Tin tức Biển Đông 2017. Cập nhật liên tục tin tức Biển Đông. Thông tin về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Thông tin về hoạt động, hành xử của các bên về vấn đề BIển Đông. Chuyên gia Mỹ đề xuất kiềm chế Trung Quốc như với Liên Xô
Tròn 50 năm kể từ ngày thành lập, ASEAN đứng trước thách thức nặng nề
- Cập nhật : 28/03/2017
Theo tạp chí The Nation (Thái Lan), trong bối cảnh ASEAN chuẩn bị kỷ niệm 50 năm ngày thành lập, họ phải tìm cách đối phó những vấn đề quan trọng để khẳng định tầm ảnh hương của mình trên trường quốc tế.
Trước tiên, ASEAN phải xem xét lại vai trò của Mỹ trong khu vực cũng như trên thế giới. Trong vòng 70 năm qua, Mỹ là một trụ cột của nền kinh tế thế giới cũng như là lực lượng đảm bảo an ninh toàn cầu. Thế nhưng với việc một chính quyền Mỹ mới vừa xuất hiện, Washington rất có thể sẽ đảo ngược những giá trị thường thấy trong khu vực.
Tổng thống Obama cùng các quan chức cấp cao ASEAN trong Hội nghị Cấp cao ASEAN - Mỹ diễn ra vào năm ngoái.
Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa hề có phát biểu nào về khu vực Đông Nam Á. Ông và những thành viên nội các của mình mới chỉ có những cuộc hội đàm đơn giản với một số nguyên thủ quốc gia ASEAN và một số quan chức cấp cao. Hiện nay, ngoại trưởng các nước ASEAN đều tỏ ra thất vọng khi những chính sách đối ngoại của Nhà Trắng đối với ASEAN đều không rõ ràng.
Kể từ sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, Mỹ luôn thực hiện nhiều biện pháp để khẳng định và bảo đảm quan hệ với các nước ASEAN. Giờ đây với sự phát triển của Trung Quốc, ASEAN đang nóng lòng muốn biết Mỹ sẽ làm gì tiếp theo. Thế nhưng, đây là lần đầu tiên sau 3 thập kỷ ASEAN hoàn toàn không nhận được bất kỳ tín hiệu rõ ràng nào từ Mỹ.
Nguyên thủ các nước ASEAN giờ đây lo ngại rằng ông Trump sẽ từ bỏ những chính sách mà người tiền nhiệm của ông đã làm. Các ngoại trưởng ASEAN đã nhất trí tổ chức một cuộc họp đặc biệt với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson để bàn về quan hệ giữa Mỹ và các nước trong tương lai vào thời gian sớm nhất có thể.
Các nước ASEAN sẽ tổ chức cuộc họp cấp cao lần thứ 30 vào tháng 4 tới với mục đích tìm ra được một chiến lược chung trước tình hình hiện tại, trước khi các quan chức cấp cao ASEAN và Mỹ sẽ có một hội nghị lớn diễn ra vào tháng 5.
Vai trò của nước chủ tịch ASEAN là Philippines sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển quan hệ giữa ASEAN và Mỹ. Manila đã nỗ lực để đảm bảo rằng Tổng thống Trump sẽ có mặt tại Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 12 và Hội nghị Cấp cao ASEAN – Mỹ lần thứ 5, và bản thân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với ông Trump.
Dưới thời Tổng thống Duterte, Philippines đã từ bỏ chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc và thiên về đàm phán nhiều hơn so với trước đây. Tuy nhiên trước đây ông Duterte đã nhiều lần có những phát ngôn chỉ trích đồng minh Mỹ và đã đe dọa sẽ cắt đứt quan hệ hợp tác quốc phòng với Washington.
Rất nhiều người nghi ngờ việc liệu Philippines có thể lãnh đạo ASEAN và đảm bảo vị trí trung lập của mình trong cuộc chạy đua giữa hai cường quốc hay không. Ông Duterte cần phải hiểu rằng ASEAN không bao giờ được chọn phe và có thỏa thuận ngầm với bất kỳ quốc gia nào.
Trong khi đó, chiến lược chống các băng nhóm buôn ma túy gây tranh cãi của ông tại Philippines đang khiến ông Duterte phải nhận nhiều chỉ trích trong và ngoài nước. Nếu kéo dài, vấn đề này có thể ảnh hưởng đến quyền lực của ông cũng như vị thế chủ tịch ASEAN của Philippines.
Đây là điều đã từng xảy ra đối với Thủ tướng Malaysia Najib Razak khi Malaysia đang là nước Chủ tịch ASEAN. Từng được coi là một nhà lãnh đạo nhiều kinh nghiệm, am hiểu các vấn đề về ASEAN, song sau khi bị phát hiện có dính líu đến bê bối rửa tiền vào năm 2015, uy tín của ông đã bị giảm sút nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, ASEAN phải xây dựng quan hệ hợp tác sâu rộng hơn nữa giữa các thành viên nhằm hướng tới việc biến cộng đồng này thành một trong những thế lực kinh tế hàng đầu thế giới. Trong lúc Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương đã bị đóng băng, ASEAN phải thúc đẩy thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tếToàn diện Khu vực (RCEP) như một giải pháp thay thế.
Để vượt qua tình trạng bất định hiện tại, ASEAN phải đảm bảo mối quan hệ giữa các nước phải bền vững. Nếu nền kinh tế và ảnh hưởng chính trị của các nước phát triển không đồng đều, việc đảm bảo mối liên kết giữa các nước sẽ ngày càng khó hơn. Dù vậy, điểm mạnh và điểm yếu của các nước ASEAN thường bù trừ cho nhau và vì vậy ASEAN ngày càng trở thành một đối tác đáng tin cậy và có ảnh hưởng lớn trên thế giới.
Anh Tuấn (lược dịch)
Theo Infonet.vn