Triều Tiên phóng tên lửa, Nga lo ngại chuyện gì nhất?
Quan ngại lớn nhất của Nga về mặt quân sự không phải là các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, mà là khả năng xung đột vũ trang quy mô lớn trên biên giới của Nga. Mặc dù Nga không tham gia xung đột, có một tình huống có thể đòi hỏi sự can thiệp của Nga đó là khi lính Mỹ đổ bộ xuống gần biên giới của Nga..., Sputnik phân tích.
Quân đội Mỹ và Hàn Quốc tập trận chung
Theo Sputnik, Mỹ đã mang vụ phóng tên lửa của Triều Tiên ngày 14/5 ra hù dọa Nga. Hầu như ngay lập tức sau khi rộ tin về vụ phóng đã xuất hiện các bình luận rằng tên lửa rơi cách Vladivostok 95 km và giờ đây rốt cuộc Nga cần phải hiểu Triều Tiên gây ra mối đe dọa như thế nào. Tuy nhiên, phản ứng của Nga là rất kiềm chế, Sputnik cho biết.
Như sau đó Bộ Quốc phòng Nga báo cáo, hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga ở vùng Viễn Đông đã theo dõi tên lửa bay hầu như từ lúc khởi động cho đến khi rơi xuống. Tên lửa này không đe dọa Nga và rơi xuống biển cách bờ biển của Nga 500 km.
Nga không hề có lý do dù nhỏ nhất để sợ tên lửa Triều Tiên, bởi rất đơn giản: ngay từ năm 2009 tại Viễn Đông đã triển khai các tổ hợp S-400 đầu tiên, khả năng theo dõi và bắn hạ các mục tiêu đạn đạo. Khi đó, vị trí triển khai của các tổ hợp này đã không được xác định, nhưng cuối năm 2015 được biết là các tổ hợp được bố trí xung quanh Vladivostok để bảo vệ căn cứ chính của Hạm đội Thái Bình Dương. Đồng thời, S-400 có thể bắn hạ tên lửa tầm ngắn và tên lửa tầm trung (phạm vi 1.000 – 5.500 km), đó chính là loại tên lửa thử nghiệm ngày 14 /5/2017.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong un thị sát trước vụ phóng tên lửa hôm 14/5
Theo báo Nga, Triều Tiên tất nhiên sẽ không tấn công tên lửa vào một trong số các nước thân thiện hiếm hoi của mình. Ngay cả khi vụ phóng thử nghiệm của Triều Tiên gặp sự cố trục trặc, tên lửa bị chệch đường và thành mối đe dọa, nó sẽ lập tức bị bắn hạ.
Quan ngại lớn nhất của Nga về mặt quân sự không phải là các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, mà là khả năng xung đột vũ trang khu vực hoặc xung đột vũ trang quy mô lớn trên biên giới của Nga. Mặc dù Nga không tham gia xung đột, có một tình huống có thể đòi hỏi sự can thiệp của Nga đó là khi lính Mỹ đổ bộ xuống gần biên giới của Nga và Triều Tiên để phát triển tấn công và chặn đường xe lửa. Tuy nhiên, Nga có những thứ để đáp trả hiệu quả.
Trong năm 2013 và 2014 tại vùng Viễn Đông đã tiến hành diễn tập quân sự quy mô lớn. Chẳng hạn vào năm 2013, cuộc tập trận có sự tham gia của 160.000 người, 1.000 xe tăng, 130 máy bay và 70 tàu chiến. Tức là hầu như tất cả lực lượng lục quân và gần như toàn bộ Hạm đội Thái Bình Dương. Các lực lượng đã được triển khai và chuẩn bị hoạt động chiến đấu cho chỉ 2-3 ngày. Do đó, nỗ lực đổ quân trên lãnh thổ Nga gần biên giới với Triều Tiên sẽ bị đáp trả xứng đáng.
Thứ nhất, nhóm tàu của đối phương sẽ bị phát hiện và máy bay Nga tấn công, bộ phận này liên tục tuần tra trên biển Nhật Bản. Thứ hai, giáng đòn tấn công sẽ có các tàu tên lửa lữ đoàn tàu nổi của Hạm đội Thái Bình Dương (bao gồm 11 tàu mang tên lửa trang bị tên lửa chống tàu Mosquito) và Lữ đoàn tàu ngầm 19 bao gồm 7 tàu. Thứ ba, ở vùng Viễn Đông có những tổ hợp tên lửa tấn công chính xác tầm xa Iskander-M tối tân nhất thế giới.
Cuối cùng, thứ tư, Nga có thể triển khai lực lượng lục quân lớn, với tất cả các loại vũ khí dùng cho các hoạt động bao vây và tiêu diệt các nhóm đổ bộ lớn nhất. Những cuộc tấn công và hành động khiêu khích, bất kể đến từ đâu, sẽ dễ dàng bị đẩy lùi.
