Quan hệ gần gũi giữa Malaysia và Trung Quốc được gầy dựng dưới thời ông Najib Razak sắp sửa đứng trước phép thử mang tên Mahathir Mohamad - cựu thủ tướng 92 tuổi dẫn dắt liên minh vừa giành chiến thắng ngày 9-5.
Mỹ nói Trung Quốc sẽ 'lãnh hậu quả' vì quân sự hóa Biển Đông
- Cập nhật : 04/05/2018
Nhà Trắng ngày 3-5 bày tỏ quan ngại trước việc Trung Quốc đưa tên lửa trái phép ra quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhấn mạnh hành động đó sẽ tạo ra hậu quả cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn.
Hệ thống HQ-9B của Trung Quốc trong cuộc duyệt binh quốc khánh Trung Quốc năm 2015 - Ảnh: China Military Aviation
Đài CNBC của Mỹ ngày 2-5 dẫn các nguồn tin tình báo cho biết các tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và tên lửa đất đối không HQ-9B đã được Trung Quốc lắp đặt trên ba thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng trái phép thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
CNBC cho biết việc này đã xảy ra "trong vòng 30 ngày qua".
Trả lời câu hỏi của phóng viên trong cuộc họp báo ngày 3-5 (giờ Mỹ), thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders khẳng định Washington "nhận thức được các hành động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc".
"Chúng tôi đã bày tỏ quan ngại về điều này trực tiếp với Trung Quốc. Nó chắc chắn sẽ có hậu quả cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn", đại diện Nhà Trắng nhấn mạnh song không nói rõ "hậu quả" đó là gì.
Trao đổi với hãng tin Reuters ngày 4-5, một quan chức tình báo Mỹ thừa nhận Washington đã nhận thấy các dấu hiệu Trung Quốc di chuyển một số hệ thống vũ khí tới quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong khoảng một tháng rồi.
Vị này từ chối đưa thêm thông tin chi tiết.
Bộ Quốc phòng Mỹ viện lý do đây là các thông tin tình báo và cũng từ chối đưa ra nhận xét, theo hãng tin Reuters.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc tiếp tục im lặng 2 ngày sau thông tin của CNBC trong khi Bộ Ngoại giao nước này thì rất nhanh chóng phản pháo.
Những kẻ không có dã tâm xâm lược thì không việc gì phải lo nghĩ hay sợ sệt
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh
Theo CNBC, việc triển khai YJ-12B tới các thực thể nhân tạo nói trên sẽ giúp Trung Quốc tạo ra một khu vực chống xâm nhập/chống tiếp cận với bán kính bằng đúng tầm bắn của loại tên lửa này, ít nhất 550km.
Trong khi đó, hệ thống phòng không HQ-9B do Trung Quốc tự sản xuất có thể nhắm bắn các mục tiêu như máy bay chiến đấu, máy bay không người lái và tên lửa hành trình trong bán kính 300km.
Bắc Kinh không hề đề cập tới việc triển khai các vũ khí tới những thực thể họ chiếm đóng bất hợp pháp ở Trường Sa. Họ luôn cho rằng họ có quyền làm điều đó và khăng khăng các công trình này vì mục đích phòng thủ.
Greg Poling, chuyên gia Biển Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ, cho biết việc triển khai các tên lửa trên các tiền đồn của Trung Quốc là chỉ dấu quan trọng.
Theo ông Poling, việc đưa các tên lửa tới Trường Sa thực tế chỉ là vấn đề thời gian sau khi Bắc Kinh đã vũ trang hóa một cách trái phép đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hồi năm ngoái.
Vị chuyên gia Mỹ cảnh báo động thái mới tại Trường Sa còn nguy hiểm hơn nhiều, cho thấy tham vọng muốn kiểm soát những tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới trên Biển Đông.
Bảo Duy
Theo Tuoitre.vn