Đừng dồn Triều Tiên đến đường cùng; Tham tán Triều Tiên tại Nga: Bình Nhưỡng đã chuẩn bị xong để tấn công Guam; Mỹ - Triều khẩu chiến gay gắt ở Liên Hợp Quốc
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trưa 24-08-2017:
- Cập nhật : 24/08/2017
Triều Tiên tuyên bố chờ “thái độ của Mỹ”
Sau khi đưa ra các tuyên bố công kích lẫn nhau, giờ đây cả Triều Tiên và Hoa Kỳ đều muốn dịu giọng. Phía Triều Tiên khẳng định sẽ không đàm phán nếu Mỹ chưa từ bỏ khiêu khích và gây sức ép đơn phương.
Trong cuộc phỏng vấn mới đây với hãng tin RIA Novosti, Đại biện lâm thời của CHDCND Triều Tiên tại Nga, ông Shin Jong Hep cho biết: Triều Tiên đang giám sát chặt chẽ cuộc tập trận chung Ulchi Freedom Guardian (UFG) của quân đội Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu vào hôm thứ Hai (22/8), và trong trường hợp có khiêu khích thì nước này sẵn sàng tấn công phủ đầu.
"Quân đội và nhân dân chúng tôi, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Kim Jong-un đáng kính, đang xem xét những hành động thù địch của đối phương, và tại bất kỳ thời điểm nào cũng sẽ sẵn sàng tấn công phủ đầu nếu có hành động khiêu khích" ông nói.
Ông Shin Jong Hep nhấn mạnh: Mỹ nên ngừng gây áp lực lên Triều Tiên, bởi điều đó ảnh hưởng đến việc liệu có xảy ra chiến tranh trên trên bán đảo Triều Tiên hay không.
Ông Shin cho biết: "Hôm 14/8, đồng chí Kim Jong Un, Tổng tư lệnh tối cao chỉ huy Quân đội nhân dân Triều Tiên, đã đưa ra tuyên bố nhằm xoa dịu tình hình trên bán đảo Triều Tiên và ngăn chặn cuộc xung đột quân sự nguy hiểm, thì Hoa Kỳ, kẻ đã tập trung lực lượng hạt nhân chiến lược của mình quanh bán đảo Triều Tiên cũng nên đưa ra lựa chọn đúng đắn và thể hiện các quyết định đúng đắn ấy bằng hành động của mình. Họ phải dừng hành động khiêu khích trắng trợn cũng như các áp lực đơn phương".
Theo nhà ngoại giao Triều Tiên, "Hoa Kỳ nên đưa ra quyết định cũng như tư duy hợp lý". "Chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên có xảy ra hay không phụ thuộc vào điều đó" – ông Shin nói.
Đại biện lâm thời Triều Tiên tại Nga khẳng định, rằng Bình Nhưỡng không có ý định thảo luận về chương trình tên lửa hạt nhân của mình nếu như Hoa Kỳ chưa từ bỏ chính sách khiêu khích. Ông Shin nhấn mạnh: "Khi nào Hoa Kỳ còn chưa từ bỏ chính sách khiêu khích và các mối đe dọa hạt nhân chống lại đất nước chúng tôi, chúng tôi sẽ bằng mọi cách không đưa vấn đề tên lửa và vũ khí hạt nhân của chúng tôi lên bàn đàm phán".
Trong một diễn biến khác, ngày 22/8, phái viên của Triều Tiên tại cuộc đàm phán về giải trừ quân bị của Liên hợp quốc (LHQ) Ju Yong Chol tuyên bố sức ép và mối đe dọa quân sự của Mỹ chỉ càng thúc đẩy Triều Tiên phát triển hơn nữa khả năng răn đe hạt nhân của mình.
Quan chức ngoại giao Triều Tiên cho rằng các quốc gia tham gia phiên họp Hội nghị Giải trừ quân bị với những phát biểu chống lại hoạt động thử tên lửa và vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng đã đi theo lập trường "thù địch" Mỹ. Ông Ju Yong Chol cáo buộc Washington âm mưu đổ trách nhiệm cho Bình Nhưỡng về tình trạng căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.
Trong khi đó, đại diện của Mỹ Robert Wood cảnh báo rằng chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên "tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng cho toàn thế giới", đồng thời cho rằng các vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa mới nhất cho thấy hành vi nguy hiểm và liều lĩnh của Bình Nhưỡng đang gây bất ổn cho khu vực và thế giới. Tuy nhiên, ông Wood đồng thời tuyên bố "cánh cửa dẫn tới đối thoại vẫn luôn để ngỏ".
Tình hình bán đảo Triều Tiên đã leo thang kể từ khi Triều Tiên và Hoa Kỳ đưa ra các tuyên bố gay gắt. Triều Tiên cho biết sẽ phóng tên lửa đạn đạo vào đảo Guam, nơi đặt căn cứ không quân Andersen của Mỹ và Căn cứ Hải quân Apra Harbor. Về phần mình, Tổng thống Trump cam đoan rằng, nếu nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un "làm gì đó với đảo Guam, thì Triều Tiên sẽ phải gánh chịu một thứ mà chưa từng thấy trước đây".
