Đằng sau phiên tòa xét xử cựu Thủ tướng Yingluck và những nước cờ chính trị ở Thái Lan; Trung Quốc đối mặt "phép thử thật sự"; Saudi Arabia cấm 400.000 người hành hương bất hợp pháp vào thánh địa Mecca; Nga chưa tập trận, NATO lo xa
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trưa 31-08-2017:
- Cập nhật : 31/08/2017
Liệu Mỹ dám bắn hạ tên lửa Triều Tiên trong lần tới?
Các quan chức Mỹ lo lắng việc Triều Tiên bắn tên lửa ngang qua Nhật Bản có thể gây áp lực khiến Washington cân nhắc đánh chặn các tên lửa khác trong tương lai.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (giữa) được cho là đang cười nhạo vào những đe dọa từ Mỹ và đồng minh - Ảnh: REUTERS
Theo hãng tin Reuters, một quan chức Mỹ dự báo khả năng Washington đánh chặn tên lửa Triều Tiên đang rất cao sau vụ phóng thử “táo bạo” nhất từ trước đến nay của Bình Nhưỡng vào sáng sớm hôm thứ Ba (29-8).
Một quyết định như vậy, theo vị quan chức này, là không thể xem nhẹ trong bối cảnh bán đảo Triều Tiên đã căng như dây đàn. Nó báo hiệu một sự leo thang nguy hiểm với Bình Nhưỡng.
Nếu đánh chặn thì chiến tranh sẽ bùng nổ
Trước đó, dù Tổng thống Donald Trump nhiều lần dọa “mọi phương án đã nằm trên bàn”, nhưng đến nay vẫn chưa có dấu hiệu thay đổi nào trong chính sách can thiệp quân sự của Washington.
Nhưng vụ phóng tên lửa tầm trung Hwasong-12 qua vùng trời đảo Hokkaido vừa qua cho thấy giọng điệu cứng rắn và những màn phô diễn quân sự của ông Trump không ảnh hưởng mấy đến nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis từng thề quân đội Mỹ sẽ bắn hạ bất cứ tên lửa nào gây nguy hiểm đến vùng lãnh thổ Mỹ hoặc đồng minh.
Ông Kim Jong Un đã trêu tức người Mỹ và người Nhật bằng vụ thử tên lửa này” Ông David Shear - cựu trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ về Đông Á
Bảo vệ lãnh thổ Mỹ là điều hiển nhiên, nhưng điều duy nhất chưa rõ là liệu Washington có sẵn sàng đánh chặn tên lửa giống như quả đã bay ngang vùng trời Nhật Bản hôm thứ Ba không.
Điều này giống với việc Mỹ phô diễn sức mạnh hơn là một hành động tự vệ.
“Tôi cho rằng trong các cuộc thảo luận của chính phủ đó sẽ là một trong các phương án đã chuẩn bị trước” - ông David Shear, cựu trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ về Đông Á, dự đoán.
Một số nhà phân tích nhận xét có nguy cơ Triều Tiên sẽ xem việc Mỹ đánh chặn tên lửa là hành động khơi mào chiến tranh và sẽ tiến hành trả đũa quân sự. Hậu quả sẽ rất khủng khiếp đối với Hàn Quốc và Nhật.
Đó là chưa kể Trung Quốc - đồng minh chính của Triều Tiên, sẽ phản đối cách Mỹ hành xử.
Ở một khía cạnh khác, các chuyên gia nói không có gì bảo đảm các hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ như Aegis và THAAD sẽ bắn trúng mục tiêu dù những lần thử nghiệm gần đây đều thành công.
Mỹ đã chi 40 tỉ USD trong 18 năm qua để phát triển các hệ thống này, nhưng chúng chưa lần nào hoạt động trong điều kiện chiến tranh.
Một sự thất bại sẽ làm bẽ mặt nước Mỹ và càng khiến Triều Tiên tự tin hơn. Chỉ trong năm nay, Bình Nhưỡng đã hai lần thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đủ sức bắn tới tận lục địa Mỹ.