Theo Sputnik, nếu muốn Nga có thể tránh tham gia vào cuộc xung đột trên bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, trong trường hợp xảy ra chiến tranh Triều Tiên mới, số lượng nạn nhân của Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ là khôn lường. Và chính quan điểm này, chứ không phải mối đe dọa tưởng tượng nào đó, sẽ định nghĩa và sẽ xác định lập trường của Nga trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân và các vấn đề khác trên bán đảo Triều Tiên.(Viettimes)
--------------------------------
Mỹ hối thúc Trung Quốc tăng cường trừng phạt Triều Tiên
Ngày 17/5, các nguồn tin ngoại giao tiết lộ rằng Mỹ đã hối thúc Trung Quốc có những bước đi cụ thể để tăng cường trừng phạt nhằm vào Triều Tiên, như cấm vận dầu mỏ, sau khi Bình Nhưỡng bắn một quả tên lửa đạn đạo vào cuối tháng 4 vừa qua.
Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley (giữa). Ảnh: Fox News
Theo các nguồn tin trên, Washington cũng sẵn sàng đẩy nhanh các nỗ lực để khiến Bắc Kinh có hành động sau vụ bắn tên lửa khác của Bình Nhưỡng hồi cuối tuần trước.
Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu Trung Quốc có chấp thuận áp đặt lệnh cấm dầu mỏ và các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ khác hay không. Washington và Bắc Kinh dự kiến sẽ có cuộc đàm phán kéo dài về vấn đề này.
Nguồn tin cho biết thêm, các nước có quan hệ ngoại giao với Triều Tiên, trong đó có các quốc gia Đông Nam Á, đã bày tỏ quan ngại rằng các biện pháp trừng phạt mới có thể gây rạn nứt trong quan hệ giữa họ và Bình Nhưỡng.(TTXVN)
-----------------------------------------
Đâu là biện pháp cuối cùng Trung Quốc sẽ sử dụng với Triều Tiên?
Trung Quốc có thể sẽ sử dụng biện pháp cuối cùng với Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng thử tên lửa chỉ vài giờ trước khi Bắc Kinh tổ chức sự kiện ngoại giao quan trọng “Vành đai và con đường”.
Người dân theo dõi qua truyền hình ở nhà ga Seoul (Hàn Quốc) một vụ thử động cơ tên lửa trên mặt đất của Triều Tiên. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), hôm 14/5, Bình Nhưỡng đã phóng thử một loại tên lửa đạn đạo vào thời điểm tại Bắc Kinh đang diễn ra Hội nghị hợp tác cấp cao “Vành đai và Con đường”.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ca ngợi vụ phóng này là cuộc thử nghiệm “hệ thống vũ khí hoàn hảo” có khả năng mang “đầu đạn hạt nhân nặng cỡ lớn”. Đại sứ Triều Tiên tại Trung Quốc Ji Jae-ryong cũng cho biết vụ thử tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng là một phần những nỗ lực phát triển các biện pháp tự vệ của nước này.
Theo yêu cầu của Nhật Bản và Mỹ, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp vào ngày 16/5 (giờ Mỹ, sáng 17/5 giờ Việt Nam) để bàn về biện pháp đáp trả đợt thử tên lửa mới của Triều Tiên. Tuy cuộc họp này không đạt được kết quả cụ thể nào, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley trước cuộc họp cho biết Mỹ hiện hợp tác với Trung Quốc để đưa ra một nghị quyết mới và tin tưởng rằng sẽ nhận được sự hợp tác của Bắc Kinh.
Giới phân tích cho rằng Trung Quốc có thể ủng hộ biện pháp trừng phạt mới của LHQ cũng như đóng một vai trò nhất định trong các biện pháp trừng phạt Triều Tiên của HĐBA LHQ.
Giáo sư quan hệ quốc tế thuộc Đại học Ngoại giao Trung Quốc Tô Hạo nhấn mạnh Triều Tiên “phải chịu trách nhiệm và trả giá” việc vi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. “Đây cũng có thể là cơ hội cho Trung Quốc thể hiện khả năng đưa ra những kế hoạch giải quyết vấn đề Triều Tiên trong khuôn khổ của cộng đồng quốc tế”, ông Tô Hạo trả lời SCMP.
Trong khi đó, ông Lee Dong-ryul thuộc Đại học Nữ sinh Dongduk của Hàn Quốc cho rằng ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Triều Tiên đã giảm và một trong số những biện pháp còn lại mà Bắc Kinh có thể sử dụng là cắt nguồn cung cấp dầu cho Triều Tiên. “Nhưng đây sẽ là biện pháp cuối cùng Bắc Kinh sử dụng vì lãnh đạo Trung Quốc lo ngại hậu quả sẽ quá lớn đến mức không thể kiểm soát được”, ông Lee nói. (Baotintuc)