Nga – Mỹ trả đũa qua lại, căng thẳng còn hơn thời Chiến tranh Lạnh; Lực lượng 'cận vệ vô hình' bảo vệ tàu chiến, căn cứ hải quân Nga; Thổ Nhĩ Kỳ bắt hơn 1.000 nghi phạm khủng bố
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trưa 01-08-2017
- Cập nhật : 01/08/2017
Tổng thống Trump tuyên bố dùng 'nắm đấm thép' bảo vệ đồng minh
Mỹ và các đồng minh liên tục có các động thái răn đe và gây sức ép lên Triều Tiên sau vụ nước này phóng tên lửa đạn đạo (ICBM)
Hai ngày sau vụ phóng tên lửa tầm trung của Triều Tiên, các nước vẫn ráo riết tìm cách đối phó với Bình Nhưỡng.
Hãng tin Reuters đưa tin thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã điện đàm với nhau trong ngày 31-7 và nhất trí cần có thêm hành động với Triều Tiên sau khi đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley tuyên bố dẹp việc đối thoại với Bình Nhưỡng.
“Cộng đồng quốc tế, bao gồm Nga và Trung Quốc, cần nghiêm túc về chuyện này và tăng cường sức ép (lên Triều Tiên)” - ông Abe nhấn mạnh sau cuộc điện đàm kéo dài 50 phút với ông Trump.
Nhà Trắng cho biết ông Trump đã cam kết sẽ dùng hết khả năng để thực hiện cam kết nắm đấm thép bảo vệ các đồng minh.
Trước đó, đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Nikki Haley tuyên bố Washington sẽ không kêu gọi họp Hội đồng Bảo an LHQ vì họp hành cũng vô nghĩa nếu không đưa ra được biện pháp đối phó với Triều Tiên. Theo bà Haley, việc đó chỉ khiến Bình Nhưỡng nghĩ rằng cộng đồng quốc tế không dám đối đầu với nước này.
Tiếp nối kêu gọi của tổng thống Trump trên Twitter, bà Haley cũng kêu gọi Trung Quốc hành động. “Trung Quốc phải quyết định liệu họ cuối cùng có chịu có động thái quan trọng hay không. Thời gian để thương thảo đã kết thúc” - bà Haley tuyên bố.
Trong khi đó, Bộ quốc phòng Mỹ tuyên bố quân đội nước này đã bắn hạ thành công một tên lửa đạn đạo tầm trung trong vụ thử Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).
Trong vụ thử diễn ra trên Thái Bình Dương ngày 30-7, tên lửa đánh chặn từ đơn vị của THAAD ở bang Alaska đã "phát hiện, truy tìm và đánh trúng" một tên lửa tầm trung phóng từ máy bay C-17 đang bay trên Thái Bình Dương. Đây là vụ thử thành công thứ hai trong tháng qua.
Đài CNN dẫn lời giám đốc Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA) Sam Greaves khẳng định vụ thử là một phần trong nỗ lực “đi trước các mối đe dọa”.
“Ngoài việc đánh chặn mục tiêu, các dữ liệu thu thập được cũng sẽ giúp MDA củng cố hệ thống THAAD” - ông Greaves giải thích thêm.
Thật trùng hợp, hôm nay (31-7) bộ Quốc phòng Hàn Quốc vừa tuyên bố đã bắt đầu cuộc đàm phán với Mỹ về việc triển khai thêm THAAD tại Hàn Quốc. Trước đó, Washington đã nhất trí lắp đặt sáu giàn phóng THAAD ở phía nam Seoul.
Việc Mỹ tiến hành vụ thử tên lửa đánh chặn lần này được cho là nhằm đáp trả việc Triều Tiên vừa phóng thử một tên lửa Hwasong-14 vào đêm 28-7.
Đây là vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa liên tiếp thứ hai của Triều Tiên. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) xác nhận tên lửa đạt tới độ cao 3.724,9 km và bay được 998 km trong khoảng 47 phút trước khi rơi xuống biển gần Nhật Bản.
