Mỹ đe dọa khi Nga lấp lửng về Triều Tiên; Hàn Quốc hạ thủy tàu ngầm tối tân giữa lúc căng thẳng với Triều Tiên; Tổng thống Trump cảnh báo 'ngày rất buồn' sẽ đến với Triều Tiên
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên chiều 08-09-2017:
- Cập nhật : 08/09/2017
Sau điện đàm, Mỹ-Trung hứa giải quyết hòa bình chuyện Triều Tiên
Bắc Kinh tuyên bố sẽ xử lý các vấn đề giao thương với Bình Nhưỡng để vừa đảm bảo hòa bình, ổn định của bán đảo Triều Tiên vừa bám sát con đường phi hạt nhân hóa.
Nhấn mạnh trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Donald Trump ngày 6-9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói Bắc Kinh muốn vấn đề Triều Tiên phải được giải quyết thông qua đối thoại và các phương thức hòa bình khác.
Trung Quốc "sẽ không ngần ngại" trong việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc trích lời ông Tập.
"Nhưng đồng thời, chúng tôi kiên quyết bảo vệ hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên, giải quyết vấn đề thông qua đối thoại và tham vấn. Cần bám sát các giải pháp hòa bình cho vấn đề", ông Tập nhấn mạnh.
Tuyên bố sau đó của Nhà Trắng cho biết hai nhà lãnh đạo đã nhất trí cùng phối hợp để giải quyết vấn đề Triều Tiên trong thời gian tới.
Tổng thống Mỹ tuyên bố hành động quân sự chống Triều Tiên không phải là lựa chọn đầu tiên và ông đã có một cuộc thảo luận thẳng thắn và mạnh mẽ qua điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc về vấn đề này.
"Tôi tin là Chủ tịch Tập đã hoàn toàn đồng ý 100% với tôi. Có vẻ như ông ấy đang muốn làm một thứ gì đó. Chờ xem ông ấy có thể làm được hay không nhưng chúng ta chắc chắn không thể tha thứ cho những gì diễn ra ở Triều Tiên", tổng thống Trump nhấn mạnh trước đông đảo báo giới sau cuộc nói chuyện.
Cuộc điện đàm diễn ra chỉ một ngày trước khi 4 bệ phóng thuộc tổ hợp phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) được triển khai tới Hàn Quốc. Cũng như lần trước, hàng ngàn người dân đã xuống đường biểu tình và xung đột với cảnh sát tại địa điểm triển khai THAAD.
Ngày 3-9, Triều Tiên tuyên bố đã thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch (bom H) có thể gắn lên tên lửa đạn đạo liên lục địa. Cộng đồng quốc tế đã lập tức phản ứng trước vụ thử hạt nhân lần 6 của Bình Nhưỡng.
Trong mấy ngày gần đây, các cuộc điện đàm, gặp gỡ giữa các quan chức và lãnh đạo Mỹ diễn ra thường xuyên xoay quanh vấn đề Triều Tiên. Trung Quốc trở thành nước bị gây sức ép thứ hai chỉ sau "nhân vật chính" Bình Nhưỡng vì mối quan hệ gần gũi giữa hai nước.
Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, năm 2016, Trung Quốc chiếm tới 92% giao thương của Triều Tiên. Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng làm căng, triệt tất cả đường sống của Triều Tiên. Điều đó đã được thể hiện rõ hơn qua tuyên bố sáng 7-9 của Bộ Thương mại Trung Quốc.
Không loại trừ Bộ Tài chính Mỹ sẽ tiếp tục gây sức ép lên Trung Quốc bằng các lệnh trừng phạt cấm giao dịch tại Mỹ đối với các tổ chức, cá nhân Trung Quốc làm ăn với Triều Tiên. Tuy nhiên, Bắc Kinh chắc chắn sẽ không để yên và Washington cũng chưa thể đụng vào các tập đoàn, ngân hàng mạnh nhất của Trung Quốc, theo giới chuyên môn.(tuoitre)
------------------------
Mexico trục xuất Đại sứ Triều Tiên
Ngày 7/9, Chính phủ Mexico đã tuyên bố không chấp thuận Đại sứ Triều Tiên Kim Hyong Gil và yêu cầu nhà ngoại giao này rời khỏi Mexico trong vòng 72 giờ.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mexico (SRE) nêu rõ hành động ngoại giao này thể hiện sự phản đối của Mexico đối với Chính phủ Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân gần đây.
SER đồng thời lên án hành động thử hạt nhân của Bình Nhưỡng là vi phạm luật pháp quốc tế và đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình và an ninh ở khu vực châu Á, bao gồm các đồng minh quan trọng của Mexico như Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như cả thế giới.
