Tổng thống Nga muốn đáp trả Mỹ bằng các biện pháp "tương xứng". Hệ thống tấn công tên lửa Nga có thể chọc thủng mọi hệ thống phòng thủ tên lửa trên thế giới. Nga muốn cùng Mỹ xây dựng hệ thống chung.
Với các nước Baltic ở phía đông bắc NATO, việc theo dõi thận trọng các hoạt động và các khoản đầu tư vào quốc phòng của Nga không phải là việc gì mới mẻ. Quan sát các hành vi quân sự của Nga đã trở thành thói quen, nhưng hiện nay “chúng tôi thực hiện thường xuyên hơn", Bộ trưởng bộ quốc phòng Estonia Margus Tsahkna cho hay.
Ông Margus Tsahkna cùng bộ trưởng quốc phòng các nước láng giềng Latvia và Lithuania cho rằng họ đã chuẩn bị trước cho cuộc tập trận quân sự Zapad sắp tới của Nga trong năm nay. Cuộc tập trận chung với Belarus sẽ mô phỏng cuộc xung đột quy mô lớn với phương Tây.
Cuộc tập trận này diễn ra thường xuyên bốn năm một lần, nhưng kể cả như vậy, các nước Baltic vẫn chẳng thể cảm thấy thoải mái khi có đến 100.000 binh lính Nga ở bên cạnh biên giới nước mình, theo lời Bộ trưởng quốc phòng Lithunia Raimundas Karoblis trong chuyến thăm gần đây tới Washington.
Cuộc tập trận Zapad năm nay được dự kiến sẽ diễn ra vào mùa thu và là lần đầu tiên kể từ sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014.
Ông Margus Tsahkna của Estonia cho rằng tính minh bạch luôn là câu hỏi bỏ ngỏ mỗi lần Nga tiến hành tập trận. Một số lãnh đạo các nước Baltic đã cảnh báo Nga có thể để một số binh lính lại Belarus sau cuộc diễn tập. Trong chuyến thăm Mỹ, Bộ trưởng quốc phòng Latvia, ông Raimonds Bergmanis, cho biết Bộ quốc phòng nước này đang cố gắng tìm hiểu xem cuộc diễn tập có thể diễn ra như thế nào. Nhưng kể cả nếu những lo sợ này được chỉ ra là vô căn cứ thì hoạt động quân sự quy mô lớn này “cũng sẽ gây bất ổn", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis phát biểu trong chuyến thăm Lithuania hồi tháng trước.
Việc có nhiều đơn bị quân sự hiện diện ở một khu vực nhất định sẽ làm tăng khả năng gây ra các sự cố, các hoạt động thăm dò hoặc cố ý gây khiêu khích.
“Chúng tôi đang xem xét nhưng cuộc tập trận này ở cấp độ khu vực, tuy nhiên nó cũng tồn tại một số nguy cơ. Chúng tôi vẫn cần chuẩn bị cho những tình huống bất ngờ, vì họ (Nga và Belarus) có thể đi theo hướng khác ngoài dự định, và họ cũng có thể thử nghiệm xem các hệ thống bảo vệ biên giới hoạt động ra sao,…”, ông Karoblis quan ngại.
Cuộc diễn tập này diễn ra trong một bối cảnh rộng hơn , đó là các hoạt động đáng quan ngại của Nga ở châu Âu, từ việc chặn đuổi các tàu và máy bay của Mỹ, NATO và các nước Baltic trong khu vực đến các chiến dịch thông tin mà Mỹ và NATO luôn cáo buộc nhằm khiến các nước phương Tây bất ổn. Ông Karoblis cho biết một số lãnh đạo Nga nói rằng hai trong số các tỉnh phía tây của Lithuania giáp Kaliningrad vốn được nhà lãnh đạo Stalin cắt cho Lithuania.
Theo Defense One, Estonia, Latvia và Lithuania đã đẩy mạnh chi tiêu quốc phòng kể từ khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014. Tuy nhiên, cuối cùng, khả năng đối phó với Mátxcơva của những nước này vẫn phụ thuộc vào các đồng minh châu Âu và NATO. Mỗi quốc gia Baltic chỉ có thể huy động vài chục ngàn binh lính, chứ không phải hàng trăm nghìn như Nga chuẩn bị huy động cho cuộc tập trận này.
Bộ trưởng quốc phòng Estonia khẳng định: "Chúng tôi tin tưởng rằng nếu có chuyện gì xảy ra, các đồng minh NATO của chúng tôi sẽ đến và giúp chúng tôi đối phó… Giờ đây chúng tôi có quân đội của 19 quốc gia khác nhau ở vùng Baltic. Điều đó có nghĩa là tất cả các quốc gia và quân đội các nước cũng đang băn khoăn về các vấn đề như chúng ta trong nhiều năm qua".
Cuối tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định cam kết của Mỹ đối với Điều 5 của Hiệp ước phòng thủ Bắc Đại Tây Dương, điều khoản này yêu cầu liên minh phải phòng vệ tập thể nếu bất kỳ thành viên nào bị tấn công quân sự.
Defense One cũng nhắc lại rằng ông Trump đã không làm điều này trong chuyến thăm đến trụ sở liên minh ở Brussels hai tuần trước, điều này khiến lãnh đạo Mỹ và các quan chức trong bộ máy chính quyền của ông kinh ngạc. Theo Defense One, các nhà chức trách Mỹ trong bộ máy của ông Trump những ngày sau đó đã phải liên tục trấn an đồng minh của Mỹ về việc tiếp tục thực hiện các cam kết an ninh trên toàn cầu.
Tuần trước, Bộ trưởng quốc phòng các nước Baltic cho biết dù thế nào thì họ vẫn tin tưởng vào cam kết này. Trước đó, ông Mattis đã nhắc lại những lời cam kết này khi thăm Lithuania. Nhưng một mặt trận thống nhất và công khai, có sự góp mặt của cả Mỹ vẫn tạo ra một sự răn đe mạnh hơn. Đó là lý do vì sao bộ trưởng quốc phòng các nước Baltic tuần trước đã phải qua lại liên tục giữa các sự kiện của viện nghiên cứu tại tại Washington DC và các cuộc gặp tại Capitol Hill nhiều hơn bao giờ hết.
“Chúng tôi (ba nước Baltic) giống như Ba chàng lính ngự lâm, và Mỹ có thể là chàng lính ngự lâm thứ tư hỗ trợ chúng tôi", ông Bergmanis ví von.
Đặng Phương Thảo
Theo Viettimes.vn