Hệ thống phòng thủ của Nhật còn yếu ớt
Ngày 29-8, Chính phủ Nhật Bản khẳng định nước này đã có những bước đi cần thiết để đối phó với mối đe dọa tên lửa của Triều Tiên.
Tuy nhiên, việc tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng bay vèo qua khu vực lãnh thổ phía Bắc Nhật Bản đã chứng tỏ các hạn chế về khả năng sẵn sàng của Tokyo để đối phó với các vụ phóng hết sức khó lường như vậy.
Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) đã không có hành động nào để chặn tên lửa dù Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera có khẳng định đã đưa ra quyết định không bắn hạ vì dữ liệu radar loại trừ khả năng tên lửa rơi xuống Nhật Bản.
Bất chấp sự đảm bảo từ giới lãnh đạo, Tướng Hiroaki Maehara - Tư lệnh phòng không Nhật Bản phụ trách các chiến dịch phòng thủ tên lửa, lại thừa nhận thời điểm diễn ra vụ phóng “hoàn toàn gây bất ngờ”.
Nhật Bản có hơn 30 hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không PAC-3 được triển khai trên khắp cả nước. Mỗi hệ thống có phạm vi bao phủ hàng chục km.
Trong khi chính phủ lên kế hoạch ra mắt hệ thống đánh chặn có khả năng bao phủ gấp đôi thì hệ thống hiện tại không đủ để bảo vệ toàn bộ lãnh thổ đất liền của Nhật Bản, và SDF đã điều chỉnh các vị trí của hệ thống phòng thủ để chuẩn bị cho các tình huống bất ngờ khi tên lửa rơi xuống vì lí do trục trặc hoặc vì các lí do khác.
Hồi đầu tháng này, sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố đang cân nhắc phóng thử các tên lửa đạn đạo bay qua Nhật Bản, hướng tới vùng lãnh thổ Guam của Mỹ ở ngoài khơi Thái Bình Dương, một số đơn vị PAC-3 đã được chuyển tới 4 khu vực ở phía Tây Nhật Bản dọc theo quỹ đạo bay của tên lửa.
Tuy nhiên, tên lửa mà Triều Tiên phóng sáng sớm 29-8 lại đi theo hướng hoàn toàn khác, đi qua mũi Erimo của đảo cực Bắc Hokkaido và rơi xuống biển cách mũi này 1.180 km về phía Đông.
Trẻ em Nhật học cách sơ tán khi có tấn công bằng tên lửa từ bên ngoài - Ảnh: REUTERSBất kể việc chúng ta (người Nhật) tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa mạnh đến cỡ nào thì vẫn sẽ có lỗ hổng. Mối đe dọa sẽ không chấm dứt”Một quan chức của Nhật
Tướng Maehara đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc bố trí các hệ thống phòng thủ gần các khu vực tên lửa có thể rơi, cho rằng “PAC-3 cần được triển khai ở đúng vị trí và đúng thời điểm”.
Tại Hokkaido, hiện chỉ có duy nhất một nhóm hệ thống phòng thủ tên lửa bố trí ở căn cứ Chitose của ASDF, cách mũi Erimo 160 km. Dường như Tokyo không đủ thời gian để đưa vào các đơn vị phòng thủ khác.
Trong khi đó, một quan chức của Bộ Quốc phòng Nhật Bản đưa ra nhận định rất đáng chú ý: việc Triều Tiên phóng tên lửa hôm 29-8 từ một vị trí chưa từng được sử dụng trước đây là Sunan gần thủ đô Bình Nhưỡng, có thể là dấu hiệu cho thấy nước này đang thử khả năng tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu bất ngờ. (Tuoitre)
-----------------------
Hàn Quốc thả 8 quả bom nặng gần biên giới Triều Tiên để phô diễn 'lực lượng áp đảo'
Quân đội Hàn Quốc vừa thả 8 quả bom nặng gần biên giới với Triều Tiên trong một chương trình mà giới truyền thông địa phương gọi là "lực lượng áp đảo" sau vụ thử tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ra lệnh vụ ném bom bằng 4 máy bay F-15K ở phía Đông Hàn để "thể hiện khả năng trừng phạt" Triều Tiên nếu nước này tấn công.
