Trung Quốc tìm cách khai thác công nghệ hàng không tiên tiến của Ukraine; Duterte than phiền phương Tây “hứa suông”, muốn gần với Nga và Trung Quốc; John McCain nói Mỹ sẽ chi trả cho THAAD ở Hàn Quốc
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên chiều 22-05-2017
- Cập nhật : 22/05/2017
“Mỹ mới đang ở giai đoạn đầu của việc gây áp lực đối với Triều Tiên"
Ngày 21/5, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã cảnh báo rằng Mỹ vẫn đang ở "giai đoạn đầu" của việc gây áp lực lên Triều Tiên, sau khi Bình Nhưỡng cùng ngày tiếp tục thử tên lửa, thách thức các lệnh trừng phạt của quốc tế.
Trong một cuộc phỏng vấn với chương trình truyền hình Fox News Sunday, ông Tillerson gọi vụ thử tên lửa mới nhất trên là "đáng thất vọng" và "gây lo lắng", tuy nhiên ông đã bác bỏ ý kiến cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy cách tiếp cận của Mỹ đối với thách thức do Triều Tiên gây ra là không hiệu quả. Ông Tillerson nói: "Chúng tôi đang ở giai đoạn đầu trong việc gây áp lực kinh tế, cũng như ngoại giao đối với Triều Tiên. Hy vọng họ sẽ hiểu thông điệp rằng con đường tiếp tục chương trình vũ khí hạt nhân không phải là con đường dẫn đến an ninh hoặc sự thịnh vượng chắc chắn".
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng cảnh báo rằng không có bất cứ lựa chọn nào bị gạt ra khỏi bàn khi giải quyết vấn đề Triều Tiên, và ông đã cử một nhóm tác chiến do tàu sân bay dẫn đầu tới gần bờ biển Triều Tiên. Tuy nhiên cho đến nay, Washington đã chọn các lệnh trừng phạt và áp lực ngoại giao đối với Bình Nhưỡng, trong khi trông chờ Trung Quốc, đồng minh thân cận nhất của Triều Tiên, để tăng cường áp lực kinh tế lên quốc gia bị cô lập này.
Theo hãng thông tấn Yonhap, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 21/5 đã ra lệnh phải đối phó mạnh mẽ với vụ phóng tên lửa trước đó cùng ngày của Bình Nhưỡng và yêu cầu chính phủ nước này kiểm tra xem liệu Triều Tiên có động thái gì bất thường hay không.
Trong khi đó, Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của quân đội Mỹ xác định, tên lửa mà Triều Tiên vừa phóng thuộc loại đạn đạo tầm trung. Người phát ngôn David Benham của cơ quan trên được dẫn lời cho biết, vụ phóng của Triều Tiên không đe dọa khu vực Bắc Mỹ, quân đội Mỹ đang phối hợp với các đối tác để phân tích sâu hơn và sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các hành động của Triều Tiên.
Đây là vụ phóng tên lửa lần thứ 8 của Triều Tiên trong năm nay và diễn ra chỉ vài giờ sau khi ông Moon công bố bổ nhiệm một loạt quan chức nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong nội các Hàn Quốc.(Infonet)
------------------------------
Triều Tiên xác nhận thử tên lửa đạn đạo thành công
Triều Tiên tuyên bố vụ thử tên lửa đạn đạo tầm trung Pukguksong-2 hôm qua đã thành công.
Tổng thống Hàn Quốc ra lệnh phản ứng cứng rắn với Triều Tiên / Nhật muốn nêu vấn đề tên lửa Triều Tiên tại thượng đỉnh G7
"Tuyên bố với niềm tự hào rằng tỷ lệ bắn trúng mục tiêu của tên lửa là rất chính xác và Pukguksong-2 là một vũ khí chiến lược thành công, ông đã ra lệnh đưa hệ thống vũ khí này vào hoạt động", KCNA thuật lại lời nóii của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, người đích thân giám sát vụ thử, trong bài báo đăng vào hôm nay.
KCNA nói rằng vụ phóng đã xác nhận độ tin cậy và chính xác trong hoạt động của động cơ nhiên liệu rắn, khả năng tách tầng tên lửa và khả năng dẫn đường giai đoạn cuối của đầu đạn hạt nhân. Triều Tiên đã gắn một thiết bị trên đầu đạn để ghi lại hoạt động.
"Khi xem hình ảnh Trái đất được gửi theo thời gian thực từ máy quay gắn trên tên lửa đạn đạo, lãnh đạo tối cao Kim Jong-un nói rằng thật tuyệt vời khi quan sát Trái đất từ tên lửa mà chúng tôi phóng lên và toàn bộ thế giới trông rất đẹp", KCNA mô tả.
Quân đội Hàn Quốc nói rằng tên lửa đã bay khoảng 500 km và đạt độ cao 560 km trước khi rơi xuống vùng biển ngoài khơi phía đông Triều Tiên.
Triều Tiên đang phát triển một tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân có khả năng tấn công đất liền Mỹ. Ngày 20/5, Bình Nhưỡng nói rằng họ đã đạt được khả năng đánh vào đất liền Mỹ, mặc dù các chuyên gia về tên lửa phương Tây nói rằng tuyên bố này là phóng đại.
