Các xu hướng, giải pháp nâng cao khả năng bảo vệ, sức cơ động và khả năng chỉ huy-điều khiển của tăng chủ lực
‘Gã khổng lồ’ trong Không quân Nhân dân Việt Nam
- Cập nhật : 12/10/2016
Trong trang bị Không quân Nhân dân Việt Nam từng tồn tại một loại máy bay khổng lồ to hơn bất kỳ loại máy bay nào khác trong biên chể.
Đó là trực thăng vận tải Mil Mi-6, gia nhập Không quân Nhân dân Việt Nam từ năm 1965 trong thành phần Trung đoàn Không quân Vận tải 919.
Trực thăng lớn nhất thế giới một thời
Trực thăng vận tải hạng nặng Mi-6 do hãng Mil Moscow thiết kế sản xuất từ giữa những năm 1950. Mi-6 cất cánh lần đầu tháng 9/1957, chính thức đưa vào phục vụ từ năm 1959, khoảng 925 chiếc được sản xuất.
Ở thời điểm Mi-6 ra đời tính tới năm 1960, Mi-6 được coi là trực thăng vận tải lớn nhất thế giới với tải trọng tới 12 tấn. Năm 1961, trực thăng CH-47 ra đời với tải trọng 12,7 tấn thì kỷ lục này mới bị phá vỡ.
Mi-6 có chiều dài tổng thể 33,18m, cao 9,81m, đường kính cánh quạt chính 35m, trọng lượng rỗng 27,2 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa 42,5 tấn. Trong khi đó, máy bay vận tải có mặt trong Không quân Nhân dân Việt Nam như An-24 dài 23,53m, còn An-26 dài 23,80m
Kiểu dáng Mi-6 thiết kế theo truyền thống với cánh quạt chính 5 lá và cánh quạt đuôi 4 lá, ở đuôi máy bay có cửa dùng để đưa các kiện hàng quá khổ vào bên trong. Trên thân máy bay thiết kế thêm 2 cánh nhỏ để tăng lực nâng trong khi bay.
Mi-6 trang bị 2 động cơ tuốc bin trục Soloviev D-25V cho phép đạt tốc độ tối đa 300km/h, tầm bay 620km, trần bay 4.500km. Về lượng nhiên liệu, Mi-6 bố trí 11 thùng nhiên liệu bên trong chứa 6.315kg và 2 thùng nhiên liệu phụ treo ngoài.
Mi-6 thiết kế cho vai trò vận tải hàng hóa, chở quân (70 lính cùng vũ khí), chở khách (65-90 người), cứu thương (41 cáng và 2 nhân viên y tế). Khi cần, Mi-6 còn dùng để chở xe bọc thép chở quân, xe chiến đấu bộ binh, xe ô tô thông thường hoặc cẩu pháo, dàn radar….
Đặc biệt, năm 1963, Liên Xô còn phát triển biến thể Scud dùng trực thăng Mi-6 cơ động, tổ hợp tên lửa 9K73. Tổ hợp sử dụng tên lửa đạn đạo tầm ngắn R-17V được phóng từ xe 4 bánh hạng nhẹ đặc biệt, toàn bộ được chuyên chở bằng trực thăng vận tải Mi-6RVK. Một số lượng nhỏ tổ hợp 9K73 được sản xuất và triển khai trong Quân đội Liên Xô.
Về hệ thống điện tử, Mi-6 trang bị các thiết bị vô tuyến liên lạc VHF-HE, liên lạc nội bộ, hệ thống lái tự động, là bàn vô tuyến, đo cao vô tuyến, khí cụ đo thời tiết…
Hệ thống vũ khí, một số biến thể Mi-6 trang bị thêm súng máy 12,7mm ở mũi máy bay.
“Cầu cẩu bay” ở Việt Nam
Trực thăng vận tải Mil Mi-6 gia nhập Không quân Nhân dân Việt Nam vào năm 1965 trong Trung đoàn Không quân Vận tải 919. Hoạt động chủ yếu của Mi-6 gồm: chở hàng, chở quân, cẩu vũ khí cỡ lớn đem đi cất giấu, bảo quản, phục vụ phòng chống bão lụt….
Trong trận lụt lớn ở miền Bắc cuối năm 1971, một số đoạn đê như đê Nhất Trai, Gia Lương (thuộc tỉnh Hà Bắc) bị vỡ gây thiệt hại lớn cho nhân dân. Các lực lượng hộ đê đã nỗ lực dùng mọi phương tiện để chặn dòng nước lũ nhưng vô hiệu.
Trước tính hình đó, chính phủ đã giao cho Không quân Vận tải 919 tham gia hàn đê Nhất Trai – Gia Lương. Nhận nhiệm vụ, đoàn 919 điều Mi-6 cẩu những tấm panel, rọ đá nặng hàng chục tấn ném xuống đoạn đê vỡ. Với sự hỗ trợ từ không quân, sau một tuần thì đoạn đê vỡ được hàn lại.
Cũng trong năm 1971, nhằm đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719 đánh phá đường 9 – Nam Lào. Phối hợp với các đơn vị khác của bộ đội ta, không quân vận tải đã sử dụng trực thăng Mi-6 vận chuyển pháo xe kéo 122mm cùng hàng trăm hòm đạn vào mặt trận Nam khu 4.
Năm 1972, Trung đoàn 919 dùng trực thăng Mi-6 cẩu 400 lần chiếc MiG-17/21 phục vụ yêu cầu cơ động chiến đấu và sơ tán, bảo quản máy bay. Trực thăng Mi-6 cẩu 3 trạm radar lên một số điểm cao thuộc vùng núi tỉnh Hòa Bình, Hà Tây góp phần tạo thế bố trí lực lượng mới, đảm bảo cho các đơn vị phòng không – không quân của ta đánh địch.
Mi-6 cũng cẩu một số khẩu pháo cao xạ ra bãi nổi giữa sông Hồng, chiếm lĩnh địa bàn có lợi đánh trả địch, bảo vệ sân bay Gia Lâm và thủ đô Hà Nội.
Phục vụ chiến dịch Hồ Chí Minh 1975, Mi-6 tham gia chuyển quân, chuyển lương thực, đạn dược phục vụ chiến trường.
Trong chiến dịch Biên giới Tây Nam 1979, rồi các chiến dịch truy quét tàn quân Khơ Me đỏ trên đất Campuchia sau này, trực thăng Mi-6 tích cực làm nhiệm vụ vận tải, chở quân.
Hiện nay, trực thăng Mi-6 bị loại biên chế khỏi Không quân Nhân dân Việt Nam, một phần vì hết hạn sử dụng.
Phượng Hồng
Theo Đất Việt