Bom đa dụng MK-84 là một loại vũ khí nặng 907 kg có thể thâm nhập 11 m đất và 3,35 m bê tông. Hàn Quốc cho biết cả 8 quả bom đều đạt mục tiêu ở khu vực bắn thử trên đất Hàn.
Cơ quan thông tấn Yonhap cho biết Seoul muốn cho thấy khả năng áp đảo người láng giềng hung hăng trong trường hợp xung đột nổ ra.
Hàn Quốc phát hành một đoạn phim bắn thử tên lửa sau vụ thử của Triều Tiên
Việc Triều Tiên bắn thử tên lửa đạn đạo tầm trung bay qua đảo Hokkaido ở phía Bắc Nhật Bản bị Tokyo lên án là một "mối đe dọa chưa từng có, nguy hiểm và nghiêm trọng" cho khu vực. "Chúng tôi sẽ làm hết sức để bảo vệ cuộc sống của người dân", thủ tướng Nhật Shinzo Abe khẳng định.
Trong một động thái bất thường, quân đội Hàn Quốc phát hành đoạn phim quay lại vụ thử tên lửa của nước này được cho là tiến hành vào tuần trước. Các thước phim cho thấy 2 loại tên lửa mới có tầm bắn 800 km và 500 km được bắn ra từ bệ phóng trên xe tải trong 3 cuộc thử nghiệm được thực hiện vào ngày 24/8.
Cơ quan Phát triển Quốc phòng Hàn Quốc cho biết đây là đợt bắn thử mới nhất cho tên lửa tầm xa trước khi đưa vào hoạt động.(NDH)
-----------------------------
Logic của Triều Tiên
Những vụ thử tên lửa của Triều Tiên buộc Mỹ và các đồng minh châu Á hợp tác chặt chẽ hơn - đây là điều Trung Quốc không muốn!
Vụ thử tên lửa mới nhất hôm 29-8 tiếp tục báo hiệu một diễn biến đáng lo ngại về năng lực vũ khí của Triều Tiên và cuộc khủng hoảng ở Đông Bắc Á.
Gây rạn nứt chính trị
Theo đánh giá của cộng đồng tình báo Mỹ, Bình Nhưỡng đang trên đường thu nhỏ vũ khí hạt nhân trong lúc dần mở rộng tầm bắn của tên lửa. Chưa hết, vụ phóng nêu trên còn được xem là hành động khiêu khích nhất của Triều Tiên trong những năm gần đây bởi tên lửa bay ngang qua lãnh thổ Nhật Bản.
Binh sĩ Hàn Quốc tham gia cuộc tập trận Người bảo vệ tự do Ulchi với lực lượng Mỹ ở Yongin hôm 29-8 Ảnh: Reuters
Dù Bình Nhưỡng chưa hiện thực hóa lời đe dọa phóng tên lửa đến đảo Guam - lãnh thổ thuộc Mỹ trên Thái Bình Dương - nhưng hành động mới nhất này cho thấy Tổng thống Donald Trump có lẽ đã quá vội vàng khi đưa ra nhận định Triều Tiên "bắt đầu tôn trọng chúng ta" vào tuần rồi.
