Tổng thống Philippines tung đe dọa khủng khiếp với phiến quân Abu Sayyaf; Mỹ, Trung Quốc tranh giành ảnh hưởng trong cuộc chiến tại Marawi; Tổng thống Nga Putin đề cao vai trò của G20; 20% chiến binh IS là công dân châu Âu
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trưa 07-07-2017
- Cập nhật : 07/07/2017
ICBM Triều Tiên: Phép thử liều cao cho lá chắn Mỹ
Vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên với tầm bắn có thể vươn tới bang Alaska đã thực sự gây sức ép lên hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Không bao lâu nữa, Triều Tiên có thể sẽ phát triển thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mang đầu đạn hạt nhân và nhắm đến lãnh thổ Mỹ.
Lầu Năm Góc đã chi hàng chục tỉ USD để phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa. Tuy nhiên, hệ thống này chưa từng đánh chặn hay được thử nghiệm toàn diện. Trước đó, ngày 30-5, hệ thống này chỉ mới đánh chặn thành công ICBM mô phỏng nhưng chưa từng thử nghiệm thực tế.
Tin tức Triều Tiên phóng tên lửa được phát sóng tại ga xe lửa Seoul vào ngày 5-7-2017. Ảnh: AFP
Theo tờ AP, dù Nga và Trung Quốc từ lâu đã có khả năng tấn công Mỹ bằng vũ khí hạt nhân nhưng Triều Tiên vẫn được xem là mối đe dọa đáng gờm hơn. Được biết lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã từng công khai đe dọa tấn công Mỹ, bỏ qua những đàm phán hạt nhân hay tên lửa.
"Chúng ta nên thấy lo ngại" - ông Philip E. Coyle III, cựu Giám đốc đơn vị thử nghiệm vũ khí của Lầu Năm Góc, nói. Theo ông, việc Triều Tiên phát triển tên lửa thành công "chỉ còn là vấn đề thời gian".
Các quan chức Mỹ tin rằng Triều Tiên vẫn chưa có khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để lắp vào đầu tên lửa liên lục địa. Hiện vẫn chưa rõ Triều Tiên đã phát triển được công nghệ bảo vệ đầu đạn trước nhiệt độ cực nóng trong quá trình tái xâm nhập khí quyển hay chưa.
Lầu Năm Góc hiện sở hữu 36 tên lửa đánh chặn đặt trong hầm ngầm tại căn cứ quân sự ở Alaska và California, dự kiến sẽ tăng số lượng lên 44 tên lửa vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, dù đã được phát triển trong nhiều năm qua, Lầu Năm Góc hiện vẫn lo ngại rằng hệ thống phòng thủ hiện tại sẽ không có đủ khả năng đánh chặn trước những tiến bộ nhanh chóng trong công nghệ tên lửa của Triều Tiên.
Trước lo ngại này, chính quyền Mỹ đã cân nhắc các biện pháp phòng vệ tên lửa khác, bao gồm phòng vệ ở “giai đoạn phóng”. Trong giai đoạn này, hệ thống sẽ tiêu diệt tên lửa của kẻ địch ngay sau khi nó được phóng, trước khi đầu đạn hạt nhân tách ra khỏi tên lửa. Ngoài ra, các chuyên gia còn đề nghị một chiến thuật khác là phát triển một máy bay có khả năng bay trong thời gian dài và được trang bị một laser ở trạng thái rắn để tiêu diệt tên lửa trong khi bay.
Trước đề xuất ngân sách năm 2018 của ông Trump sẽ cắt giảm 340 triệu USD từ chương trình phòng thủ tên lửa nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công từ Triều Tiên, Iran hay các nước khác. Tuy nhiên, những biện pháp kể trên có thể sẽ gây thêm sức ép lên ngân sách dành cho chương trình phòng thủ tên lửa của Mỹ. Những biện pháp này có thể sẽ gây thêm sức ép lên ngân sách dành cho chương trình phòng thủ tên lửa.(PLO)
------------------------------------
Ông Trump lo Trung Quốc không thật tâm ‘trị’ Triều Tiên
Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt nghi vấn về sự thành thật trong các nỗ lực của Trung Quốc nhằm gây áp lực lên Triều Tiên.