Tokyo cho biết tên lửa của Triều Tiên đã rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật trên Biển Nhật Bản. Giới quân sự nhận định kết quả cho thấy Bình Nhưỡng đã có thể điều chỉnh chính xác đường bắn của tên lửa tầm xa của họ, đồng nghĩa với việc sở hữu công nghệ đưa ICBM trở lại tầng khí quyển. Đây là yếu tố chủ chốt để hoàn tất chương trình phát triển loại vũ khí này.(Tuoitre)
---------------------------
Trung Quốc chỉnh ông Trump trong vấn đề Triều Tiên
Giao thương Mỹ - Trung và vấn đề hạt nhân của Triều Tiên không nên được thảo luận chung với nhau. Bắc Kinh nhắn nhủ đáp trả tuyên bố của tổng thống Mỹ.
Người dân Triều Tiên ở thủ đô Bình Nhưỡng xem lại cảnh bắn tên lửa Hwasong-14 vào ngày 29-7 - Ảnh: REUTERS
"Chúng tôi cho rằng vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và quan hệ thương mại Trung-Mỹ là 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau và không nên được thảo luận cùng nhau”, Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Tiền Khắc Minh nói thẳng trong cuộc họp báo ngày hôm nay (31-7) tại Bắc Kinh.
Tuyên bố của ông Tiền được cho là nhằm đáp trả dòng tweet nhắn gửi của tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Trung Quốc "đã không làm gì" để giải quyết vấn đề Triều Tiên.
Vị thứ trưởng của Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh sẽ tiếp tục phối hợp với cộng đồng quốc tế nhằm thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên, đồng thời sẵn sàng cùng Mỹ phát triển mối quan hệ thương mại song phương.
“Mối quan hệ giao thương Trung - Mỹ, trong tổng thể, có lợi cho cả hai bên và Mỹ có lợi nhiều hơn trong mối quan hệ thương mại song phương này cũng như trong các hợp tác đầu tư”, ông Tiền gửi lời nhắn đến phía Mỹ.
Hôm 29-7, tổng thống Trump viết trên mạng xã hội Twitter rằng các lãnh đạo cũ của Mỹ đã “dại dột” để cho Trung Quốc kiếm hàng tỉ USD/năm từ mối quan hệ thương mại song phương, đồng thời bày tỏ thất vọng về việc Bắc Kinh không làm gì để giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Ông Trump đưa ra bình luận “rất thất vọng” về việc Trung Quốc "đã không làm gì" sau khi Triều Tiên tuyên bố thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) tối 28-7 trước đó.
Trong khi đó, Trung Quốc nhiều lần khẳng định Bắc Kinh không có trách nhiệm giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và Washington cùng với Bình Nhưỡng cần thực thi các biện pháp nhằm làm dịu căng thẳng và giải tỏa các quan ngại của nhau.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cho biết nước này thực thi đầy đủ các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc chống Triều Tiên, đồng thời lên án việc Mỹ đơn phương trừng phạt các công ty của Trung Quốc, coi đó là hành động vô ích.
Nhưng phía Mỹ vẫn giữ quan điểm của mình. Theo hãng tin AFP, ngoại trưởng Rex Tillerson Bắc Kinh và Matxcơva phải "chịu trách nhiệm đặc biệt" khiến tình hình thêm căng thẳng do đã góp phần “ủng hộ kinh tế cho chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng”.
Hồi đầu tháng này, Bắc Kinh và Washington đã không nhất trí được các bước đi mới nhằm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc. Theo Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross, trong 15 năm qua, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ tăng tới hơn 200%, tạo ra mức thâm hụt thương mại 309 tỉ USD trong năm 2016.
Washington vẫn luôn bóng gió đe dọa sẽ sử dụng các biện pháp thích hợp để chống lại việc Bắc Kinh chơi trò bảo hộ giúp tạo ra lợi thế trong giao thương với Mỹ.(Tuoitre)
---------------------