Tin tức Biển Đông 2017. Cập nhật liên tục tin tức Biển Đông. Thông tin về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Thông tin về hoạt động, hành xử của các bên về vấn đề BIển Đông. Việt Nam lên cảnh giác trước cạm bẫy 'gác tranh chấp cùng khai thác' của Trung Quốc
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên chiều 24-05-2017
- Cập nhật : 24/05/2017
"Triều Tiên sẽ cho phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa ngay trong năm nay"
Giới chuyên gia nhận định không loại trừ khả năng, Triều Tiên sẽ cho phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa ngay trong năm nay. Song Washington cần tìm ra một giải pháp hữu hiệu chứ không phải là dùng vũ khí hạt nhân để tấn công Bình Nhưỡng.
Những vụ phóng thử tên lửa gần đây của Triều Tiên đã khiến giới chuyên gia không khỏi bất ngờ về tốc độ phát triển nhanh chóng của chương trình sản xuất tên lửa đạn đạo và hạt nhân của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Thậm chí, ông Kim còn tuyên bố một số tên lửa mà Triều Tiên từng phóng thử nghiệm, có khả năng tích hợp đầu đạn hạt nhân và có tầm bắn vươn tới lãnh thổ Mỹ.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, Mỹ có thể xóa sổ chương trình hạt nhân của Triều Tiên ngay ngày mai, Nhưng giờ là lúc Washington cần tìm ra một giải pháp hữu hiệu chứ không phải là dùng vũ khí hạt nhân để tấn công Bình Nhưỡng.
Chia sẻ với Business Insider, ông Mike Elleman, nhà nghiên cứu cấp cao ở Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế nhận định, một quả tên lửa mà Triều Tiên mới phóng thử nghiệm đã chứng minh Bình Nhưỡng phát triển thế hệ động cơ đẩy mới. Loại động cơ này được cải tiến từ thiết kế phục vụ phóng tên lửa Musudan mà từng thất bại không ít lần.
“Không có bất cứ lý do gì để không tin rằng, ngay trong năm nay, Triều Tiên sẽ cho phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa”, ông Elleman nói.
Tuy nhiên, theo Business Insider, dù có đạt được một số thành tựu quan trọng thông qua các vụ phóng tên lửa gần đây, Bình Nhưỡng vẫn dường như muốn Mỹ đưa ra một vài nhượng bộ và đổi lại Triều Tiên sẽ ngừng phóng thử tên lửa.
Mỗi năm, quân đội Mỹ và Hàn Quốc lại tổ chức các đợt diễn tập chung. Và qua từng năm, quy mô tập trận của Mỹ - Hàn ngày càng lớn, khiến nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không khỏi tức giận. Theo giới ngoại giao Trung Quốc, Triều Tiên từng nhiều lần đưa ra ý tưởng về việc Bình Nhưỡng ngừng theo đuổi chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa để đổi lại Mỹ - Hàn ngừng tập trận.
Theo nhà nghiên cứu Yun Sun tại Trung tâm Stimson, trong khi người dân Triều Tiên có tư tưởng cho rằng, Mỹ đã có những hành động xâm lược Bình Nhưỡng trong giai đoạn xảy ra cuộc chiến liên Triều (1950 –1953) và các cuộc tập trận của Mỹ - Hàn là nhằm chuẩn bị cho một cuộc chiến tương lai, Washington cũng không thể để bị sập bẫy khiêu khích của Bình Nhưỡng.
“Những gì mà Mỹ đang làm với Hàn Quốc thông qua hiệp ước hợp tác quốc phòng là không thể so sánh với sự thất vọng về hành động vi phạm luật pháp quốc tế của Triều Tiên cũng như những mối lo ngại của cộng đồng quốc tế về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng”, quyền phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Mark Toner phát biểu hồi tháng Ba.
Tuyên bố của ông Toner có thể hiểu đơn giản là các cuộc tập trận của Mỹ là hợp pháp còn các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên thì không. Đây là lý do Liên Hợp Quốc quyết định trừng phạt Triều Tiên, quốc gia duy nhất trên thế giới thực hiện thử hạt nhân trong thế kỷ 21. Trong khi đó, các cuộc tập trận quân sự vẫn diễn ra trên khắp thế giới mà không có bất cứ va chạm nào xảy ra.
Nhưng khác với suy nghĩ của Mỹ và cộng đồng thế giới, Triều Tiên luôn thường trực mối lo ngại một ngày nào đó, các lực lượng quân sự của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, và cả Trung Quốc có thể tiến hành lật đổ chính quyền Bình Nhưỡng.
