Mỹ tự tin với 60% chặn được tên lửa Triều Tiên; Trung Quốc: chúng tôi không muốn chiến tranh ở cửa nhà mình; Rộ tin Hàn Quốc rèn quân đặc nhiệm ám sát lãnh đạo Triều Tiên; Bộ trưởng Quốc phòng nói ngược ông Donald Trump về Triều Tiên
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trưa 01-09-2017: Chuyên gia Nga: Triều Tiên đủ khả năng san phẳng Hàn Quốc mà không cần vũ khí hạt nhân
- Cập nhật : 01/09/2017
Giải quyết khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên thông qua con đường ngoại giao là cần thiết, theo các chuyên gia Nga, bởi Triều Tiên hoàn toàn đủ khả năng san phẳng Hàn Quốc mà không cần vũ khí hạt nhân.
Theo các chuyên gia Nga, chịu ảnh hưởng lớn nhất trong trường hợp xảy ra xung đột với Triều Tiên chính là Hàn Quốc. Còn nhiều quốc gia khác, kể cả các quốc gia có liên quan trực tiếp đến căng thẳng lẫn không có liên quan đều có nguy cơ hứng chịu thiệt hại từ những quả “tên lửa đi lạc”.
Giáo sư Georgy Toloraya, nhà ngoại giao và chuyên gia nghiên cứu châu Á cho biết nếu tình hình hiện tại ở Đông Á không được giải quyết, sẽ có một loạt các quốc gia “phải sống dưới nguy cơ một ngọn núi lửa chực chờ phun trào”.
“Tất cả mọi người hẳn đều hiểu rõ rằng nếu Triều Tiên thực hiện một cuộc tấn công tổng lực, thì cuộc xung đột quân sự này đồng nghĩa với sự phá hủy hoàn toàn và ngay lập tức, bởi không ai có thể phủ nhận sức mạnh của quân đội Mỹ”, ông Toloraya nói.
Ông cảnh báo, “Tuy nhiên, đối với Mỹ, việc nỗ lực giải quyết vấn đề căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên bằng giải pháp quân sự có thể khiến Triều Tiên thực hiện tấn công trả đũa, điều này có thể khiến Hàn Quốc trở thành bình địa”. Ông Toloraya khẳng định rằng Triều Tiên không cần đến vũ khí hạt nhân để làm điều này.
Đồ họa vụ thử tên lửa của Triều Tiên ngày 29/8 trên màn hình lớn tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Reuters)
Pháo của Triều Tiên hoàn toàn có thể bắn tới Seoul, còn toàn bộ lãnh thổ của Hàn Quốc cũng không hề an toàn với tên lửa của Triều Tiên, kể cả những tên lửa này không cần đầu đạn hạt nhân.
Tên lửa và đạn pháo của Triều Tiên hoàn toàn có thể bắn trúng các cơ sở hạt nhân của Hàn Quốc, và có khoảng 30 cơ sở như vậy gần biên giới Hàn Quốc – Triều Tiên, ông Toloraya giải thích.
“Nhật Bản cũng có khả năng phải chịu thiệt hại, cũng như các căn cứ quân sự Mỹ tại đây”, vị chuyên gia bổ sung. Giáo sư Toloraya nhấn mạnh rằng chỉ có các biện pháp “ngoại giao và đàm phán” mới có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng.
“Tất cả các loại áp lực đối với Bình Nhưỡng đã được thử nghiệm trong nhiều năm, kể cả các lệnh cấm vận. Nhưng không một loại áp lực nào có thể thay đổi lập trường của Triều Tiên”, ông Toloraya cho biết.
Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng Mátxcơva từ lâu coi trọng các kênh ngoại giao nhằm làm giảm bớt căng thẳng trong khu vực thông qua việc lắng nghe và đối thoại với tất cả các bên.
“Vấn đề là ở chỗ, những cuộc chiến tranh đẫm máu nhất đôi khi bắt đầu bởi một tai nạn hay một sai lầm, điều này đã từng xảy ra trong lịch sử. Mức độ vũ trang và mức độ căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên càng cao, thì nguy cơ xảy ra một sự kiện không mong đợi làm trầm trọng tình hình càng lớn”, ông Toloraya cảnh báo.
Một chuyên gia khác trong lĩnh vực lịch sử quân sự, thượng tướng Leonid Ivashov cũng đưa ra quan điểm về nguy cơ về một kịch bản “tai nạn” như vậy có thể xảy ra. “Luôn luôn có nguy hiểm, đặc biệt là khi những tên lửa chưa hoàn chỉnh được Triều Tiên sử dụng”, ông cho biết.
Thượng tướng Ivashov giải thích, những quả tên lửa này có thể đi chệch hướng và thay vì tới địa điểm ban đầu, chúng có thể phá hủy những mục tiêu không nằm trong chủ đích của Triều Tiên, khiến các quốc gia không liên quan phải hứng chịu hậu quả của cuộc xung đột.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un cùng các quan chức nhà nước và quân đội Triều Tiên theo dõi vụ thử tên lửa ngày 29/8. (Ảnh: KCNA)
Một cuộc xung đột quân sự xảy ra ở khu vực bán đảo Triều Tiên sẽ không chỉ gây ra ảnh hưởng cho Triều Tiên, Hàn Quốc và Nhật Bản, mà còn có thể gây thiệt hại cho cả Nga và Trung Quốc. Có thể các quốc gia không liên quan không phải chịu thiệt hại về mặt quân sự, nhưng vẫn phải gánh chịu thiệt hại về các mặt khác, ông Ivashov cho biết.
“Chúng ta cần phải đối xử với Triều Tiên trên cở sở hiểu biết. Điều mà Triều Tiên đòi hỏi là một đảm bảo về an ninh cho họ, và không một ai cho họ điều này cả. Họ là một đất nước nhỏ bé. Họ muốn bảo vệ đất nước của mình, dù các quốc gia khác có thích hay không. Họ không thích việc Mỹ và Hàn Quốc tập trận ngay gần biên giới của họ”, ông Ivashov khẳng định.
Người dân Triều Tiên xem video về vụ thử tên lửa Hwasong-12 ngày 29/8 tại màn hình lớn bên ngoài nhà ga Bình Nhưỡng. (Ảnh: Kyodo)
Thượng tướng Ivashov cũng cho rằng “Vấn đề này có thể giải quyết được khi và chỉ khi Mỹ thực sự có ý định giải quyết vấn đề”. Trước đó, mặc dù Nga và Trung Quốc đưa ra giải pháp “đóng băng kép” trong đó yêu cầu Mỹ và Hàn Quốc ngừng tập trận chung còn Triều Tiên ngừng thử tên lửa, Washington đã bác bỏ giải pháp này và tuyên bố sẽ tiếp tục tập trận chung với Hàn Quốc.
NGUYỄN TIẾN (NGUỒN: RT)
Theo VTC.VN