Sau đó, vào tuần trước các nhà lãnh đạo của cả hai nước đều muốn xuống giọng. Ông Kim Jong-un cho biết sẵn sàng xem xét hành động của Mỹ trong một thời gian, còn ông Trump cũng nhất trí với tuyên bố này.(Infonet)
---------------------------
Mỹ hoan nghênh sự kiềm chế của Triều Tiên, muốn đối thoại trong tương lai gần
Ông Tillerson trả lời phóng viên về những biện pháp trừng phạt Triều Tiên được thông qua vào 5/8: “Chúng tôi hi vọng đây là khởi đầu của dấu hiệu mà chúng tôi đang mong đợi, đó là họ sẵn sàng kiềm chế căng thẳng, sẵn sàng kiềm chế các hoạt động khiêu khích và có lẽ chúng tôi đang tìm được con đường để đối thoại trong tương lai gần”.
Ngoại trưởng Mỹ cũng bày tỏ sự hài lòng khi Bình Nhưỡng đã cho thấy mức độ kiềm chế chưa từng có trước đây.
“Chúng ta vẫn cần nhiều hơn từ phía Triều Tiên nhưng tôi muốn công nhận các bước tiến mà họ đã đạt được cho tới bây giờ”, ông nói thêm.
Theo Reuters, phát biểu của ông Tillerson nhắm đến đối thoại, dù bộ Ngoại giao Mỹ trước đó nói Triều Tiên còn một con đường dài phải đi trước khi Washington xem xét có nói chuyện hay không.
Triều Tiên đã thực hiện hai thử nghiệm hạt nhân và hàng chục thử nghiệm tên lửa kể từ đầu năm 2016, Washington cho rằng mục tiêu của những cuộc đối thoại trong tương lai phải là phi hạt nhân hóa, điều Bình Nhưỡng luôn từ chối chỉ cần Mỹ duy trì chính sách thù địch giữa hai bên.
Thử nghiệm tên lửa mới nhất của Triều Tiên là thử nghiệm tên lửa đạn đạo lần thứ diễn ra vào 28/7, trong đó lãnh thổ Mỹ bị đặt trong phạm vi mục tiêu, từ đó nổ ra hàng loại đe dọa và phát ngôn khiến căng thẳng bán đảo Triều Tiên lên cao.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng cảnh báo Triều Tiên hồi đầu tháng 8 rằng nếu đe dọa đến Mỹ sẽ phải đối mặt với “lửa và cơn giận” chưa từng có. Bình Nhưỡng đáp lại bằng đe dọa sẽ phóng 4 tên lửa đến đảo Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Tuy nhiên kế hoạch này đã được hoãn lại, với lí do cần quan sát thêm các hoạt động từ Mỹ.(VTC)
------------------------------
Kim Jong Un chĩa chỉ trích sang Anh
Triều Tiên vừa chĩa mũi chỉ trích sang quân đội Anh, gọi họ là "lính đánh thuê" vì trợ giúp Mỹ và Hàn Quốc trong các cuộc tập trận.
Anh và Australia nằm trong số những nước điều quân đến tham gia cùng 70.000 lính Mỹ - Hàn thực hiện cuộc tập trận thường niên mang tên Người Bảo vệ Tự do Ulchi. Sự kiện này kéo dài 10 ngày, bắt đầu từ 21/8.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) lên án cuộc tập trận là hành động tập dượt xâm lược, thậm chí gọi Anh là "chư hầu" của Mỹ.
Mỹ và Hàn Quốc "đã bắt đầu cuộc tập trận chung Người Bảo vệ Tự do Ulchinhắm tới một cuộc tấn công phủ đầu vào Triều Tiên. Thậm chí những kẻ đánh thuê từ 7 quốc gia chư hầu, trong đó có Australia và Anh, cũng tham gia cùng chúng. Tình hình trên bán đảo Triều Tiên đã lao vào một giai đoạn nguy hiểm do cuộc chiến liều lĩnh chĩa về hướng bắc của những kẻ điên chiến tranh", KCNA viết.
KCNA không viết hoa tên nước Hàn Quốc trong bất kỳ thông điệp nào đưa ra. Triều Tiên cũng cảnh báo Hàn Quốc và Mỹ đang đổ thêm dầu vào lửa.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tăng cao trong thời gian qua, đặc biệt giữa Bình Nhưỡng và Washington. Tổng thống Trump cảnh báo Triều Tiên sẽ đối mặt với "lửa và sự cuồng nộ" mà thế giới chưa từng thấy nếu nước này tiếp tục đe dọa Mỹ. Phía Bình Nhưỡng dọa sẽ nã tên lửa vào đảo Guam.
Trong một bài xã luận, báo Rodong Sinmun của Triều Tiên tuyên bố: "Cuộc tập trận chung là biểu hiện rõ ràng nhất về sự thù địch chống lại chúng tôi, và không ai có thể đảm bảo cuộc tập trận không biến thành chiến đấu thực sự".(VietnamNet)