Căng thẳng Triều Tiên: Nga sẽ không để Mỹ gây chiến ngay sát biên giới; Triều Tiên tốn 400 triệu USD cho tên lửa trong năm 2017; Nhật xúc tiến triển khai PAC-3 đối phó tên lửa Triều Tiên
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sáng 20-09-2017:
- Cập nhật : 20/09/2017
Phòng thủ Nhật Bản đón lõng tên lửa Triều Tiên
Nhật Bản quyết định triển khai thêm hệ thống tên lửa PAC-3 tại đảo Hokkaido - nơi tên lửa đận đạo Triều Tiên bay qua hôm 15/9.
Đón lõng
Thông tin tằng cường phòng thủ được phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nhật Bản Kensaku Mizuseki cho biết, trong ngày 19/9, một đơn vị chiến đấu và hệ thống Patriot PAC-3 được tăng cường tới một căn cứ tại mỏm cực Nam của đảo Hokkaido.
Việc Nhật Bản quyết định tăng cường PAC-3 tới Hokkaido được thực hiện sau khi Triều Tiên liên tiếp phóng tên lửa đạn đạo qua lãnh thổ Nhật, đặc biệt là trên không phận đảo Hokkaido.
Vì vậy, đưa thêm PAC-3 đến hòn đảo này là giải pháp cần thiết nhằm đón lõng và đánh chặn tên lửa Triều Tiên. Trước khi có quyết định tăng cường, hồi cuối năm 2015, Nhật Bản đã hoàn thành triển khai tên lửa PAC-3 trên cả nước khi vũ khí này có mặt tại đảo Hokkaido.
Với sự có mặt này, Nhật Bản đã hoàn thành việc triển khai 24 hệ thống tên lửa đánh chặn Patriot tại 15 căn cứ trên khắp cả nước theo chương trình thiết lập hệ thống phòng thủ Patriot đã được Nhật Bản thông qua và triển khai từ năm 2004 đến nay.
Theo nguồn tin quân sự Nhật Bản tiết lộ, tất cả số tên lửa trên được chia làm 6 nhóm, mỗi nhóm vận hành 4 tiểu đoàn tên lửa PAC-2 hoặc PAC-3. Riêng gần Tokyo triển khai tới 4 tiểu đoàn tên lửa Patriot PAC-3 được đặt tại các vùng lân cận, bao gồm có căn cứ Narashino và Iruma.
Theo những thông tin được nhà sản xuất Mỹ công bố, hệ thống tên lửa phòng không Patriot PAC-3 có khả năng bắn hạ các tên lửa đối phương ở độ cao tối đa khoảng 24km.
Phiên bản PAC-3 thậm chí còn có khả năng đánh chặn các tên lửa đạn đạo của đối phương ở độ cao tối đa 35km. Như vậy, Nhật Bản khó có thể tự dựa vào sức mình để đánh chặn các tên lửa đạn đạo của đối phương nếu nước này bị tấn công.
Trên tầm bắn
Theo nhận định của Abraham Denmark, Giám đốc chương trình châu Á tại Trung tâm Wilson, việc Nhật Bản tăng cường khả năng phòng thủ là rất cần thiết trong bối cảnh Triều Tiên liên tiếp phóng tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, tăng cường phòng thủ bằng PAC-3 trước trần bay của tên lửa Triều Tiên được coi là hành động vô nghĩa của Tokyo.
Giám đốc Abraham Denmark cho biết thực tế đáng lo ngại bởi với trường hợp vụ phóng tên lửa của Triều Tiên vào rạng sáng 15/9 cho thấy một thực tế yếu kém không thể khắc phục được của lưới lửa phòng thủ không chỉ của Nhật Bản mà cả Mỹ tại Thái Bình Dương.
Theo vị chuyên gia này, trong khi THAAD (tại Guam và Hàn Quốc) được cho là hệ thống phòng thủ tầm cao nhưng trần bắn tối đa của hệ thống này và Aegis chỉ khoảng 150 - 200km và hệ thống PAC-3 còn khiêm tốn hơn rất nhiều. Thế nhưng loại tên lửa Triều Tiên vừa phóng hôm 15/9 lại dễ dàng đạt trần bay tới 750km.
Trước thực tế này, Abraham Denmark cho rằng việc người Nhật tăng cường hệ thống Patriot PAC-3 đến Hokkaido chỉ mang tính chất phô trương lực lượng trước Triều Tiên chứ không có ý nghĩa chiến đấu bởi ngay cả Mỹ cũng chẳng có vũ khí nào triển khai trong khu vực có thể đánh chặn ở độ cao lớn như vậy.(Baodatviet)
------------------------
Tây Ban Nha yêu cầu đại sứ Triều Tiên về nước
Theo hãng tin Yonhap ngày 19-9, Tây Ban Nha vừa ra quyết định trục xuất đại sứ Triều Tiên tại Madrid Kim Hyok-chol nhằm phản đối việc Bình Nhưỡng tiếp tục phóng tên lửa, thử hạt nhân.
Theo nhiều báo cáo nước ngoài, Ngoại trưởng Tây Ban Nha hôm 18-9 đã yêu cầu đại sứ Triều Tiên Kim Hyok-chol đến cuối tháng 9 phải rời khỏi Tây Ban Nha.
“Hôm nay, đại sứ Triều Tiên được Triệu Tập và được thông báo về quyết định xem xét ông ấy là một người không được chào đón ở Tây Ban Nha, vì vậy ông ấy phải chấm dứt làm việc tại đây và rời nước này trước ngày 30-9” – thông cáo Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha hôm 18-9 nêu rõ.
