Cơ quan phòng vệ Đài Loan (MND) vừa ngang nhiên tổ chức hội thảo trái phép cho sinh viên trên Ba Bình, đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Đài Bắc chiếm đóng.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tối 29-04-2017
- Cập nhật : 29/04/2017
Ông McCain: Biện pháp quân sự với Triều Tiên là lựa chọn cuối cùng
Thượng nghị sĩ John McCain nói rằng cuộc họp giữa chính quyền Donald Trump và các thành viên Thượng viện tại Nhà Trắng vừa qua không cho thấy khả năng Mỹ sắp có hành động quân sự đối với CHDCND Triều Tiên.
Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain cho rằng việc dùng biện pháp quân sự chống Triều Tiên có thể khiến Mỹ và đồng minh bị tấn công trả đũa REUTERS
Tuy vậy, trong cuộc phỏng vấn ngày 27.4 với đài CBS, Chủ tịch Ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ McCain lưu ý rằng biện pháp quân sự vẫn được cân nhắc như là giải pháp sau cùng để sử dụng nếu Triều Tiên phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, theo Yonhap.
"Khi tôi nói đến giải pháp cuối cùng nghĩa là chúng tôi tin chắc rằng Triều Tiên có năng lực phóng một tên lửa có thể tấn công bờ tây nước Mỹ với một đầu đạn hạt nhân", ông McCain giải thích.
Thượng nghị sĩ Mỹ cũng cảnh báo rằng dù Washington có đủ năng lực phòng thủ, có thể đánh chặn các tên lửa nhưng việc chỉ dựa vào năng lực này để đối phó là điều rất nguy hiểm. Ông cho biết việc tên lửa Triều Tiên gắn đầu đạn hạt nhân được đưa vào bệ phóng là "lằn ranh đỏ" và Mỹ có thể hành động trước khi tên lửa được phóng đi.
Tuy nhiên, ông McCain cũng cảnh báo nếu Mỹ áp dụng biện pháp quân sự có thể dẫn đến nguy cơ Triều Tiên tấn công trả đũa. Thông cáo chung của các quan chức chính quyền Donald Trump phát đi sau cuộc họp với 100 thượng nghị sĩ cho thấy Mỹ có thể sẽ áp dụng các biện pháp phi quân sự để giải quyết căng thẳng với Triều Tiên thay vì đe dọa dùng mọi biện pháp như trước đó.(Thanhnien)
--------------------------------------
Triều Tiên lại thử tên lửa và tiếp tục thất bại
Sáng sớm nay (29-4) Triều Tiên lại bắn thử một tên lửa đạn đạo từ một khu vực ở phía bắc Bình Nhưỡng. Nhưng một lần nữa quả tên lửa đã nổ chỉ vài giây sau khi phóng.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ bàn về vấn đề Triều Tiên tại trụ sở LHQ ở New York, Mỹ ngày 28-4 - Ảnh: Reuters
Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc dẫn thông báo của quân đội nước này cho biết: “Triều Tiên đã bắn một quả tên lửa chưa xác định từ một vị trí ở gần khu vực Bukchang tại Pyeongannam-do (tỉnh Nam Pyeongan) sáng sớm nay. Vụ thử được cho là đã thất bại”.
Thông báo của phía Hàn Quốc cho biết quả tên lửa “rõ ràng đã nổ chỉ vài giây sau khi phóng”. Seoul đang phân tích về kiểu loại cũng như tầm bắn của loại tên lửa này.
Tại Washington, một quan chức quốc phòng Mỹ xác nhận với hãng tin AFP về việc Triều Tiên đã phóng thử một loại tên lửa nào đó.
Đài NBC dẫn nguồn tin từ hai quan chức Mỹ nói tên lửa Triều Tiên vừa phóng là loại tên lửa tầm ngắn, có thể phóng tới thủ đô Seoul của Hàn Quốc, nhưng không tới được Nhật Bản. Nó được phóng đi vào khoảng sau 6 giờ sáng giờ địa phương.
Nhiều tháng qua Triều Tiên liên tiếp gây căng thẳng với một loạt các vụ phóng tên lửa, trong đó có loạt phóng tên lửa hồi đầu tháng 3-2017với ba quả tên lửa lao xuống khu vực gần Nhật Bản.
Tại thời điểm đó Bình Nhưỡng tuyên bố họ đang tập trận tấn công một căn cứ Mỹ ở Nhật Bản.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn ngày 27-4 với hãng tin Reuters, tổng thống Trump cho biết một ‘cuộc xung đột rất lớn’ giữa Mỹ với Triều Tiên có thể xảy ra liên quan tới các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này.
