Trang Sina của Trung Quốc vừa đăng tải chùm ảnh về hoạt động huấn luyện tác chiến của các chiến sĩ trinh sát đặc nhiệm thuộc địa bàn Quân khu 7.
Mỹ đổi tên bộ tư lệnh Thái Bình Dương, tố Trung Quốc mưu 'bá quyền' châu Á
- Cập nhật : 02/06/2018
Đô đốc Harry Harris nhấn mạnh, Trung Quốc vẫn sẽ là thách thức lâu dài và lớn nhất của Mỹ. Không có sự tham gia của Mỹ, đồng minh và đối tác của Mỹ thì Trung Quốc sẽ thực hiện “giấc mộng bá quyền” ở châu Á.
Đô đốc Philip Davidson và Đô đốc Harry Harris bàn giao quyền lực. Cả hai đều có lập trường cứng rắn với Trung Quốc, bao gồm vấn đề Biển Đông. Ảnh: Sina.
Ngày 30/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tuyên bố “Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương” Mỹ chính thức đổi tên thành “Bộ tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương”. Theo tờ Defence News ngày 31/5, đây là một động thái mới nhất cho thấy quân đội Mỹ đang tăng cường nỗ lực chống lại sức ép quân sự và kinh tế của Trung Quốc tại khu vực này.
Trong buổi lễ đổi tên tại Trân Châu Cảng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết ông đã đóng vai trò chính trong việc đổi tên, mục đích chủ yếu là thừa nhận “tất cả các nước đều rất quan trọng ở khu vực này, bảo vệ ổn định trên biển rất quan trọng đối với hòa bình của toàn cầu”. Tân Tư lệnh Bộ tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương, Đô đốc Philip Davidson tham dự buổi lễ.
Ông James Mattis cho biết để thích ứng với tính liên thông ngày càng tăng giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, quân đội Mỹ chính thức đổi tên Bộ tư lệnh Thái Bình Dương thành Bộ tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Đồng thời, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ giải thích rằng việc đổi tên không có nghĩa là “hiếu chiến”, nhưng thực sự đã thể hiện cam kết của Mỹ, đó là tất cả các nước bất kể có quy mô thế nào đều không bị chi phối, trói buộc bởi “kinh tế mang tính cướp đoạt và mối đe dọa” của bất cứ nước nào.
Người vừa rời cương vị Tư lệnh Bộ tư lệnh Thái Bình Dương, Đô đốc Harry Harrisđã đề cập thẳng đến vai trò ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực này. Ông Harris nói: “Cạnh tranh nước lớn đã quay lại. Tôi tin là chúng ta đang ở bước ngoặt lịch sử, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã xảy ra cạnh tranh địa - chính trị giữa tự do và áp bức”.
Đô đốc Harry Harris còn nhấn mạnh, Trung Quốc vẫn sẽ là thách thức lâu dài và lớn nhất của Mỹ. Không có sự tham gia của Mỹ, đồng minh và đối tác của Mỹ thì Trung Quốc sẽ thực hiện “giấc mộng bá quyền” ở châu Á.
Trước một loạt động thái nhằm vào Trung Quốc của Mỹ, gần đây, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố cho biết Trung Quốc luôn phản đối những phát biểu chỉ trích Trung Quốc mang đậm màu sắc Chiến tranh Lạnh. Quân đội Trung Quốc sẽ tăng cường xây dựng sẵn sàng chiến đấu trên biển, trên không, nâng cao trình độ phòng vệ, kiên định ý chí “bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia, bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực”.
Ngoài ra, ngày 31/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng bất kể Mỹ đổi tên như thế nào (Bộ tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương), Mỹ đều cần phải hiện diện ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương với thái độ có trách nhiệm, phát huy vai trò mang tính xây dựng đối với hòa bình, ổn định khu vực.
Đồng thời bà Hoa Xuân Oánh tiếp tục khẳng định: “Sự phát triển của Trung Quốc không tạo ra mối đe dọa cho bất cứ nước nào. Bất kể phát triển đến mức độ nào, Trung Quốc đều mãi mãi không xưng bá, mãi mãi không tiến hành bành trướng”.
Phong Vân
Theo Viettimes.vn