Đại sứ Triều Tiên tại Tây Ban Nha Kim Hyok-chol. Ảnh: EPA
Hồi cuối tháng 8, chính phủ Tây Ban Nha đã lên án chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, xem chương trình này là mối đe dọa nghiêm trọng cho hòa bình khu vực và an ninh toàn cầu. Chính phủ Tây Ban Nha cũng cảnh báo rằng Bình Nhưỡng sẽ lãnh hậu quả trong quan hệ song phương, theo AFP. Vào lúc đó, chính phủ Tây Ban Nha đã yêu cầu ông Kim Hyok-chol cắt giảm số lượng nhân viên trong đại sứ quán Triều Tiên tại Madrid.
Bất chấp cảnh báo, Triều Tiên lần nữa thử hạt nhân hôm 3-9 và tiến hành thêm một vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm xa bay qua vùng trời Nhật Bản hôm 15-9.
Yonhap cho hay như vậy với thông tin trên, Tây Ban Nha là quốc gia châu Âu đầu tiên trục xuất đại sứ Triều Tiên trong bối cảnh cộng đồng quốc tế gia tăng sức ép về kinh tế và ngoại giao lên Bình Nhưỡng.
Trước đó, Mexico, Peru và gần đây là Kuwait đã ra lệnh trục xuất đại sứ Triều Tiên tại nước họ. Bên cạnh đó, Philippines cũng vừa thông báo đình chỉ thương mại với Triều Tiên, trong khi Thái Lan lại cắt đứt các thỏa thuận kinh tế với Bình Nhưỡng.
Dự kiến các biện pháp gây sức ép về ngoại giao lên Triều Tiên được tăng cường khi các lãnh đạo thế giới, trong đó có Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản quy tụ tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc cùng thảo luận về các hành vi khiêu khích của Triều Tiên cũng như các vấn đề khác.(PLO)
-------------------------
Mỹ có cách đánh Triều Tiên nhưng Hàn Quốc an toàn?
Ngày 18-9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis ám chỉ về các lựa chọn quân sự nhắm vào Triều Tiên nhưng vẫn giúp Hàn Quốc tránh khỏi cuộc phản công dữ dội.
Khi được hỏi liệu Mỹ có lựa chọn quân sự nào cho Triều Tiên mà không khiến Seoul gặp nguy hiểm, ông Mattis trả lời: "Có nhưng tôi sẽ không nói chi tiết".
Các giải pháp khả thi của Tổng thống Donald Trump bao gồm những hoạt động từ không gây chết người như phong tỏa hải quân để thực thi các lệnh trừng phạt đến phát động các cuộc tấn công mạng và thiết lập vũ khí mới ở Hàn Quốc, nơi có 28.500 binh lính Mỹ.
Trước đó 1 ngày, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) Nikki Haley thông báo Hội đồng Bảo an đã hết cách kiềm chế chương trình hạt nhân của Triều Tiên và Mỹ có thể phải chuyển vấn đề này sang Lầu Năm Góc
Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis. Ảnh: REUTERS
Bất kỳ xung đột nào trên bán đảo Triều Tiên cũng có thể dễ dàng dẫn đến tình trạng đổ máu như thời kỳ Chiến tranh Triều Tiên 1950-1053. Khi đó, cuộc chiến đã cướp đi mạng sống của hơn 50.000 người Mỹ và hàng triệu người dân ở cả 2 miền Nam, Bắc nhưng chỉ được kết thúc bằng một thỏa hiệp ngừng bắn chứ không phải hiệp định hòa bình.
Chưa kể tới vũ khí hạt nhân (thậm chí có thể là vũ khí hóa học và sinh học) của Triều Tiên, Seoul nằm ngay trong tầm bắn của pháo binh nước láng giềng.
Trong khi đó, Hàn Quốc vừa đặt vấn đề đưa vũ khí hạt nhân trở lại bán đảo. Ông Mattis thừa nhận có thảo luận việc này với người đồng cấp Hàn Quốc nhưng từ chối cho biết giải pháp này có được cân nhắc hay không. "Chúng tôi đối thoại cởi mở với các đồng minh về bất kỳ vấn đề nào họ muốn nói tới" - ông Mattis nói.
Quân đội Mỹ ngày 18-9 thông báo họ vừa tổ chức các cuộc tập trận ném bom với Hàn Quóc khi đưa 2 chiếc máy bay ném bom B-1B và chiến đấu cơ F-35 đến bán đảo Triều Tiên, một động thái phô diễn sức mạnh với Bình Nhưỡng.
Máy bay Mỹ và Hàn Quốc bay trên bán đảo Triều Tiên và thực hiện khả năng tấn công hôm 18-9. Ảnh: US Army
Máy bay B-1B cùng F-35B và F-2 của Nhật Bản bay gần Nhật Bản hôm 18-9. Ảnh: JASDF
Dù cả Mỹ và Triều Tiên đều có những phát biểu gay gắt nhưng chưa có dấu hiệu nào từ quân đội Mỹ cho thấy một cuộc xung đột sắp xảy ra. Ông Mattis khẳng định với các phóng viên ông tin rằng biện pháp ngoại giao và lệnh trừng phạt đã thành công trong việc gia tăng áp lực lên Bình Nhưỡng cho đến nay.
Mặc dù căng thẳng gia tăng, Mỹ và các đồng minh đều tuân thủ chính sách không can thiệp khi Triều Tiên thử nghiệm tên lửa. Ông Mattis cũng xác nhận chính sách đó vào ngày 18-9 khi nói rằng họ sẽ không bắn hạ tên lửa Triều Tiên nếu nó không đe dọa trực tiếp đến Mỹ hoặc các đồng minh. Theo lời bộ trưởng quốc phòng, tính toán của Bình Nhưỡng dường như là thử tên lửa nhưng không vượt quá giới hạn để có thể bị trả đũa.(NLĐ)