Trong diễn biến liên quan, ngày 28-4, tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Washington tiếp tục hối thúc cơ quan này áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mạnh tay với Triều Tiên, tăng áp lực với Trung Quốc trong việc ra tay kiềm chế đồng minh của họ, đồng thời khẳng định Mỹ vẫn không loại bỏ các lựa chọn hành động quân sự với Bình Nhưỡng.
Phát biểu trước Hội đồng bảo an LHQ lần đầu tiên, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson kêu gọi một chiến dịch gây áp lực của toàn cầu với Bình Nhưỡng nhằm thay đổi tình hình và chấm dứt các chương trình hạt nhân, tên lửa của nước này.
Ông Tillerson cảnh báo: “Nếu không hành động ngay lúc này để giải quyết vấn đề an ninh bức bách nhất của thế giới, điều đó có thể gây ra những hậu quả thảm khốc”. Tuoitre)
------------------------------------
Ông Trump nói Triều Tiên thử tên lửa là coi thường Trung Quốc
Ông Trump: "Triều Tiên đã coi thường các mong muốn của Trung Quốc cùng ngài chủ tịch rất đáng kính của nước này khi phóng, mặc dù không thành công, một quả tên lửa hôm nay."
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (phải) gặp gỡ ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-Se sau cuộc họp về vấn đề Triều Tiên tại LHQ ngày 28-4 - Ảnh: Reuters
Nhật Bản và Mỹ là hai nước lên tiếng sớm nhất sau vụ phóng thử tên lửa đạn đạo nhưng thất bại vào sớm nay (29-4) của Triều Tiên.
Hãng tin Reuters dẫn thông cáo từ chính phủ Nhật Bản, trong đó lên án mạnh mẽ cuộc phóng thử tên lửa của Bình Nhưỡng, cho rằng điều này là hoàn toàn không thể chấp nhận và là sự vi phạm các nghị quyết của LHQ.
Người phát ngôn chính phủ Nhật Bản, ông Yoshihide Suga, cho biết đã liên lạc với thủ tướng Shinzo Abe, lúc này đang công du tại châu Âu, để thông báo tình hình.
Giới chức Nhật Bản cũng đang thu thập thêm thông tin về vụ thử tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, trong đoạn tweet đưa lên vài giờ sau sự việc, tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên là động thái biểu thị thái độ coi thường của họ với đồng minh Trung Quốc.
Hãng tin AFP dẫn lại đoạn tweet: “Triều Tiên đã coi thường các mong muốn của Trung Quốc cùng ngài chủ tịch rất đáng kính của nước này khi họ phóng, mặc dù không thành công, một quả tên lửa trong hôm nay. Thật tồi tệ!”.
Cùng với đó hãng tin Reuters dẫn một nguồn tin giấu tên trong chính quyền tổng thống Trump cho biết Mỹ có thể sẽ đẩy nhanh kế hoạch thực thi các lệnh trừng phạt đơn phương với Bình Nhưỡng, trong đó có cả những biện pháp áp đặt lên các đối tượng cụ thể của Triều Tiên và Trung Quốc, để phản ứng với hành vi khiêu khích mới nhất này.
Theo đó nguồn tin nói rằng Washington có thể sẽ tiến hành các cuộc tập trận hải quân mới và điều thêm tàu chiến, máy bay tới khu vực để biểu dương lực lượng.(TT)
------------------------------
Trung Quốc tiếp tục nhập khoáng sản của Triều Tiên
Bất chấp các lệnh trừng phạt của LHQ với Triều Tiên, Trung Quốc vẫn tiếp tục nhập khẩu các khoáng sản của Bình Nhưỡng trong quý 1 năm nay.
Hãng tin Yonhap ngày 29-4 dẫn nguồn tin từ đài VOA của Mỹ cho biết trong khoảng thời gian từ tháng 1-3 năm nay, Trung Quốc đã nhập khẩu khối lượng kẽm trị giá 680.000 USD và khối lượng bạc trị giá 120.000 USD từ Triều Tiên.
Thông tin được trích dẫn từ số liệu thống kê của Hiệp hội thương mại quốc tế Hàn Quốc và văn phòng hải quan Trung Quốc.
Cũng trong khoảng thời gian từ tháng 1-2 năm nay, Trung Quốc đã nhập khẩu khối lượng đồng trị giá 100.000 USD từ Triều Tiên.