Nhật và Hàn Quốc đã lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Một quan chức tháp tùng Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Arab Saudi cho biết Nhà Trắng đã biết về vụ phóng mới nhất và ghi nhận rằng tên lửa này có tầm bắn ngắn hơn ba tên lửa trước đó mà Triều Tiên đã thử nghiệm. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết áp lực về kinh tế và ngoại giao sẽ được tiếp tục áp dụng với Triều Tiên.(Vnexpress)
--------------------------
Triều Tiên muốn sản xuất hàng loạt mẫu tên lửa vừa phóng
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố sẽ nhanh chóng cho sản xuất hàng loạt mẫu tên lửa mà nước này phóng chiều qua.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA sáng nay xác nhận Bình Nhưỡng hôm qua phóng "thành công" một tên lửa đạn đạo tầm trung và thêm rằng vũ khí này hiện sẵn sàng để triển khai trong các hoạt động quân sự, AFP đưa tin.
Theo KCNA, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đích thân thị sát vụ thử nghiệm. Tên lửa được phóng đi là mẫu Pukguksong-2, phiên bản trên đất liền của loại tên lửa khai hỏa từ tàu ngầm trong kho vũ khí Bình Nhưỡng.
"Tuyên bố với niềm tự hào rằng độ chính xác của tên lửa rất cao và Pukguksong-2 là một vũ khí chiến lược thành công, ông Kim Jong-un đã chấp thuận triển khai nó", KCNA cho biết.
"Giờ đây, khi các thông số chiến thuật và kỹ thuật đáp ứng được các yêu cầu mà đảng đề ra, mẫu tên lửa này nên được nhanh chóng sản xuất hàng loạt để trang bị cho các lực lượng chiến lược trong quân đội Triều Tiên", KCNA dẫn lời ông Kim nói.
Quân đội Hàn Quốc cho rằng tên lửa Triều Tiên đã bay khoảng 500 km và đạt độ cao 560 km trước khi rơi xuống vùng biển ngoài khơi phía đông nước này.
Triều Tiên đang phát triển một tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân có thể tấn công đất liền Mỹ. Ngày 20/5, Bình Nhưỡng cho hay họ đã đạt được khả năng đánh vào đất liền Mỹ, mặc dù các chuyên gia về tên lửa phương Tây đánh giá tuyên bố này là phóng đại.(Vnexpress)
------------------------
Triều Tiên thu được dữ liệu quan trọng từ vụ thử tên lửa mới nhất
Hàn Quốc ngày 22/5 cho biết Triều Tiên dường như đã thu được "dữ liệu có ý nghĩa" từ vụ thử tên lửa đạn đạo tầm trung mới nhất của nước này một ngày trước đó.
Triều Tiên tuyên bố quả tên lửa vừa phóng là Pukguksong-2. Ảnh: Reuters
Người phát ngôn của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc Roh Jae-cheon nêu rõ: "Giới chức tình báo Hàn Quốc và Mỹ cho rằng Triều Tiên đã đạt được dữ liệu có ý nghĩa trong việc tăng cường sự tin cậy đối với công nghệ tên lửa của nước này".
Theo quan chức trên, cần phải có thêm bằng chứng để xác minh liệu Bình Nhưỡng đã "làm chủ" được công nghệ then chốt để phát triển tên lửa đạn đạo liên lục lục địa (ICBM), đó là đưa tên lửa "quay trở lại khí quyển" Trái Đất hay chưa.
Trong khi đó, Hãng thông tấn Yonhap ngày 21/5 dẫn lời bà Kang Kyung-hwa, người vừa được chỉ định làm Ngoại trưởng Hàn Quốc, tuyên bố rằng vấn đề hạt nhân Triều Tiên sẽ là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu đối với người đứng đầu ngành ngoại giao của Hàn Quốc và bà dự định sẽ sử dụng những kinh nghiệm tại Liên hợp quốc (LHQ) để giải quyết các vấn đề trên.
Bà Kang được dẫn lời phát biểu với báo giới: “Vấn đề hạt nhân Triều Tiên lâu nay vẫn là một vấn đề quốc tế lớn trên Bán đảo Triều Tiên và thế giới. Vấn đề này cũng được đề cập tại LHQ mặc dù tôi chưa phải trực tiếp giải quyết. Tôi định chia sẻ những kinh nghiệm của tôi để góp phần giải quyết vấn đề trên”.
Hiện bà Kang đang là cố vấn đặc biệt về chính sách của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhưng trước đó bà đã nắm giữ một số vị trí tại Bộ Ngoại giao Hàn Quốc. Vào ngày 21/5, bà được chỉ định làm Ngoại trưởng Hàn Quốc và nếu được Quốc hội thông qua, bà sẽ trở thành nữ ngoại trưởng đầu tiên của Hàn Quốc. Về trọng trách sắp tới, bà Kang nói: “Tôi cảm thấy gánh nặng trên vai trong bối cảnh của nhiều vấn đề ngoại giao khó khăn như vậy. Tôi sẽ làm hết sức mình”.
Trong một diễn biến khác, một quan chức Chính phủ Hàn Quốc ngày 22/5 cho biết nước này có khả năng nối lại viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên bất chấp tình hình an ninh nghiêm trọng do các vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho hay bộ này dự kiến sẽ duy trì nguyên tắc cung cấp viện trợ nhận đạo cho Triều Tiên bất chấp tình hình chính trị dưới thời chính quyền mới của Tổng thống Moon Jae-in. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng có kế hoạch nối lại các cuộc trao đổi dân sự liên Triều ở mức độ không gây tổn hại đến cơ chế trừng phạt của quốc tế.
Trước đó, chính quyền dưới thời của cựu Tổng thống Park Geun-hye tuyên bố Hàn Quốc sẽ tiếp tục viện trợ nhân đạo cho những người dễ bị tổn thương tại Triều Tiên như trẻ em và phụ nữ mang thai. Tuy nhiên Seoul đã đình chỉ hầu hết các cuộc trao đổi dân sự liên Triều kể từ khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 4 hồi tháng 1/2016.(Baotintuc)