Theo ông Sun, nếu Mỹ chiều lòng Triều Tiên và ngừng tập trận với Hàn Quốc, không loại trừ khả năng Bình Nhưỡng vẫn sẽ đưa ra các tuyên bố như “Chúng tôi không thích hệ thống chính trị của Hàn Quốc” hoặc “Chúng tôi không thích liên minh quân sự Mỹ - Hàn”.
Cũng theo ông Sun, mặc dù Mỹ đã thừa nhận sự hung hăng của quân đội nước này trong giai đoạn xảy ra cuộc chiến liên Triều, nhưng điều đó không có nghĩa là Bình Nhưỡng được phép phát triển vũ khí hạt nhân. Bởi nếu Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân thì Hàn Quốc và Nhật Bản cũng có quyền này. (Infonet)
------------------------------
Đến lượt Nga ra đòn trừng phạt Triều Tiên
Hôm 23/5, Đài Á châu tự do (RFA) cho hay lần đầu tiên, Nga đã trình một danh sách các mặt hàng xa xỉ bị cấm xuất khẩu sang Bình Nhưỡng lên hội đồng trừng phạt Triều Tiên của Liên Hợp Quốc.
Theo RFA, trong danh sách được Nga gửi lên Liên Hợp Quốc (LHQ) hôm 3/5 chủ yếu là các mặt hàng liên quan tới giải trí và thể thao. Cũng theo RFA, động thái này của Nga là nhằm hạn chế hoạt động giao thông vận tải cũng như xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp sang Triều Tiên.
Trong số những mặt hàng bị Nga đưa vào trong danh mục cấm xuất khẩu sang Triều Tiên có du thuyền, các sản phẩm thủy tinh, thuyền có mái chèo, ca nô, xe chạy trên tuyết, trang sức và đồng hồ gắn trang sức. Những thiết bị liên quan tới thể dục dụng cụ, điền kinh, bơi lội, bóng bàn, bi-a cũng được Nga đưa vào danh sách cấm trình lên LHQ.
Hội đồng bảo an LHQ đã thông qua nghị quyết 1718 về việc trừng phạt Triều Tiên sau khi quốc gia này tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 5 vào năm 2016. Nghị quyết của Hội đồng bảo an yêu cầu các quốc gia thành viên của LHQ ngừng xuất khẩu các mặt hàng xa xỉ sang Triều Tiên đồng thời đệ trình danh sách các sản phẩm này lên hội đồng trừng phạt của LHQ.
Động thái của Nga khiến Trung Quốc trở thành quốc gia duy nhất trong nhóm 6 quốc gia họp bàn về giải pháp giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên bao gồm Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga và Triều Tiên, chưa đệ trình danh sách các mặt hàng cấm xuất khẩu sang Bình Nhưỡng lên LHQ.
Về phần mình, Trung Quốc cũng đã ra lệnh cấm nhập khẩu than đá từ Triều Tiên trong năm 2017. Quyết định của Bắc Kinh được xem là gáo nước lạnh dội vào Bình Nhưỡng đồng thời gây ra thiệt hại kinh tế không nhỏ cho Triều Tiên.(Infonet)
---------------------
Sản xuất hàng loạt tên lửa - khả năng gây ngờ vực của Triều Tiên
Việc Triều Tiên thông báo định sản xuất hàng loạt tên lửa Pukguksong-2 khiến giới chuyên gia Mỹ và phương Tây hoài nghi.
Triều Tiên hôm qua tuyên bố vụ thử tên lửa Pukguksong-2 ngày 21/5 đã thành công. Theo thông báo từ hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA, tên lửa đạn đạo tầm trung được thử nghiệm đáp ứng mọi yêu cầu kỹ thuật và Bình Nhưỡng có thể đưa vào sản xuất hàng loạt. Tuy nhiên, giới chức Mỹ cũng như giới chuyên gia lại tỏ ra ngờ vực trước tiến độ phát triển của chương trình tên lửa Triều Tiên, theo Reuters.
Bình Nhưỡng cho biết Pukguksong-2 sử dụng động cơ nhiên liệu rắn. Song các chuyên gia Mỹ lại cho rằng Triều Tiên khó lòng đạt được bước tiến xa như vậy chỉ trong vài lần thử nghiệm.
Một số quan chức Mỹ nhận định vụ thử tên lửa mới nhất mà Triều Tiên thực hiện không cho thấy những năng lực mới cũng như chúng chưa thể trở thành mối đe dọa trực tiếp đối với Mỹ. Nhưng việc Bình Nhưỡng thử tên lửa hai lần liên tiếp trong một tuần đã làm tiêu tan hy vọng về hòa bình.
