành động quân sự và ngay cả khi tên lửa Triều Tiên bay ngang qua lãnh thổ Nhật Bản cũng sẽ không bị đánh chặn.
Mọi cuộc thử nghiệm tên lửa của Triều Tiên trong lúc này không thể mở đầu cho các cuộc tấn công quân sự của Mỹ
Đối với Nhật Bản, chắc chắn Tokyo không thực hiện việc đánh chặn, bởi điều đó là lợi bất cập hại.
Mỹ đang là lực lượng bảo trợ an ninh cho Nhật Bản, do vậy mọi hành động đe doạ Nhật Bản đều được quân đội Mỹ đáp trả trước tiên.
Nhật Bản chỉ có thể đánh chặn tên lửa Triều Tiên trong điều kiện đã có trao đổi và lên kế hoạch chung với Mỹ. Tuy nhiên, Kim Jong-un đã chọn hành động bất ngờ khiến cho Tokyo không thể thực hiện điều đó, đẩy trách nhiệm về phía Washington.
Song đối với Mỹ, việc đánh chặn tên lửa của Bình Nhưỡng khi đang tiến hành tập trận tại Hàn Quốc có thể được xem là hành động khiêu chiến mà từ đó có thể khởi phát cho một cuộc chiến tranh Triều Tiên lần thứ hai.
Cho dù Washington kịch liệt lên án Bình Nhưỡng phóng thử tên lửa, song thực ra Mỹ chưa chuẩn bị cho một cuộc chiến với Triều Tiên. Điều đó một phần vì chưa đủ điều kiện, một phần vì chiến tranh với Triều Tiên không phải là mục đích của Mỹ.
Theo giới phân tích, những động thái của Washington chủ yếu hướng tới cộng hưởng với hành động của Bình Nhưỡng khiến cho bán đảo Triều Tiên nói riêng, Đông Bắc Á nói chung, gia tăng căng thẳng, qua đó giúp gia tăng lợi ích cho Mỹ trong ngoại giao nước lớn.
Kim Jong-un cho phóng thử tên lửa bay ngang qua lãnh thổ Nhật Bản được nhìn nhận là gia tăng mức độ nguy hiểm với Mỹ và đồng minh của Mỹ, song nó vẫn nằm trong giới hạn miễn nhiễm của việc trả đũa từ đối thủ, mà việc tên lửa được phóng đi không bị đánh chặn đã cho thấy điều đó.
Thứ hai, ông Kim Jong-un củng cố uy tín lãnh tụ tài năng của Triều Tiên, qua đó đảm bảo sự trung thành của thuộc cấp và sự ủng hộ của người dân
Việc Kim Jong-un nối nghiệp không được chuẩn bị kịp thời và chu đáo, vì vậy đã có rất nhiều nghi ngại về vị thế của nhà lãnh đạo trẻ trong mắt những bậc tiền bối, một phần vì tuổi đời quá trẻ, một phần vì kinh nghiệm chính trường quá ít.
Ông Kim Jong-un ngày càng đảm bảo được sự trung thành của thuộc cấp mà không phải có những hành động gây sợ hãi
Điều đó là sự thật, khi liên tiếp trong những năm qua, từ khi nắm quyền, nhà lãnh đạo trẻ này đã phải thử thách lòng trung thành của thuộc cấp bằng việc gạt bỏ quyền lực, loại bỏ chức vị, thậm chí hành quyết nhiều vị công thần từ thời lập quốc.
Ông Kim Jong-un phải thể hiện quyền uy bằng việc thanh trừng để gây khiếp sợ cho những người không chuyên chính. Tuy nhiên, chắc chắn ông ta cũng hiểu đó chỉ là “vạn bất đắc dĩ” mà thôi.
Theo giới phân tích, đối với Kim Jong-un nỗi lo “giặc ngoài” chưa hẳn lớn bằng “thù trong”, nên bất kể thuộc cấp nào có biểu hiện mà cần phải xem lại lòng trung thành đều phải đón nhận những phán quyết hết sức tàn nhẫn.
Nhưng xem ra trong lòng của vị lãnh đạo trẻ này vẫn không yên nếu không làm được gì cho “ra ngô ra khoai”, ngoài việc thanh trừng, để cho thuộc cấp nể phục - cấp dưới nghe ông, tuân thủ ông vì lo sợ nhiều hơn nể phục.
Kim Jong-un đã quyết tâm phát triển kỹ thuật tên lửa và hạt nhân. Khi ông nói được và đã làm được trong việc đe doạ kẻ thù, bảo vệ đất nước, qua đó ông đã khẳng định được mình là lãnh tụ tối cao, là vị chỉ huy tài năng, theo bình luận của BBC.
Trong mắt thuộc cấp, giờ đây Kim Jong-un đã trưởng thành nên họ phải thay đổi trong suy nghĩ về nhà lãnh đạo trẻ và họ thể hiện lòng trung thành với nhà lãnh đạo không còn mang tính miễn cưỡng nữa.
Hãng tin BBC nhận định: “Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã phát triển một chương trình tên lửa, hạt nhân hiệu quả, như một phương tiện để khẳng định quyền tự chủ về chính trị và chiến lược của đất nước, thực hiện mục tiêu phát triển nền kinh tế quân sự”.
Quan trọng hơn, qua thành tựu kỹ thuật quân sự, ông Kim Jong-un đã chứng minh cho người dân biết là ông ta sử dụng tiền của của dân cho mục đích giữ vững nền độc lập bằng việc phát triển thứ vũ khí hiện đại, chứ không phải chỉ là hô hào khẩu hiệu xuông với những loại vũ khí cũ kỹ, lạc hậu.
Ông Kim Jong un đã xây dựng được nền tảng niềm tin vững chắc của người dân và tạo nên khối đoàn kết xung quanh ông. Với nhiều người dân Triều Tiên lúc này, vị lãnh tụ của họ đã có thể sánh ngang với lãnh đạo của các siêu cường trên thế giới.
Theo giới phân tích, nhà lãnh đạo trẻ xứ Bắc Hàn có thể tiếp tục thực hiện chương trình kỹ thuật tên lửa, hạt nhân tốn kém mà không quá lo lòng dân dậy sóng, sau các vụ phóng tên lửa "đắc nhân tâm" của mình.
Ngọc Việt
Theo Baodatviet.vn