“Giao thương giữa Trung Quốc và Triều Tiên tăng gần 40% trong quý đầu tiên. Sự hợp tác giữa chúng ta và Trung Quốc không thành công nhưng chúng ta vẫn phải thử” - ông Trump bày tỏ lo ngại trong một dòng trạng thái đăng trên Twitter ngày 5-7.
Dòng trạng thái được ông Trump đăng trước khi ông lên đường tới Đức dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế lớn nhất thế giới G20. Trong chuyến đi này, ông Trump dự kiến sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: YONHAP
Theo Yonhap, đây là lời phàn nàn mới nhất của ông Trump về Trung Quốc liên quan tới vấn đề Triều Tiên. Nhà lãnh đạo Mỹ rõ ràng cho thấy sự thất vọng đối với Trung Quốc sau nhiều tháng nỗ lực vô ích để thuyết phục Bắc Kinh gây nhiều áp lực lên nền kinh tế Triều Tiên nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Sự thất vọng của ông Trump càng trầm trọng hơn sau khi Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) đầu tiên có khả năng tấn công Mỹ hôm 4-7. Ông Trump lần đầu tiên phàn nàn về Trung Quốc là vào tháng trước. Thời điểm đó, nhà lãnh đạo Mỹ nói rằng các nỗ lực của Trung Quốc đã không cho thấy hiệu quả.
Yonhap nhận định cũng từ thời gian đó, Washington đã không nhân nhượng quá nhiều cho Bắc Kinh. Điều đó có thể được thấy rõ khi Mỹ không né tránh vấn đề buôn người tại Trung Quốc, hay liệt Ngân hàng Đan Đông của Trung Quốc vào danh sách đen và thông qua gói vũ khí bán cho Đài Loan.
Điều này trái ngược với quyết định của ông Trump hồi tháng 4 rằng ông sẽ không dán nhãn Trung Quốc là một quốc gia thao túng tiền tệ. Động thái này vào thời điểm đó được cho nhằm giành lấy sự trợ giúp của Trung Quốc trong việc đối phó Triều Tiên.
Trung Quốc hiện là đồng minh chính duy nhất và là nhà cung cấp lương thực cùng nhiên liệu chủ lực cho Triều Tiên. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã do dự sử dụng ảnh hưởng của mình để gây áp lực lên Bình Nhưỡng vì lo ngại nếu quá tay với Triều Tiên thì lợi ích cốt lõi của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng, theo Yonhap.
Giới phân tích cho rằng Trung Quốc vẫn sẽ gây áp lực lên Bình Nhưỡng nhưng nước này chưa bao giờ thật sự thẳng tay để gây mất mát lớn cho Triều Tiên.(PLO)
-------------------
Báo Hàn Quốc: Lính gác biệt thự ông Kim Jong-un đào tẩu
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc ngày 5-7 dẫn lời một mục sư cho biết một binh sĩ Triều Tiên được đào tạo để canh gác một trong các biệt thự của nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đào tẩu khỏi Bình Nhưỡng.
“Một lính gác được huấn luyện để canh giữ biệt thự của ông Kim Jong-un ở TP biên giới Sinuiju, tỉnh North Pyongan đã vượt qua sông Amnok để đào tẩu vào khoảng ngày 10-6” - mục sư Peter Jung, người đứng đầu tổ chức dân sự có tên “Công lý cho Triều Tiên”, nói với hãng Yonhap qua điện thoại.
Mục sư Peter Jung, người đứng đầu tổ chức dân sự có tên “Công lý cho Triều Tiên”. Ảnh: YONHAP
Cũng theo lời mục sư này, người lính gác này đào tẩu vào ngày huấn luyện thứ 25 sau khi anh ta tham gia vào đơn vị bảo vệ biệt thự của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Người lính này được cho là đang an toàn trong một ngôi nhà ở Trung Quốc và chờ ngày di chuyển đến Hàn Quốc. “Anh ta quyết định đào tẩu sau khi tiếp xúc với văn hóa Hàn Quốc trước khi gia nhập quân đội, mặc dù điều kiện huấn luyện ở đơn vị bảo vệ tốt hơn điều kiện ở các đơn vị khác” - vị mục sư nói.(PLO)