Mexico tái khẳng định sự ủng hộ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.(Baotintuc)
--------------------------
Tiết lộ cách thức Mỹ hóa giải tên lửa đạn đạo Triều Tiên tấn công Guam
Mỹ chỉ có nhiều nhất là 14 phút để đánh chặn nếu tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Triều Tiên tấn công đảo Guam trên Thái Bình Dương. Vậy hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và các đồng minh sẽ vận hành và phối hợp với nhau như thế nào để giải quyết được tình thế cấp bách trên?
Giữa tháng 8 vừa qua, Triều Tiên và Mỹ đã có màn đấu khẩu gay gắt, đỉnh điểm với lời đe dọa từ Bình Nhưỡng sẽ dùng tên lửa đạn đạo các căn cứ quân sự trên đảo Guam của Washington. Không chỉ dùng lời nói mà dường như Triều Tiên đang từng bước thực hiện kế hoạch của mình. Ngày 29/8, Triều Tiên bất ngờ phóng một quả tên lửa bay qua vùng lãnh thổ Nhật Bản, cùng cung đường tên lửa phóng tới Guam. 5 ngày sau, Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân lần thứ 6, dấy lên làn sóng chỉ trích mạnh mẽ từ cộng đồng thế giới và thêm những lời đe dọa cứng rắn từ Mỹ.
Trong bối cảnh Bình Nhưỡng ngày càng mạnh bạo trong chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân, Mỹ và các đồng minh phải thực sự nghiêm túc cân nhắc lựa chọn phương án bắn hạ tên lửa.
Một khi xác định nhằm bắn, dù kết quả như thế nào thì Mỹ và đồng minh cũng sẽ phải đối mặt với nguy cơ lớn. Nếu như thành công đánh chặn tên lửa Triều Tiên, chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ cảm thấy bị bẽ mặt và từ đó có thể khiến tình hình leo thang theo một hướng khác. Còn nếu thất bại, thì độ tin cậy của hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ sẽ bị nghi ngờ, và như thế Triều Tiên lại càng bạo gan hơn.
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) vừa công bố đoạn video cho thấy khi bị tên lửa Triều Tiên tấn công, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và đồng minh sẽ vận hành như thế nào để giúp Guam khỏi bị phá hủy.
Theo CSIS, khi Triều Tiên triển khai phóng tên lửa nhằm vào Guam, Mỹ sẽ dùng các vệ tinh như Chương trình Hỗ trợ Phòng thủ hay hệ thống tia hồng ngoại đặt trên quỹ đạo, dò tìm các tín hiệu dựa trên nhiệt độ của tên lửa. Các vệ tinh này sau đó gửi dữ liệu về cho hệ thống radar trên mặt đất như TPY-2 X-band tại Nhật Bản và Hàn Quốc – những hệ thống sẽ theo dõi tên lửa với mức độ chính xác lớn hơn.
Trong khi đó, các tàu chiến có trang bị hệ thống phòng thủ Aegis BMD cũng vào vị trí để dõi theo đường bay của tên lửa. Đường bay của tên lửa từ Triều Tiên tới Guam sẽ phải đi qua khu vực phía Nam Nhật Bản. Tên lửa sẽ bay qua phía Nam Hiroshima ở độ cao 700 km.
Khi đó, nếu như Mỹ xác định quả tên lửa đó là một mối đe dọa với đảo Guam, họ sẽ dùng một loạt các hệ thống phòng thủ đánh chặn tên lửa, bao gồm tên lửa tiêu chuẩn 3 phóng từ tàu khu trục lớp Arleigh Burk hoặc hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) phóng từ mặt đất lắp đặt sẵn ở Guam. Theo lịch sử thử nghiệm, cả hai hệ thống đều ghi nhận kết quả tốt nhưng chưa một lần nào được sử dụng trong tình huống tác chiến bắn hạ tên lửa đạn đạo.
Trong khi Triều Tiên tuyên bố tên lửa nước này chỉ cần 17 phút để có thể đến Guam thì một số quốc gia khác lại cho rằng khoảng thời gian sẽ ngắn hơn, chỉ còn 14 phút, phụ thuộc vào đường bay của tên lửa. Nếu đường bay tên lửa là một đường võng cao, tên lửa cần khoảng thời gian lâu hơn để bay cao lên, trong khi đường bay nông hơn thì sẽ cần ít thời gian và độ cao cũng thấp hơn. Tên lửa đánh chặn của Aegis hoặc THAAD theo thiết kế sẽ phóng gần tới mục tiêu khi tên lửa quân địch đang ở điểm cao nhất của đường bay hoặc trên đường hạ xuống. Tất cả điều này sẽ buộc các nhà quân sự sau khi phân tích dữ liệu phải xác định được đường bay của tên lửa đang nhắm tới rồi lựa chọn phương án hành động.(baotintuc)