Izumo là tàu chiến lớn nhất của Nhật sẽ xuất hiện tại khu vực Biển Đông. Đây cũng là con tàu lớn và hiện đại bậc nhất của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản.
Nguồn tin từ Ấn Độ cho biết, chỉ khi có được sự đáp ứng về điều kiện chuyển nhượng công nghệ toàn diện và có lợi cho Ấn Độ tự sản xuất máy bay chiến đấu tàng hình trong tương lai, nước này mới đồng ý ký kết thỏa thuận hợp tác nghiên cứu phát triển và sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm trị giá vài tỷ USD với Nga.
Theo nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ, "cấp cao nhất" đã đưa ra quyết định này để tránh giẫm lên vết xe đổ của chương trình mua sắm máy bay chiến đấu Su-30MKI Nga. Ấn Độ đã chi 557,17 tỷ rupee (1 rupee tương đương 342 đồng VN), nhưng không giúp được gì cho khả năng phát triển, chế tạo máy bay chiến đấu trong nước.
Nguồn tin này cho hay: "Mặc dù trong số 272 máy bay chiến đấu Sukhoi mua của Nga (hiện đã bàn giao 240 chiếc), có rất nhiều chiếc được sản xuất ở Công ty TNHH hàng không Hindustan, nhưng về cơ bản họ chỉ lắp ráp linh kiện nhập khẩu đồng bộ. Công ty này đến nay vẫn không thể độc lập sản xuất máy bay chiến đấu Sukhoi".
Đơn giá máy bay Sukhoi do Công ty TNHH hàng không Hindustan sản xuất khoảng 4,5 tỷ rupee, đắt hơn 1 tỷ rupee so với nhập khẩu máy bay chiến đấu cùng loại từ Nga.
Vì vậy, mặc dù Nga không ngừng gây sức ép yêu cầu ký kết hợp đồng nghiên cứu phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm phiên bản cuối cùng, nhưng đến nay Ấn Độ muốn tìm hiểu xem giao dịch này có lợi hay không.
Dự đoán, Ấn Độ sẽ chi 25 tỷ USD để nhập 127 máy bay chiến đấu một chỗ ngồi loại này. Vào năm 2007, hai nước Ấn Độ và Nga đã ký kết thỏa thuận liên chính phủ về máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm. Tiếp theo, vào năm 2010 đã ký kết thỏa thuận thiết kế sơ bộ trị giá 295 triệu USD. Sau đó, các cuộc đàm phán song phương đã rơi vào bế tắc.
Ngoài tiến hành phân tích hiệu quả chi phí tổng thể, Ấn Độ hiện còn đưa ra 2 điều kiện tiên quyết cho chương trình máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm này:
Thứ nhất, phải có chuyển nhượng công nghệ toàn diện, bao gồm "mã nguồn" để bảo đảm cho Ấn Độ có thể độc lập hoàn thành công tác nâng cấp vũ khí của máy bay chiến đấu trong tương lai.
Thứ hai, phải trực tiếp hỗ trợ cho chương trình máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm tự chế của Ấn Độ - đó là chương trình máy bay chiến đấu hạng trung tiên tiến. Có tin cho biết hiện nay công tác thiết kế giai đoạn đầu của chương trình này đang được tiến hành.
Một nguồn tin còn cho hay, một ủy ban cấp cao do một trung tướng không quân Ấn Độ lãnh đạo đang nhận lệnh triển khai điều tra toàn diện chương trình. Chính phủ Ấn Độ sẽ căn cứ vào báo cáo dự kiến đệ trình vào tháng 4/2017 của ủy ban này để đưa ra quyết định.
Về cơ bản, một chiếc máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm đã tích hợp được khả năng tàng hình tiên tiến, khả năng tuần tra siêu âm, tính cơ động siêu mạnh, công nghệ tích hợp số liệu và nhiều bộ cảm biến.
Nhưng, không quân Ấn Độ hoàn toàn không hài lòng với máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của Nga. Trước đó Ấn Độ từng cho rằng máy bay chiến đấu T-50 Sukhoi hoặc PAK-FA có 43 khuyết điểm hoặc chỗ cần cải tiến quan trọng, trong đó bao gồm khả năng tàng hình không tốt và động cơ "yếu".
Tuy nhiên, hiện nay Nga cam kết máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm do hai nước cùng nghiên cứu chế tạo cũng được gọi là "máy bay chiến đấu đa chức năng tương lai", sẽ có khác biệt rất lớn với T-50 Sukhoi. Nó sẽ có động cơ mạnh hơn và các khả năng khác.
Căn cứ vào quy định của hợp đồng nghiên cứu phát triển, Ấn Độ và Nga mỗi bên sẽ bỏ ra 4 tỷ USD dùng để phát triển máy bay nguyên mẫu, thử nghiệm và xây dựng hạ tầng cở sở. Theo kế hoạch ban đầu, sẽ bắt đầu bàn giao máy bay chiến đấu sau 94 tháng ký kết hợp đồng chính thức.
Phong Vân
Theo Viettimes.vn