Nhu cầu hợp tác chiến lược Mỹ - Ấn gia tăng, kéo theo nhiều hợp đồng vũ khí được ký kết trong chuyến thăm Mỹ lần này của Thủ tướng Ấn Độ. Căng thẳng biên giới Trung - Ấn cũng vừa diễn ra.
Gian trưng bày của Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc tại Triển lãm hàng không vũ trụ quốc tế Paris, Pháp ngày 19/6/2017. Ảnh: Cankao
Máy bay chiến đấu tàng hình F-35 Mỹ cũng đã hoàn thành bay biểu diễn tại triển lãm lần này. Trong khi đó, hơn 10 doanh nghiệp hàng không vũ trụ Trung Quốc đã mang các thành quả mới nhất và sản phẩm quan trọng đến, bao gồm máy bay chiến đấu FC-31 Cốt Ưng.
Trình độ FC-31 thuộc mức nào?
FC-31 là máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm có hai động cơ, một chỗ ngồi, do Công ty máy bay Thẩm Dương, Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc nghiên cứu chế tạo. Theo tiêu chuẩn của Mỹ và Nga thì FC-31 đây là máy bay thế hệ thứ năm, theo tiêu chuẩn của Trung Quốc thì đây là máy bay thế hệ thứ tư.
Theo giới thiệu chính thức, FC-31 được gọi là máy bay chiến đấu đa dụng mới nhất sẽ tham gia vào chiến trường trong tương lai, có khả năng sống sót cao và tính năng đối kháng điện tử tốt. Nhưng trong con mắt của một số chuyên gia, FC-31 là loại máy bay “cấp thấp” của thế hệ thứ 5.
FC-31 tiến hành bay thử lần đầu tiên vào ngày 31/10/2012. Điều này đánh dấu Trung Quốc trở thành quốc gia thứ hai đồng thời cho bay thử 2 loại máy bay nguyên mẫu máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm. Điều này có nghĩa là chúng cách thời điểm sản xuất sẽ không còn quá lâu. Cuối năm 2016, phiên bản 2.0 của FC-31 tiếp tục bay thử, tỷ lệ vật liệu composite ở thân máy bay nguyên mẫu khi bay thử lần này đạt 30% trở lên. Sự thay đổi về thiết kế khí động học đã tăng khả năng tàng hình cho máy bay. Tại Triển lãm quốc phòng Abu Dhabi đầu năm 2017, có tin cho rằng một quốc gia Trung Đông đã bày tỏ quan tâm đến việc mua FC-31 của Trung Quốc.
FC-31 được cho là một loại máy bay chiến đấu tàng hình hạng trung có thể so sánh với máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ. Nhưng, bản thân khái niệm “máy bay chiến đấu tàng hình hạng trung” là một khái niệm gây tranh cãi.
Máy bay chiến đấu truyền thống đều lắp đạn dược, thùng dầu phụ ở dưới cánh và thân máy bay. Nhưng máy bay chiến đấu tàng hình lại đặt chúng trong khoang máy bay để đảm bảo cho máy bay có khả năng tàng hình.
Do đó, thể tích và trọng lượng của máy bay chiến đấu tàng hình chắc chắn sẽ lớn hơn nhiều so với máy bay chiến đấu thông thường, chắc chắn phải giảm thể tích của khoang máy bay, giảm trọng lượng đạn dược. Đây là một vấn đề đặt ra trong chiến đấu thực tế.
Ở phương diện khác, so với hàng của Mỹ, ưu thế lớn nhất của máy bay FC-31 Trung Quốc là rẻ tiền. Các mặt khác như bán kính tác chiến, tốc độ bay tối đa cũng đều vượt máy bay chiến đấu F-35A của Mỹ.
Trên thực tế, thông thường, máy bay tác chiến hiện đại đạt 25 tấn đã có thể gọi là máy bay chiến đấu hạng nặng. Trong khi đó, căn cứ vào số liệu công khai của Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc, trọng lượng cất cánh tối đa của FC-31 đã đạt 28 tấn, về cơ bản thuộc loại nằm giữa máy bay chiến đấu hạng trung và máy bay chiến đấu hạng nặng.
Đối với những nước không thể mua hoặc bị cấm mua máy bay chiến đấu tàng hình F-35, tỷ lệ giữa hiệu suất và giá của máy bay FC-31 rất cao, thu hút sự quan tâm của họ. Trong khi đó, trong quá trình nghiên cứu phát triển máy bay F-35 của Mỹ đã xuất hiện nhiều vấn đề.
Máy bay chiến đấu tàng hình F-35 Mỹ tại Hội chợ quốc phòng và hàng không vũ trụ quốc tế Australia. Ảnh: Cankao
Máy bay FC-31 đã trải qua giai đoạn từ máy bay thử nghiệm đến máy bay nguyên mẫu, bước tiếp theo là có khách hàng đặt mua hay không. Theo kế hoạch, FC-31 sẽ bay thử đến năm 2019, bắt đầu từ năm 2022 sẽ tiến hành sản xuất hàng loạt với số lượng nhỏ và xuất khẩu, có khả năng tác chiến ban đầu, năm 2025 có thể trang bị toàn diện cho khách hàng.
