Ba Lan sắp có hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot; Saudi Arabia tuyên bố tiếp tục trừng phạt Qatar; Nga sẽ điều quân cảnh đến giữ an ninh ở Syria; Xung đột biên giới Trung-Ấn tồi tệ nhất 30 năm qua
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tối 06-07-2017
- Cập nhật : 06/07/2017
Hàn Quốc khoe tên lửa đối phó lãnh đạo Triều Tiên
Quân đội Hàn Quốc hôm 5-7 công bố đoạn video về những loại tên lửa tiên tiến có thể được sử dụng để đối phó Triều Tiên.
Đoạn video dài một phút cho thấy chiến đấu cơ bắn tên lửa tầm xa dẫn đường chính xác Taurus KEPD 350. Tên lửa này đã bắn trúng và phá hủy một mục tiêu giả định trong đoạn video.
Taurus có tầm bắn lên đến 500 km, được thiết kế phục vụ các cuộc tấn công chính xác nhằm vào boongke và các mục tiêu bị chôn sâu dưới lòng đất hay các cơ sở chính như trạm radar.
Một quan chức JCS cho biết: "Chúng tôi công bố những video này để thể hiện quyết tâm loại trừ giới lãnh đạo Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng tiếp tục đe dọa người dân Hàn Quốc và Mỹ bằng vũ khí hạt nhân và tên lửa".
Các đoạn video khác do Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) công bố cũng cho thấy cuộc thử nghiệm tên lửa hành trình dẫn đường chính xác SLAM-ER và chuyến bay gần đây của máy bay ném bom chiến lực B-1B (Mỹ) trên bán đảo Triều Tiên.
Động thái bất thường nói trên của JCS diễn ra một ngày sau khi Triều Tiên tuyên bố phóng thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).
Hàn Quốc quyết định mua tổng cộng 170 tên lửa Taurus từ Đức để trang bị cho các máy bay chiến đấu. Theo một nguồn tin Bộ Quốc phòng, khoảng 80 tên lửa được giao cho Không quân Hàn Quốc. Ngay cả khi được phóng từ phía Nam biên giới liên Triều, tên lửa này vẫn có thể bao phủ cả Bình Nhưỡng và các khu vực khác ở miền Bắc.
Trước đó, Mỹ và Hàn Quốc tổ chức một cuộc diễn tập tên lửa đạn đạo chung, trong đó bắn thử tên lửa HyunMoo-2A và ATACMS vào biển Đông (Nhật Bản gọi là biển Nhật Bản).(NLĐ)
-----------------------------------
Mỹ loay hoay giải "bài toán" Triều Tiên
Một ngày sau khi tuyên bố phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), Triều Tiên ngày 5-7 tiếp tục khoe loại tên lửa này có thể mang đầu đạn hạt nhân lớn, khiến Mỹ lên tiếng kêu gọi thế giới hành động để ngăn chặn tham vọng của Bình Nhưỡng.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson gọi vụ thử là sự leo thang mối đe dọa nhằm vào Washington và các đồng minh sau khi Lầu Năm Góc kết luận Triều Tiên quả thật đã thử một ICBM - được một số chuyên gia tin rằng có thể vươn tới bang Alaska và một số vùng ở lục địa Mỹ.
Lầu Năm Góc ngày 5-7 công bố tên lửa Triều Tiên phóng ngày 4-7 thuộc loại mới chưa từng thấy và được phóng từ một vị trí hoàn toàn khác những vụ phóng trước.Đánh giá vụ thử trên diễn ra sớm và thành công hơn nhiều so với dự kiến, chuyên gia về tên lửa người Mỹ John Schilling dự báo với Reuters rằng ICBM của Triều Tiên có thể đạt được "khả năng hoạt động tối thiểu" sau 1 hoặc 2 năm nữa.
Dù vậy, một số nhà phân tích vẫn hoài nghi về tuyên bố ICBM của Triều Tiên có thể tấn công bất kỳ mục tiêu nào trên trái đất, cũng như liệu Bình Nhưỡng có thực sự nắm được công nghệ cần thiết để phát triển một phương tiện đưa đầu đạn hạt nhân từ không gian trở về bầu khí quyển, từ đó có thể đánh trúng mục tiêu đề ra. Họ cũng không chắc liệu Triều Tiên đã có thể thu nhỏ một đầu đạn hạt nhân đủ để gắn lên một tên lửa tầm xa hay không.
Ông Chae Yeon-seok, giáo sư tại Trường ĐH Khoa học và Công nghệ (Hàn Quốc), nhận định radar và vệ tinh có thể theo dõi đường đi của tên lửa nhưng không biết chi tiết của công nghệ tên lửa.
Trong khi đó, ông Hamish de Bretton-Gordon, một chuyên gia người Anh, đánh giá Triều Tiên dường như chưa đạt được tiến triển trong việc gắn đầu đạn vào tên lửa đạn đạo. Nếu đúng như thế, đây có thể là một lý do giải thích việc Tổng thống Donald Trump chỉ dừng lại ở những chỉ trích, kêu gọi cộng đồng quốc tế gây sức ép lên Triều Tiên chứ chưa có hành động đáp trả nào.
