Philippines có nguy cơ trở thành một thành trì mới của IS tại châu Á; Lục quân Ấn Độ sẽ tiếp nhận hệ thống tên lửa nội địa gần 3 tỷ USD; Nga và Nhật phối hợp khảo sát hoạt động kinh tế ở quần đảo tranh chấp; Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích Đức về mức chi tiêu quân sự
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trưa 31-05-2017
- Cập nhật : 31/05/2017
Liên tiếp thử tên lửa: Triều Tiên tạo chiếc ô hạt nhân
Bình luận về vụ phóng tên lửa đạn đạo mới nhất của Triều Tiên, các chuyên gia Nga cho rằng đây là một phần của cuộc đua hoàn thành "chiếc ô hạt nhân" đa tầng để Bình Nhưỡng đối phó với các mối đe dọa từ Mỹ và các đồng minh.
Theo Sputnik, kể từ năm 2006, Bình Nhưỡng đã thực hiện năm vụ thử hạt nhân và hàng loạt vụ phóng tên lửa, trong đó có cả tên lửa phóng từ tàu ngầm (SLBM). Nhiều chuyên gia quân sự Nga tin rằng vụ phóng thử tên lửa sáng 29-5 của Triều Tiên cho thấy Bình Nhưỡng đã sẵn sàng đưa toàn bộ các loại tên lửa đạn đạo vào phục vụ, có khả năng tấn công một loạt mục tiêu ở mọi tầm bắn.
Một vụ phóng thử tên lửa Pukguksong-2 của Triều Tiên. Ảnh: KCNA
Bao phủ mọi tầm bắn
Tên lửa đạn đạo được Bình Nhưỡng phóng sáng ngày 29-5 được xác định là Scud-B, một loại tên lửa tương tự tên lửa đạn đạo chiến thuật R-17 Elbrus sản xuất từ thời Liên Xô.
Tầm bắn của R-17 Elbrus dao động từ 50 km đến 550 km, có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân có sức công phá từ 10 kiloton đến 550 kiloton. Điều đáng chú ý là, nhờ sử dụng ba con quay hồi chuyển nên hệ thống dẫn đường của tên lửa R-17 có sai số trượt mục tiêu (CEP- Circular Error of Probability) chỉ ở khoảng 450m.
Nói cách khác, đây là một loại vũ khí rất uy lực, không chỉ rất chính xác mà còn có khả năng gây tổn thất nghiêm trọng khi được sử dụng nhắm vào các lực lượng trên bộ hoặc một khu vực thành thị, theo các chuyên gia.
Các chuyên gia lưu ý, trước vụ phóng tên lửa Scud, Triều Tiên đã cho phóng thử hàng loạt tên lửa hiện đại khác. Hôm 14-5, quân đội Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwangson-12. Tên lửa này có tầm bắn lên tới 5.000 km. Một tuần sau đó, ngày 21-5, khu vực Đông Bắc Á lại chấn động với vụ thử tên lửa đạn đạo chiến lược đất đối đất Pukguksong-2 thành công. Tên lửa này có thể vươn tới mục tiêu nằm ở khoảng cách hơn 500 km.
Tên lửa đạn đạo chiến thuật R-17 Elbrus. Ảnh: Sputnik
“Triều Tiên từng nói tên lửa Pukguksong-2 có thể mang theo đầu đạn hạt nhân. Tên lửa này cũng có thể được phóng từ một phương tiện phóng di động và sử dụng công nghệ nhiên liệu rắn mà các chuyên gia đánh giá sẽ giúp tên lửa khó bị phát hiện và phóng đi trong thời gian ngắn” – tờ The New York Times cho biết.
Các chuyên gia không loại trừ khả năng trong vài tuần tới thế giới sẽ chứng kiến một vụ phóng thử tên lửa Taepodong-2 được cho là tên lửa đạn đạo chính của Triều Tiên. Tầm bắn của tên lửa này lên tới 7.000 km.
Chiến lược phòng thủ
Có vẻ như nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang làm hết sức mình để đẩy nhanh quá trình ra mắt các tên lửa mới có trong kho vũ khí của đất nước này. Các chuyên gia chỉ ra rằng ba vụ thử tên lửa diễn ra trong ba tuần liên tiếp là ba tên lửa đạn đạo khác nhau. Điều này có thể được xem là giai đoạn cuối của quá trình xây dựng các lớp phòng thủ.
Theo một số chuyên gia, Bình Nhưỡng hiện xem Mỹ và các đồng minh ở khu vực châu Á -Thái Bình Dương là mối đe dọa trực tiếp. Đó là lý do Triều Tiên nỗ lực tạo ra một chiếc ô hạt nhân đa tầng để phòng thủ càng sớm càng tốt.
Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Sputnik, chuyên gia quân sự Nga Mikhail Khodaryonok đặc biệt lưu ý tới giải pháp quân sự mà Washington nhiều lần đe dọa sử dụng để giải quyết vấn đề tên lửa của Triều Tiên.
“Hiện nay thời gian càng kéo dài càng có lợi cho ông Kim Jong-un. Ông Kim càng có nhiều loại tên lửa đạn đạo khác nhau thì Washington càng gặp khó khăn hơn để sử dụng giải pháp quân sự. Triều Tiên đang cố thiết lập phòng tuyến bảo vệ đất nước mình càng nhanh càng tốt. Từ góc nhìn quân sự và quan điểm chiến lược, đây là cách duy nhất giải thích cho hành vi hiện tại của Bình Nhưỡng” – chuyên gia Khodaryonok nói.
Về phần mình, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov giải thích rằng một trong những lý do Bình Nhưỡng thúc đẩy chương trình tên lửa của nước này và do Hàn Quốc và Nhật Bản có ý định gia nhập hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu mà Mỹ đang ra sức phát triển.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố sẽ có Mỹ "một món quà lớn". Ảnh: Reuters
Franz Klintsevich, phó chủ tịch thứ nhất của Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Thượng viện Nga, nêu ý kiến rằng cách tốt nhất để hạ nhiệt căng thẳng trong khu vực là Mỹ và Triều Tiên ký một hiệp ước hòa bình.
“Việc ký kết một hiệp ước hòa bình giữa Washington và Bình Nhưỡng sẽ là cách tốt nhất, là điều có lợi cho các bên và sẽ góp phần vào một thế giới an toàn. Bằng cách ký hiệp ước, người Mỹ cũng sẽ có thể chứng tỏ rằng các hành động của họ trên bán đảo Triều Tiên không nhằm chống lại Nga hay Trung Quốc. Xét đến tâm lý của người Triều Tiên và tình hình bên trong nước này, Mỹ nên là nước mở lời trước” – ông Klintsevich nói.(PLO)
-------------------------
Ông Kim Jong-un: Triều Tiên sẽ có 'món quà lớn' cho Mỹ
Theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), đích thân nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã giám sát vụ phóng thử “một tên lửa đạn đạo có công nghệ dẫn đường mục tiêu, đủ khả năng thực hiện một đòn tấn công với độ chính xác cực lớn”.
KCNA cho biết ông Kim Jong-un "tự tin rằng vụ thử là một bước nhảy vọt trong nỗ lực phát triển các “món quà lớn hơn” để sẵn sàng gửi đến Mỹ”. Nhà lãnh đạo Triều Tiên khẳng định nước này sẽ tiếp tục phát triển thêm nhiều vũ khí mạnh hơn nữa để bảo vệ đất nước trước sự đe dọa từ Mỹ.
“Mỗi khi tin tức về các thắng lợi to lớn của chúng ta được loan báo rộng rãi, quân Mỹ sẽ phải thêm lo lắng và chính quyền bù nhìn Hàn Quốc sẽ ngày càng mất tinh thần” - KCNA dẫn lời nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Ảnh chụp vụ thử tên lửa Hwasong-2 vào ngày 14-5 của Triều Tiên. Ảnh: KCNA
KCNA cho biết: “Tên lửa đạn đạo bay về hướng Đông khi trời vừa sáng. Sau khi bay được cự ly tầm trung, tên lửa đã bắn trúng một điểm mục tiêu giả định với sai số khoảng 7 m”.
Truyền thông Bình Nhưỡng cũng tuyên bố thử nghiệm thành công các công nghệ mới, gồm hệ thống dẫn đường tên lửa độ chính xác cao và quy trình phóng tên lửa nhanh.
Trước đó, vào hơn 5 giờ sáng 29-5 (giờ địa phương), Triều Tiên đã bắn thử một tên lửa đạn đạo tầm ngắn loại Scud từ khu vực lân đận TP Wonsan, bờ Đông nước này, theo Yonhap. Các cơ quan tình báo Hàn Quốc và Mỹ cho rằng tên lửa Scud đã bay được khoảng 450 km trước khi rơi xuống biển Nhật Bản.
