Nga nói tới hạt nhân khi nhắc nhở Mỹ; Nga thắng thế tại Syria, trúng đậm với 50 tỷ USD bán vũ khí; Mỹ đề nghị trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì mua tên lửa S-400 của Nga
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tối 16-09-2017: Vì sao ông Putin khẳng định không thể xảy ra xung đột vũ trang ở bán đảo Triều Tiên?
- Cập nhật : 16/09/2017
Tổng thống Nga Vladimir Putin từng khẳng định rằng không thể nổ ra một cuộc xung đột vũ trang quy mô lớn ở bán đảo Triều Tiên, bất chấp căng thẳng trên bán bảo Triều Tiên vẫn leo thang trong thời gian gần đây.
Trong cuộc họp toàn thể trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Viễn Đông tại Vladivostok, Tổng thống Nga Vladimir Putin tin tưởng rằng sẽ không có bất cứ cuộc xung đột vũ trang quân sự quy mô lớn nào nổ ra ở bán đảo Triều Tiên.
Ông Putin khẳng định: “Giống như người đồng cấp Hàn Quốc của tôi, tôi chắc chắn rằng sẽ không có cuộc xung đột quy mô lớn, đặc biệt là xung đột có sự tham gia của vũ khí hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên".
Nhưng vì sao khi căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang, Tổng thống Putin có thể đưa ra lời khẳng định như vậy, chuyên gia phân tích chính trị Anatoly Wasserman đã lý giải điều này.
Khi nhận định về tình hình bán đảo Triều Tiên hiện nay, chuyên gia Wasserman cho rằng trên thực tế những căng thẳng hiện tại chỉ là một giai đoạn khác của cuộc đối đầu đã bắt đầu từ đầu thế kỷ 20 trên bán đảo này.
Ông Wasserman cho rằng, cả Triều Tiên lẫn Hàn Quốc đều ghi nhớ sâu đậm những thiệt hại khủng khiếp về người mà những cuộc xung đột vũ trang gây ra cho họ và do đó hoàn toàn không mong muốn bất cứ ai lặp lại điều này.
Vị chuyên gia này nhận định: “Trong hoàn cảnh như vậy, tôi tin rằng hành động của Tổng thống Hàn Quốc, bao gồm cả việc nhắc nhở về nguy cơ do hành động của Triều Tiên gây ra và việc hứa cho Triều Tiên tham gia các dự án kinh tế với lợi ích chung cho thấy đó là chiều hướng có lợi nhất”.
Chuyên gia Wasserman giải thích, một mặt việc tham gia vào các dự án hợp tác dù không thể loại bỏ hoàn toàn nhưng sẽ làm giảm thiểu đáng kể những hành động gây hấn.
Mặt khác, xét về quy luật thì khi một quốc gia có tiềm năng kinh tế to lớn họ sẽ có tiềm lực quốc phòng mạnh và không cần thiết phải ưu tiên cho quân sự như Triều Tiên đang thực hiện.
Video: 3 phương án quân sự Mỹ có thể sử dụng với Triều Tiên
Do đó, chuyên gia này cho rằng những quan điểm ngoại giao chặt chẽ được Tổng thống Hàn Quốc và Nga thể hiện tại Diễn đàn kinh tế Viễn Đông là hướng giải quyết hứa hẹn nhất cho cuộc xung đột tại bán đảo Triều Tiên.
Đây là lý do đầu tiên khiến Tổng thống Nga và Tổng thống Hàn Quốc tin chắc rằng sẽ không có cuộc xung đột vũ trang quy mô lớn nào nổ ra ở bán đảo Triều Tiên, đặc biệt khi phương án hợp tác kinh tế được thực hiện.
Bên cạnh đó, ông Putin cũng nhắc lại vào năm 2005, đàm phán 6 bên đã đạt những thỏa thuận mà trong đó Triều Tiên cam kết niêm phong các chương trình hạt nhân và tên lửa của mình để đổi lại viện trợ từ các quốc gia khác.
"Nhưng tại thời điểm đó, thật không may, ai đó đã buộc Triều Tiên phải thực hiện những việc mà họ không cam kết thực hiện, và tình hình đầu dần dần trở nên xấu đi, cuối cùng xuống đến mức thấp như hiện nay”, ông Putin phát biểu.
Đại diện của các bên tham dự Đàm phán 6 bên 2006, từ trái qua: Chung Yung-woo (Hàn Quốc), Kenichiro Sasae (Nhật Bản), Christopher Hill (Mỹ), Wu Dawei (Trung Quốc), Kim Kye Gwan (Triều Tiên), Sergey Razov (Nga). (Ảnh: AP)
Chuyên gia Wasserman nhắc lại: “Mỹ đã hứa với Triều Tiên sẽ giúp giải quyết một số vấn đề năng lượng nghiêm trọng của Triều Tiên bằng cách cung cấp các nguồn năng lượng với giá thế giới và xây dựng cho Triều Tiên một tổ hợp năng lượng hạt nhân với công nghệ Mỹ để đảm bảo Triều Tiên không thể sử dụng tổ hợp này cho mục đích quân sự”.
“Bình Nhưỡng đã sẵn sàng chấp nhận đề nghị này. Nhưng sau đó Washington ngụy biện với vài lý do vặt vãnh rồi từ chối thực hiện lời hứa của mình. Do đó Triều Tiên buộc phải tự phát triển công nghệ năng lượng hạt nhân, đồng thời tranh thủ cơ hội tiếp tục dự án chế tạo vũ khí hạt nhân”, ông Wasserman cho biết thêm.
Vị chuyên gia này nhận định, Mỹ đã không chỉ buộc Triều Tiên phải thực hiện những gì mà Triều Tiên không hứa, mà còn nuốt lời hứa của mình và điều này rõ ràng đã khiến tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trở nên trầm trọng hơn.
Cuối cùng, chuyên gia Wasserman không loại trừ việc Mỹ cố tình làm trầm trọng thêm tình hình căng thẳng trong khu vực bởi nếu không có điều này họ sẽ mất đi lý do chính trị để triển khai quân đội Mỹ tại bán đảo Triều Tiên. Nhưng liệu Mỹ có muốn một cuộc xung đột vũ trang lớn xảy ra ở Triều Tiên hay không?
Vị chuyên gia này giải thích, nếu như Hàn Quốc bị phá hủy hoặc có nguy cơ bị phá hủy trong chiến tranh thì điều này dường như có vẻ có lợi cho Mỹ, hoặc ít nhất là các tập đoàn công nghiệp và tài chính sẽ phải chuyển cơ sở về nước Mỹ.
Tiêm kích F-16 trên đường băng tại căn cứ không quân Mỹ ở Osan, Hàn Quốc. (Ảnh: AP)
“Thế nhưng ở Mỹ, lực lượng cho rằng một cuộc chiến tranh tại bán đảo Triều Tiên có thể không mang lại lợi ích lại chiếm thế mạnh hơn. Và tôi nghĩ Tổng thống Nga cũng nhận thức được điều này”, ông Wasserman cho biết.
Với những lý do kể trên, chuyên gia Wasserman khẳng định ngay cả Mỹ cũng chưa chắc muốn để xảy ra một cuộc xung đột vũ trang quy mô lớn tại Triều Tiên và đây là lý do thứ 2 khiến tổng thống Nga Putin đi đến kết luận sẽ không có chiến tranh ở khu vực này.
Nguyễn Tiến
Theo VTC.VN