Tư lệnh hạm đội Mỹ ở Thái Bình Dương khẳng định chính quyền Mỹ không thay đổi quan điểm cứng rắn ở Biển Đông do ảnh hưởng của vấn đề Triều Tiên.
Trung Quốc đang làm gì ở vịnh Aden?
- Cập nhật : 07/05/2017
Cuối tháng trước, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc (TQ) Dương Vũ Quân khẳng định TQ vẫn tiếp tục triển khai công tác hộ tống trên vịnh Aden.
Tân Hoa xã đưa tin trong tháng 4, biên đội hải quân TQ đã giải cứu hai tàu nước ngoài bị cướp biển Somalia bắt cóc.
Trả lời trang tin Atlantico về vấn đề này, tướng Jean-Vincent Brisset, Giám đốc Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược (Pháp), ghi nhận quả thật gần đây TQ đã tăng cường triển khai các phương tiện quân sự ngoài lãnh thổ.
Đầu năm 2009, TQ triển khai ba tàu chống cướp biển đến vịnh Aden. Sau đó, chiến dịch lớn đầu tiên ngoài lãnh thổ của TQ là sơ tán 36.000 công dân TQ ở Libya năm 2011. Lần đầu tiên TQ đã triển khai tàu vào Địa Trung Hải và máy bay vận tải quân sự đến Libya. Đến tháng 3-2015, TQ tiếp tục sơ tán công dân khỏi Yemen (ảnh).
Số vụ cướp biển đã giảm trong những năm gần đây. Không còn vụ tấn công tàu lớn nào nữa kể từ năm 2012 cho đến khi xảy ra vụ tàu chở dầu Panama bị cướp biển Somalia tấn công hồi giữa tháng 3 dẫn đến hải quân TQ giải cứu. Như vậy TQ tăng cường sự hiện diện hải quân ở vịnh Aden để làm gì?
Theo tướng Jean-Vincent Brisset, TQ nhắm đến ba mục tiêu: Bảo vệ lợi ích kinh tế (1.500 tàu buôn TQ qua lại khu vực mỗi năm), đánh bóng hình ảnh một cường quốc có trách nhiệm và huấn luyện triển khai quân dài ngày trên biển.
Đáng chú ý là căn cứ quân sự đầu tiên của TQ ở Djibouti. Sau một năm xây dựng, căn cứ sẽ đi vào hoạt động trong năm nay. Đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy TQ gia tăng phát triển ngoài khu vực ảnh hưởng của TQ. Điều đáng ngạc nhiên là TQ lại không dự tính thực hiện dự án như thế ở châu Phi hay Venezuela.
TQ giải thích căn cứ ở Djibouti chỉ làm nhiệm vụ hỗ trợ chống cướp biển, hoạt động nhân đạo và bảo vệ hòa bình ở vùng Sừng châu Phi. Theo binh pháp Tôn Tử, đó là kế sách “nếu có thể tấn công thì giả như không thể tấn công, muốn đánh như giả như không muốn đánh” (thiên thứ nhất). GS Peter Dutton ở Học viện Chiến tranh hải quân (Mỹ) khẳng định trên báo New York Times: “Đây là bước phát triển chiến lược quan trọng của TQ”.
Sự hiện diện của hải quân TQ ngoài lãnh thổ đã đánh dấu chiến lược phát triển “con đường tơ lụa trên biển”. Chiến lược này thể hiện qua hành động thiết lập “chuỗi ngọc trai” gồm các cứ điểm chạy dài từ bờ biển TQ đến cửa ngõ biển Đỏ.
Tướng Jean-Vincent Brisset đánh giá khả năng triển khai của hải quân TQ vẫn còn hạn chế trong khi TQ đang tranh chấp ở biển Đông. Chính vì thế TQ đã tăng cường hoạt động chiến dịch ở vịnh Aden nhằm thu thập kinh nghiệm quý giá về hoạt động trên biển.
H.DUY
Theo Plo.vn