Mọi quốc gia thành viên của LHQ đều bị cấm nhập khẩu khoáng sản của Triều Tiên, bao gồm vàng, bạc, đồng và kẽm theo nội dung các nghị quyết số 2270 và 2321 của LHQ nhằm trừng phạt các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Để thực thi các nghị quyết này, từ 5-4 năm ngoái, Bắc Kinh đã triển khai lệnh cấm nhập khẩu với titanium, vanadi và đất hiếm của Triều Tiên. Cũng từ 24-12 năm ngoái, Trung Quốc áp lệnh cấm nhập khẩu với các loại khoáng sản kim loại khác của Triều Tiên.
Truyền thông Mỹ cũng nói hiện họ chưa thể xác nhận được việc tiếp tục nhập khẩu khoáng sản của Triều Tiên này là do sai sót trong quá trình quản lý hay là sự cố tình vi phạm của chính quyền Bắc Kinh với các nghị quyết của LHQ.
Trong một diễn biến khác liên quan, theo đài CNN, mặc dù Hội đồng bảo an LHQ đã cố gắng áp các lệnh trừng phạt với Triều Tiên trong hơn 1 thập kỷ qua, nhưng tất cả những biện pháp đó cho tới nay vẫn tỏ ra có rất ít tác dụng. Bằng chứng là các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa của Triều Tiên vẫn tiếp diễn.
Kể từ năm 2006, thời điểm Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên, cho tới nay, LHQ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt Triều Tiên trên 5 lĩnh vực chính, cụ thể là:
1. Vũ khí
Các lệnh trừng phạt cấm nhập khẩu và xuất khẩu tất cả các loại vũ khí lớn nhỏ, từ các loại vũ khí nhỏ cho tới các chiến hạm.
Tuy nhiên theo một báo của LHQ tháng trước, Bình Nhưỡng vẫn lách được các án phạt này trong nhiều năm thông qua một loạt các công ty bình phong và những điều phối viên quốc tế, họ mua vũ khí bằng vàng hoặc tiền mặt.
2. Than đá, khoáng sản và nhiên liệu
Than là mặt hàng xuất khẩu chính yếu của Triều Tiên, cũng là nguồn thu ngoại tệ chính của nước này. LHQ đã cấm các nước thành viên mua than của Triều Tiên cũng như các khoáng sản khác gồm quặng thép, vàng và đất hiếm.
Hầu hết than của Triều Tiên đều xuất sang Trung Quốc, nhưng tháng 2 năm nay, Trung Quốc tuyên bố kế hoạch dừng nhập khẩu than của Triều Tiên trong thời gian còn lại của năm 2017.
3. Hàng hóa xa xỉ
Các lệnh trừng phạt này nhằm ‘đánh’ vào lối sống xa hoa của giới quý tộc tại Triều Tiên. Theo đó LHQ cấm bán cho nước này những hàng hóa như du thuyền, đồ trang sức cao cấp….
4. Các dịch vụ tài chính
Trong nhiều năm qua, LHQ tìm mọi cách thức để cắt đứt nguồn tài chính cung cấp cho các chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.
Việc cắt đứt các quan hệ giao dịch của Triều Tiên với hệ thống ngân hàng toàn cầu trở thành ưu tiên chủ đạo của LHQ. Theo đó mọi quốc gia thành viên của LHQ và mọi công ty nằm trên lãnh thổ những nước này, đều bị cấm cung cấp dịch vụ tài chính cho Triều Tiên.
Tuy nhiên báo cáo công bố tháng trước của LHQ đã trình bày những chứng cứ cho thấy Triều Tiên đang sử dụng mạng lưới các công ty bình phong để tiếp cận hệ thống các ngân hàng toàn cầu.
5. Cấm đi lại
Những đối tượng có liên quan tới chương trình hạt nhân của Triều Tiên hoặc làm việc đại diện cho họ sẽ không được cấp phép nhập cảnh vào những nước thành viên của LHQ.
Các nhà ngoại giao và quan chức chính phủ Triều Tiên cũng phải bị trục xuất. Các quốc gia thành viên LHQ được yêu cầu phải giảm bớt số nhân viên của họ đang được điều động trong các sứ mệnh ngoại giao tại Triều Tiên.
Tuy nhiên tác dụng của tất cả các lệnh trừng phạt này tùy thuộc vào ý chí và khả năng thực thi của các chính phủ thành viên của LHQ. Bởi lẽ LHQ không có bất cứ phương tiện độc lập nào để bắt buộc thực thi các lệnh trừng phạt đó tại mỗi nước.
Chính báo cáo của LHQ về vấn đề Triều Tiên mới đây cũng đã khẳng định “Việc thực thi (các lệnh trừng phạt) vẫn còn chưa hiệu quả và rất thiếu nhất quán”.
Chính phủ các nước như Mỹ, Nhật Bản và các nước thành viên EU cũng đã áp các biện pháp trừng phạt của họ với Triều Tiên.(Tuoitre)