Cuộc khủng hoảng Mỹ - Triều Tiên đã trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Nó khiến thị trường tài chính thế giới chao đảo trong nhiều phiên gần đây và tiếp tục sống trong nỗi lo sợ bao trùm.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trưa 13-08-2017:
- Cập nhật : 13/08/2017
Nhật đưa tên lửa Patriot tới 4 tỉnh đề phòng Triều Tiên
Đài truyền hình NHK (Nhật) trong một bản tin cho hay Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 12-8 đã triển khai Hệ thống phòng thủ năng lực tiên tiến Patriot 3 (PAC-3) ở Shimane, Hiroshima, Kochi và Ehime. Các tỉnh này đều nằm ở khu vực phía Tây Nhật Bản.
Trước đó, Triều Tiên tuyên bố tên lửa đạn đạo của nước này sẽ bay qua ba tỉnh Shimane, Hiroshima và Kochi trước khi rơi xuống vùng biển ngoài khơi đảo Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương. Bình Nhưỡng cho biết sẽ hoàn thành kế hoạch tấn công vào giữa tháng này, theo NHK.
Một hệ thống đánh chặn tên lửa PAC-3 được triển khai tới căn cứ phòng vệ trên mặt đất của Nhật Bản ở Konan, tỉnh Kochi ngày 12-8. Ảnh: KYODO NEWS
Các hình ảnh được đăng trên đài NHK cho thấy các xe quân sự chở theo các bệ phóng tên lửa cùng các thiết bị khác dùng cho hệ thống PAC-3 đất đối không đã di chuyển vào một căn cứ của Nhật Bản ở Kochi vào sáng sớm.
Nhật Bản tuyên bố sẽ bắn hạ bất kỳ tên lửa nào của Triều Tiên gây đe dọa cho lãnh thổ nước này. Tokyo hy vọng hoàn thành triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa ở Tây Nhật Bản vào sáng 12-8, theo Kyodo News.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đầu tuần này nói rằng Tokyo “chưa bao giờ chấp nhận” các hành động khiêu khích của Triều Tiên và sẽ “đưa ra các biện pháp cần thiết”.
Hồi năm 2009, một tên lửa Triều Tiên đã bay qua lãnh thổ Nhật Bản nhưng không gây đe dọa hay bất kỳ nỗ lực bắn hạ nào của Tokyo, theo AFP.(PLO)
-------------------------
Nga 'phát sốt' vì Mỹ - Triều Tiên liên tiếp đấu khẩu
Nga ngày 11-8 lên tiếng cảnh báo nguy cơ xung đột quân sự quanh vấn đề Triều Tiên đang rất cao, lo ngại sâu sắc chuyện Mỹ và Triều Tiên liên tục cảnh cáo, đe dọa qua lại nhau mấy ngày qua.
“Đáng tiếc, các phát ngôn hiếu chiến từ Mỹ và Triều Tiên giờ bắt đầu lên đến đỉnh điểm cứng rắn” - Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói trong một diễn đàn với sinh viên Nga ngày 11-8. “Nguy cơ đang rất cao” - ông Lavrov nói khi được các sinh viên hỏi về khả năng căng thẳng leo thang thành xung đột.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi ngày 9-8 tại Indonesia. Ảnh: REUTERS
“Đã có các đe dọa dùng vũ lực trực tiếp... Mỹ thì nói cần tấn công phủ đầu Triều Tiên, trong khi Triều Tiên đe dọa nã tên lửa đến căn cứ Mỹ ở đảo Guam. Các đe dọa này tiếp diễn không ngừng nghỉ và khiến chúng tôi lo ngại rất nhiều”.
“Tôi sẽ không dự đoán hậu quả nếu chuyện này xảy ra. Chúng tôi sẽ làm hết khả năng để ngăn chặn nó”.
Ông Lavrov đề nghị Triều Tiên và Mỹ đồng ý với kế hoạch do Nga và Trung Quốc nghĩ ra, theo đó Triều Tiên ngưng thử tên lửa, Mỹ và Hàn Quốc ngừng các cuộc tập trận quy mô lớn. (PLO)
----------------------
Liệu Trung Quốc có ngăn Mỹ tấn công Triều Tiên?
Trung Quốc nên ở thế trung lập nếu Triều Tiên phóng tên lửa về phía lãnh thổ Mỹ nhưng sẽ ngăn chặn nếu Washington tấn công phủ đầu Bình Nhưỡng, truyền thông Trung Quốc nhận định.
Một bài báo đăng tải trên Thời báo Hoàn cầu ngày 11/8 cho rằng, Bắc Kinh không thể thuyết phục Washington hay Bình Nhưỡng hạ nhiệt căng thẳng vào thời điểm này song cần tỏ rõ quan điểm đối với các bên để họ hiểu "một khi hành động của họ gây nguy hại đến lợi ích của Trung Quốc thì nước này sẽ đáp trả cứng rắn".
Thời báo Hoàn cầu cho rằng Bắc Kinh không thể khuyên Washongton hay Bình Nhưỡng hạ nhiệt căng thẳng song cần tỏ rõ quan điểm với các bên. (Ảnh minh họa: Daily Mail)
Cũng theo bài báo, Trung Quốc nên làm rõ rằng nếu Triều Tiên phóng các tên lửa đe dọa lãnh thổ của Mỹ trước và Mỹ trả đũa thì Bắc Kinh sẽ ở thế trung lập.
"Nếu Mỹ và Hàn Quốc tiến hành tấn công và tìm cách lật đổ chế độ ở Triều Tiên và thay đổi mô hình chính trị của bán đảo, Trung Quốc sẽ ngăn họ làm như vậy".
Những nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên đang leo thang. Bình Nhưỡng tuyên bố đang lên kế hoạch tiến hành một cuộc tấn công vào đảo Guam sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo trút "hỏa lực và thịnh nộ" lên Bình Nhưỡng.
Trung Quốc từ lâu đã lo lắng rằng bất cứ xung đột nào trên bán đảo Triều Tiên, hoặc một sự lặp lại của chiến tranh liên Triều 1950-1953, có thể tạo ra một làn sóng người tị nạn gây mất ổn định tại phía đông bắc nước này và kết thúc bằng một quốc gia được thống nhất, liên kết với Mỹ.
Thời báo Hoàn cầu khẳng định Bắc Kinh phản đối sự phát triển hạt nhân cũng như chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ không khuyến khích bất cứ bên nào khích động xung đột quân sự, đồng thời chống lại bất cứ bên nào muốn thay đổi hiện trạng tại các khu vực có liên quan đến lợi ích của nước này.
"Bán đảo Triều Tiên vốn có lợi ích chiến lược đối với tất cả các bên, và không bên nào nên tìm cách thống trị tuyệt đối tại đây", Thời báo Hoàn cầu nhấn mạnh.
Giữa những căng thẳng gia tăng trong khu vực, Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn với hàng chục tàu chiến, chiến đấu cơ và tàu ngầm ngay sát bán đảo Triều Tiên vào hôm 7/8, chỉ vài tháng sau khi điều động 150.000 binh sĩ tới biên giới với Triều Tiên.(vietnamnet)