Giới chức Mỹ bên cạnh đó cũng ngờ vực về vụ thử nghiệm tên lửa tầm xa KN-17, hay Hwasong-12, của Triều Tiên cách đây hơn một tuần. Triều Tiên cho hay tên lửa thử nghiệm có khả năng mang "đầu đạn hạt nhân hạng nặng cỡ lớn" đủ sức vươn tới lục địa Mỹ.
Chuyên gia phương Tây nhận định Hwasong-12 về mặt nào đó cũng cho thấy sự tiến bộ của Triều Tiên trong công cuộc hiện thực hóa mục tiêu phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng tấn công lục địa Mỹ, song Bình Nhưỡng vẫn còn cách vạch đích khá xa.
KCNA cho biết lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đích thân thị sát vụ thử tên lửa mới nhất và xác nhận độ tin cậy của động cơ nhiên liệu rắn trong Pukguksong-2, quá trình phân tách cũng như quá trình dẫn đường giai đoạn cuối cho đầu đạn hạt nhân. Dữ liệu về vụ phóng đã được một thiết bị gắn trên đầu đạn ghi lại.
"Tuyên bố với niềm tự hào rằng tỷ lệ bắn trúng mục tiêu của tên lửa rất chính xác và Pukguksong-2 là một vũ khí chiến lược thành công, ông đã ra lệnh đưa hệ thống vũ khí này vào hoạt động", KCNA dẫn lời lãnh đạo Kim Jong-un nói.
Theo KCNA, ông Kim còn có thể quan sát Trái Đất từ một camera gắn trên tên lửa. "Lãnh đạo tối cao Kim Jong-un nói ông thực sự vui mừng khi được nhìn ảnh Trái Đất theo thời gian thực do camera gắn trên tên lửa chụp (từ khí quyển)", Rodong Sinmun, nhật báo đảng Lao động Triều Tiên, viết. "Thế giới nhìn thật đẹp".Quân đội Hàn Quốc trong khi đó cho hay tên lửa Triều Tiên bay khoảng 500 km, đạt đến độ cao 560 km. Theo họ, vụ thử nghiệm cung cấp "những dữ liệu ý nghĩa" đối với chương trình tên lửa Triều Tiên, nhưng vẫn cần phải tiến hành thêm các phân tích khác để xác định liệu Bình Nhưỡng đã làm chủ công nghệ ngăn đầu đạn bốc cháy khi tái xâm nhập khí quyển Trái Đất hay chưa.
Các chuyên gia Mỹ đánh giá tên lửa Pukguksong-2 có tầm bắn tối đa khoảng 1.500 km. Tuy nhiên, họ vẫn hoài nghi trước tuyên bố mà Triều Tiên đưa ra, khẳng định độ tin cậy của động cơ nhiên liệu rắn trong tên lửa bởi số lần Bình Nhưỡng thử nghiệm còn rất giới hạn.
"Đưa vào sản xuất hàng loạt tên lửa khi vẫn còn trong giai đoạn phát triển thực sự rủi ro nhưng có lẽ người Triều Tiên liều lĩnh cảm thấy thoải mái với hành động này", ông Michael Elleman từ Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế nhận xét.
Jeffrey Lewis, chuyên gia từ Viện nghiên cứu Quốc tế Middlebury, trụ sở ở California, cho rằng Triều Tiên có thể vẫn phải tiếp tục tiến hành thử nghiệm tên lửa, sửa chữa những lỗi phát sinh trước khi đưa chúng vào hoạt động.
Việc dùng động cơ nhiên liệu rắn giúp tên lửa Triều Tiên ổn định hơn, giảm thiểu thời gian nạp nhiên liệu. Song theo ông Elleman, quá trình phát triển tên lửa tầm xa sử dụng động cơ nhiên liệu rắn vô cùng phức tạp và "mất rất nhiều thời gian để hoàn thiện".
Chuyên gia tên lửa John Schilling ước tính phải đến ít nhất là năm 2020 Triều Tiên mới có thể chế tạo thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa vươn được tới Mỹ.
Theo ông Daniel Russel, nhà ngoại giao hàng đầu về châu Á tại Washington, với các vụ phóng tên lửa, Bình Nhưỡng dường như muốn thuyết phục Mỹ cũng như phần còn lại của thế giới rằng họ cần chấp nhận việc Triều Tiên là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.
"Thông điệp Triều Tiên muốn gửi tới Mỹ là chiến thuật gây áp lực của các bạn không thể thành công và chúng tôi sẽ nhìn vào những lệnh trừng phạt để rồi dần dần đưa chương trình tên lửa đạn đạo ngày càng tiến bộ", ông Russel, thành viên Viện Chính sách Xã hội châu Á, bình luận.(Vnexpress)