Do nghiên cứu phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm có chi phí rất lớn, tìm được khách hàng cho máy bay chiến đấu FC-31 là một vấn đề cấp bách đối với Trung Quốc.
Hiện nay, quân đội Trung Quốc có trang bị máy bay chiến đấu FC-31 hay không vẫn còn chưa rõ. Bản thân Trung Quốc có nhiều sự lựa chọn. Trung Quốc không chỉ sản xuất được nhiều loại máy bay, mà còn ký kết mua sắm 24 máy bay chiến đấu Su-35 của Nga vào năm 2015.
Tuy nhiên, Trung Quốc xác định phát triển máy bay chiến đấu FC-31 là để xuất khẩu. Bởi vì, Trung Quốc thường xuyên đưa máy bay FC-31 đến các triển lãm hàng không ở nước ngoài để trưng bày tìm kiếm khách hàng. Trong khi đó, Trung Quốc chưa bao giờ làm như vậy đối với máy bay chiến đầu tàng hình J-20, bởi vì Trung Quốc không có ý định xuất khẩu J-20.
Trên thị trường quốc tế, đối thủ của máy bay FC-31 Trung Quốc là máy bay chiến đấu tàng hình T-50 của Nga và F-35 của Mỹ. Nhưng, do nhiều nguyên nhân khác nhau, T-50 tiếp tục bị trì hoãn giao hàng. Vì vậy, chỉ có F-35 là đối thủ mạnh của Trung Quốc.
Mặc dù F-35 dẫn trước FC-31 trên rất nhiều phương diện như động cơ và hệ thống điện tử hàng không, nhưng FC-31 cũng có ưu thế, trong đó ưu thế lớn nhất là rẻ tiền, tỷ lệ giữa hiệu suất và giá cao.
Dự kiến, giá bán của máy bay FC-31 Trung Quốc sẽ là 70 triệu USD, chỉ bằng một nửa của máy bay F-35 Mỹ, thậm chí rẻ hơn cả rất nhiều máy bay chiến đấu thệ hệ thứ 4+ như Su-35 Nga. Hơn nữa, bản thân F-35 còn tồn tại vấn đề lớn, Thổ Nhĩ Kỹ đã cắt giảm một nửa đơn hàng F-35. Mặt khác, Mỹ có nhiều quy định cứng nhắc, tạo ra cơ hội hiếm có cho FC-31 Trung Quốc. Do Mỹ có quy định cấm xuất khẩu vũ khí, những máy bay tiên tiến như F-35 chỉ bán cho các đồng minh trụ cột như Nhật Bản, Israel. Thậm chí, quốc gia giàu có như Saudi Arabia cũng chưa mua được.
Cách đây không lâu, Tổng thống Mỹ Donald Trump đến thăm Saudi Arabia, hai bên đã ký kết một hợp đồng mua sắm vũ khí trị giá lên tới 110 tỷ USD, đây là một hợp đồng vũ khí lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, trong hợp đồng này không hề có máy bay chiến đấu F-35.
Saudi Arabia là thị trường vũ khí quan trọng nhất của Mỹ, nhưng họ vẫn chưa mua được máy bay chiến đấu F-35. Các nước nhỏ khác chắc chắn càng không có cơ hội mua nó. Đây là cơ hội cho máy bay FC-31 Trung Quốc.
Cùng với việc Israel bắt đầu trang bị máy bay chiến đấu F-35, các nước Trung Đông khác chắc chắn sẽ chịu áp lực rất lớn. Mua sắm máy bay FC-31 là một trong những sự lựa chọn của họ.
Trên thực tế điều này cũng có tiền lệ. Mỹ luôn từ chối bán máy bay trinh sát kiêm tấn công không người lái cho Saudi Arabia, khiến cho Saudi Arabia tức giận. Tại Triển lãm hàng không Abu Dhabi năm 2017, Saudi Arabia đã mua máy bay trinh sát kiêm tấn công không người lái CH-4 của Trung Quốc, thậm chí nhập cả dây chuyền sản xuất.
FC-31 Trung Quốc cũng có thể tận dụng thời cơ, nhanh chóng hoàn thiện, tranh thủ thị trường Saudi Arabia, khắc phục khó khăn trên thị trường quốc tế. Một khi Saudi Arabia đã đặt hàng thì các nước có thực lực ở Trung Đông khác “đi theo” chỉ là vấn đề thời gian. Sự xuất hiện của FC-31 sẽ làm thay đổi cục diện lũng đoạn của thị trường quốc tế - báo Trung Quốc tự tin kết luận.
Máy bay chiến đấu FC-31 Trung Quốc bay biểu diễn ở Trung tâm triễn lãm hàng không Chu Hải. Ảnh: Xinhuanet
Phong Vân
Theo Viettimes.vn