Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chia sẻ quan điểm chung về tranh chấp trên Biển Đông tại cuộc gặp ở Bangkok vào ngày 21.3.
Tờ Yomiuri Shimbun Nhật Bản mới đây cho hay, để ứng phó với hoạt động khảo sát đáy biển của Trung Quốc ở biển Hoa Đông, Nhật Bản đã quyết định chế tạo tàu đo đạc cỡ lớn mới để thu thập số liệu khoa học mới nhằm đối phó với đề nghị mở rộng thềm lục địa của Trung Quốc.
Tàu đo đạc mới sẽ dài khoảng 100 m, trọng tải khoảng 4.000 tấn. Chi phí chế tạo dự tính trên 15 tỷ yên, có kế hoạch hạ thủy vào năm tài khóa 2019.
Ngoài tiến hành khảo sát đất ở đáy biển, tàu đo đạc còn có kế hoạch thả tàu lặn không người lái xuống đáy biển, sử dụng cánh tay người máy để thu thập các vật chất ở đáy biển.
Theo thống kê của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản, trong giai đoạn từ năm 2012 – 2016, Trung Quốc đã tiến hành tổng cộng 63 cuộc khảo sát đáy biển ở vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản trên biển Hoa Đông.
Các hoạt động khảo sát của Trung Quốc diễn ra liên tục như vậy rõ ràng nhằm mục đích đề nghị với Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên hợp quốc mở rộng thềm lục địa của Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, mở rộng quyền lợi biển.
Năm 2012, Trung Quốc đề nghị lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên hợp quốc mở rộng phạm vi thềm lục địa đến rãnh biển Okinawa và nhiều lần tiến hành khảo sát ở khu vực xung quanh đảo Senkaku.
Về vấn đề mở rộng thềm lục địa, nếu các nước liên quan đưa ra ý kiến phản đối, Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên hợp quốc sẽ không tiến hành xem xét. Trong khi đó, Nhật Bản đã đưa ra phản đối với đề nghị mở rộng thềm lục địa của Trung Quốc.
Phong Vân
Theo Viettimes.vn