Trang Business Insider nhận định vụ phóng thử ICBM mới nhất của Triều Tiên không làm thay đổi bất kỳ điều gì với Mỹ bởi dù sao thì nước này cũng đối mặt mối đe dọa về một cuộc tấn công hạt nhân trong hơn 50 năm qua.
"Họ (Triều Tiên) có thể chế tạo 10-15 vũ khí hạt nhân nhưng chúng tôi có tới 2.000 đầu đạn hạt nhân. Họ có thể gây thiệt hại đáng kể cho Mỹ nhưng Triều Tiên sẽ bị xóa sổ nếu chiến tranh hạt nhân xảy ra. Đó không phải là chiến lược sinh tồn với Triều Tiên và ông Kim Jong-un có lẽ cũng hiểu điều này" - đô đốc về hưu Dennis Blair, cựu Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, nhìn nhận tại một sự kiện gần đây.
Tuy nhiên, cũng có thể lý do ông Donald Trump chưa ra tay là vì nhà lãnh đạo này có quá ít lựa chọn. Theo tờ The New York Times, Washington có thể siết chặt trừng phạt Bình Nhưỡng hơn nữa, tăng cường sự hiện diện của hải quân Mỹ ngoài khơi bán đảo Triều Tiên hoặc đẩy nhanh chương trình tấn công mạng để phá hoại các vụ phóng tên lửa. Chỉ có điều, nếu sự kết hợp của một loạt biện pháp này chứng tỏ hiệu quả, có lẽ vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên đã không diễn ra.
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng có thể dọa tấn công quân sự phủ đầu Triều Tiên nếu phát hiện nước này chuẩn bị phóng một ICBM có khả năng vươn đến lãnh thổ mình.
Tuy nhiên, một vụ tấn công như thế chưa chắc giải quyết được vấn đề trong lúc rủi ro lại không nhỏ. Lựa chọn kế tiếp có thể là thương thảo, khởi đầu bằng việc Triều Tiên đóng băng thử tên lửa, hạt nhân để đổi lấy sự hạn chế hoặc tạm ngưng các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc.
Vấn đề là một thỏa thuận như thế có thể giúp Triều Tiên và Trung Quốc đạt được mục tiêu hạn chế hoạt động của quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương, cũng như về lâu dài có thể ảnh hưởng đến chất lượng răn đe quân sự Mỹ - Hàn.(NLĐ)
---------------------------
Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa từ bỏ hợp tác với Trung Quốc về Triều Tiên
Sau khi Triều Tiên tuyên bố phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đầu tiên, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gợi ý rằng Washington có thể một mình đối phó với Bình Nhưỡng, trừ khi Trung Quốc thực hiện “một động thái mạnh mẽ” nhằm giải giáp Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, Palm Beach, Florida, Mỹ, ngày 6/4. Ảnh: Reuters
Theo đài Sputnik, sau khi Triều Tiên phóng tên lửa mà nước này nói là tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) ngày 4/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump và các cố vấn đã cho rằng trừ khi Trung Quốc hành động như những gì chính quyền Mỹ yêu cầu, còn không Washington sẽ hành động một mình chống Triều Tiên.
Theo New York Times, trước vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên, cuộc điện đàm đêm 2/7 của Tổng thống Mỹ Donald Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra "thân mật nhưng thẳng thắn", khi ông Trump cảnh báo rằng Nhà Trắng sẽ hành động một mình để ngăn chặn chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên nếu cần thiết.
Tuyên bố về sự sẵn sàng hành động một mình của Washington được xem là một dấu hiệu rõ ràng rằng “thời kỳ trăng mật” giữa chính quyền Trump và Bắc Kinh đã chấm dứt.
Bởi gần đây, Mỹ đã hoàn tất việc bán lô vũ khí trị giá 1,4 tỷ USD cho Đài Loan, áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có tiền lệ nhằm vào một ngân hàng của Trung Quốc với cáo buộc rửa tiền cho Triều Tiên, đe dọa trừng phạt thương mại Bắc Kinh.
Sau cuộc điện đàm có tính chất cảnh báo với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Trump đã tiếp tục có dòng tweet liên quan: "Có lẽ Trung Quốc sẽ có động thái nặng tay với Triều Tiên, chấm dứt sự vô nghĩa này một lần và mãi mãi".
Hôm 4/7, Triều Tiên tuyên bố đã phóng thử một ICBM mà nước này mới phát triển, với tầm bắn được cho là có thể vươn tới các vùng lãnh thổ trong lục địa Mỹ.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 5/7 đã xác nhận tên lửa mà Bình Nhưỡng phóng hôm 4/7 là một ICBM, phiên bản sử dụng lực đẩy 2 tầng được nâng cấp từ tên lửa KN-17 hoặc Hwasong-12.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng xác nhận Triều Tiên đã lần đầu tiên phóng thử một ICBM.(Baotintuc)