Phía KCNA đưa tin cho biết vụ phóng thử tên lửa nhằm “kiểm chứng khả năng bay ổn định của tên lửa có trang bị đầu đạn và được lắp hệ thống cánh điều khiển trong điều kiện bay thực tế”. Tên lửa cũng được trang bị thêm hệ thống dẫn đường độ chính xác cực cao phiên bản cải tiến, nhằm phục vụ cho công nghệ “tái xâm nhập” bầu khí quyển cho tên lửa đạn dạo, KCNA cho biết.(PLO)
-------------------------------
Hàn Quốc sẽ dùng mọi biện pháp để đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 30/5 cho biết chính phủ mới của ông sẽ sử dụng mọi biện pháp có thể để đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán, đồng thời nhấn mạnh mục tiêu của các lệnh trừng phạt quốc tế hiện nay cũng là nhằm kéo Triều Tiên quay lại các cuộc hòa đàm.
Phát biểu trong cuộc điện đàm với Thủ tướng New Zealand Bill English, ông Moon Jae-in cho rằng cần tiếp tục gây sức ép và trừng phạt Triều Tiên thông qua hợp tác chặt chẽ và mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế, song khẳng định: "Mục đích cuối cùng của các biện pháp trừng phạt và gây sức ép là đưa Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán về phi hạt nhân hóa". Ông cho biết thêm rằng chính phủ mới ở Hàn Quốc có kế hoạch tiến hành đàm phán song song với thực thi các lệnh trừng phạt và gây sức ép.
Nhận định trên nhằm trả lời câu hỏi của Thủ tướng English về việc liệu Seoul có ý định thay đổi chính sách của mình trong việc đối phó với Bình Nhưỡng hay không sau khi chính quyền mới của Tổng thống Moon nhậm chức.
Bên cạnh vấn đề Triều Tiên, hai lãnh đạo cũng đã thảo luận về tăng cường quan hệ thương mại và kinh tế. Trong một diễn biến liên quan, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết các nhà ngoại giao cao cấp của Hàn Quốc và Canada đã nhất trí hợp tác với nhau trong nỗ lực phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
Tại cuộc hội đàm giữa Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Lim Sung-nam và người đồng cấp Canada Ian Shugart tổ chức ngày 30/5, hai bên đã thảo luận về bước tiến hạt nhân của Triều Tiên, quan hệ liên Triều và sự phối hợp song phương trong hợp tác kinh tế.
Ông Lim kêu gọi Canada tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ nỗ lực của Hàn Quốc trong việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên thông qua “mọi phương cách có thể”, kể cả trừng phạt và đối thoại. Về phần mình, Thứ trưởng Ngoại giao Canada tái khẳng định sự hợp tác mạnh mẽ mà Chính phủ Canada dành cho Hàn Quốc.
Hai bên cũng thảo luận cách tăng cường hơn nữa mối quan hệ kinh tế theo thỏa thuận tự do thương mại được ký kết năm 2014. Ngoài ra, ông Shugart còn nói ông kỳ vọng sự giao lưu giữa hai nước sẽ trở nên tích cực hơn nữa nhân dịp Hàn Quốc đăng cai tổ chức Đại hội thể thao mùa Đông PyeongChang 2018.(TTXVN)
----------------------------
Hàn Quốc và Nhật Bản nhất trí gây sức ép mạnh với Triều Tiên
Phủ tổng thống Hàn Quốc ngày 30/5 cho biết Tổng thống Moon Jae-in và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 30/5 đã nhất trí cần phải áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt và gây sức ép với Triều Tiên.
Người phát ngôn Tổng thống, ông Park Soo - Hyun cho biết hai nhà lãnh đạo này đạt được sự nhất trí trên trong cuộc điện đàm kéo dài 20 phút, diễn ra một ngày sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử tên lửa đạn đạo.
Theo quan chức này, ông Moon Moon Jae-in nhấn mạnh rằng mục đích cuối cùng của các biện pháp trừng phạt và sức ép là đưa Bình Nhưỡng trở lại với các cuộc thương lượng về việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn.
Theo Tổng thống Hàn Quốc, cộng đồng quốc tế một mặt phải đối phó mạnh mẽ, mặt khác phải tiếp tục đưa ra thông điệp rằng đối thoại chỉ có thể diễn ra nếu Triều Tiên từ bỏ việc phát triển hạt nhân.
Trong khi đó, ngày 30/5, Triều Tiên tuyên bố vụ thử tên lửa đạn đạo nước này tiến hành một ngày trước đó rơi xuống biển Nhật Bản là thành công.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã trực tiếp chỉ đạo vụ thử tên lửa được kiểm soát bằng hệ thống dẫn đường chính xác, đồng thời ra lệnh tăng cường phát triển các loại vũ khí chiến lược có sức mạnh lớn hơn.
Bất chấp những cảnh báo của Liên hợp quốc và sự đe dọa của Mỹ, Triều Tiên vẫn tiến hành vụ thử tên lửa đạn đạo thứ ba trong vòng 3 tuần (Vietnam+)