Nhiều nhà phân tích cho rằng luôn có thứ logic nào đó đằng sau hành vi của Bình Nhưỡng và vụ thử trên có lẽ cũng không là ngoại lệ. Viết trên tờ The San Diego Union-Tribune, ông Stephan Haggard, chuyên gia tại Trường ĐH California San Diego (Mỹ), lập luận nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã tập trung nhiều cho việc phát triển kinh tế sau khi nắm quyền vào cuối năm 2011. Điều này đòi hỏi Triều Tiên phải theo chân các nước khác ở châu Á trong việc hội nhập thành công vào những thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, đây là điều không thể trong bối cảnh Bình Nhưỡng bị cộng đồng quốc tế trừng phạt, trong đó có cả đồng minh thân cận Bắc Kinh. Ông Kim Jong-un chắc chắn hiểu rõ điều đó nên hy vọng duy nhất của nhà lãnh đạo này là gây ra rạn nứt chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản. Phóng tên lửa chính là một trong những cách thức hiệu quả để làm điều này.
Theo lý giải của ông Haggard, những vụ thử như thế buộc Mỹ và các đồng minh châu Á hợp tác chặt chẽ hơn. Đây là điều Trung Quốc không muốn thấy chút nào.
Ít lựa chọn
Tại Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe gọi vụ phóng mới nhất là "mối đe dọa nghiêm trọng và chưa từng có tiền lệ". Những hành động khiêu khích như thế có thể giúp ích cho mục tiêu tăng cường sức mạnh quân sự đang được ông Abe theo đuổi.
Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in không chỉ lên án vụ phóng mà còn nhanh chóng ra lệnh diễn tập ném bom gần biên giới với Triều Tiên. Những phản ứng như thế dĩ nhiên khiến Trung Quốc lo ngại và không có gì lạ khi giới chức nước này quay trở lại "lập trường nước đôi" là kêu gọi tất cả các bên kiềm chế.
Phản ứng của Tổng thống Donald Trump trước vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên là "mọi lựa chọn vẫn còn nằm trên bàn". Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là ông chủ Nhà Trắng đang thật sự có bao nhiêu lựa chọn khả dĩ? Với ông James Clapper, cựu Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ, câu trả lời là "rất ít". Trả lời đài CNN hôm 29-8, ông Clapper cho rằng giải pháp khả dĩ duy nhất lúc này là đàm phán - khá giống với đánh giá "không có giải pháp quân sự nào cho vấn đề Triều Tiên" được ông Steve Bannon đưa ra trước khi rời vị trí chiến lược gia trưởng Nhà Trắng.
Dù vậy, theo tờ The Washington Post, động thái nêu trên cho thấy Triều Tiên không chỉ thách thức lời đe dọa của Washington mà còn bác bỏ đề nghị đối thoại được Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đưa ra gần đây. Vụ phóng mới nhất chưa đủ nghiêm trọng để dẫn đến sự đáp trả mạnh mẽ của Washington nhưng vừa đủ khiêu khích để chứng tỏ Bình Nhưỡng sẽ không lùi bước trước sức ép bên ngoài. Nó cũng có thể là lời cảnh báo gửi đến Mỹ rằng Triều Tiên có khả năng tấn công dễ dàng các cơ sở quân sự của Mỹ ở đảo Guam hoặc bất kỳ đâu tại vùng Thái Bình Dương.
Nói thế không có nghĩa là cánh cửa đối thoại đã hoàn toàn đóng sập, một phần vì, theo đài BBC, Triều Tiên vẫn có những thứ muốn đạt được, như: thỏa thuận hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, phát triển kinh tế, cam kết không tìm cách thay đổi chế độ của Mỹ… Ngay cả Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc dù lên án vụ phóng mới nhất cũng không cho thấy dấu hiệu sẵn sàng tăng cường trừng phạt Triều Tiên hơn nữa. Mục tiêu cuối cùng của nỗ lực đàm phán là cần tránh kết cục xấu nhất và ủng hộ giải pháp ít tồi tệ nhất. Vấn đề còn lại là liệu chính quyền Tổng thống Donald Trump có khả năng xử lý cuộc khủng hoảng này và Triều Tiên có thực sự sẵn lòng thương lượng hay không. (NLĐ)