NATO từng có tham vọng thả hàng loạt khối nam châm để phát hiện và vô hiệu hóa tàu ngầm Liên Xô.
Sau đó, máy bay ném bom này của Mỹ đã bay trên bầu trời Biển Đông. Sự kiện này xảy ra trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Hamburg, Đức.
Cách đây không lâu, vào các ngày 3 - 4/7/2017, khi nhà lãnh đạo hai nước Trung Quốc và Nga gặp nhau ở thủ đô Mátxcơva, Nga, thì tàu khu trục Mỹ cũng đã đi vào vùng biển 12 hải lý một đảo Trung Quốc đang chiếm đóng phi pháp ở Hoàng Sa.
Nhà nghiên cứu Pavel Zolotarev, Trung tâm nghiên cứu Mỹ và Canada, Viện Khoa học Nga cho rằng: “Thông thường, trước thềm xảy ra sự kiện quan trọng này sẽ không xuất hiện tính ngẫu nhiên như vậy. Mỹ chắc chắn cảm thấy bất an đối với việc Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau, bao gồm trong các vấn đề an ninh của châu Á - Thái Bình Dương”.
“Vì vậy, Mỹ phô trương sức mạnh quân sự trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G20, nhắc nhở Trung Quốc về thực lực của Mỹ. Những hành động này cũng giống như cuộc tập trận chung trên biển giữa ba nước Mỹ - Ấn - Nhật - Úc, đều là chính sách được thực hiện khi ông Barack Obama làm Tổng thống Mỹ. Mục đích chính là duy trì khả năng triển khai quân sự ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chứ không phải ở châu Âu, Trung Đông. Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu”.
“Vì vậy, máy bay ném bom, tàu khu trục liên tiếp xuất hiện ở ‘điểm nóng’ – Đây là một bộ phận quan trọng trong chiến lược không ngừng tăng cường hiện diện ở châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ”. Vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đã từ chối sáng kiến của Trung Quốc và Nga về việc đóng băng chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, đổi lấy việc Mỹ - Hàn chấm dứt tập trận chung. Mỹ và Hàn Quốc tập trận cũng giống như Mỹ và Nhật Bản tập trận - đều là biện pháp để gây sức ép với Trung Quốc. Đây có thể là một trong những nguyên nhân Mỹ từ chối chấm dứt tập trận chung.
Hiện nay, cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Úc đang diễn ra, đây cũng là cuộc tập trận có quy mô lớn nhất trong lịch sử, sẽ tạo ra kỷ lục nhiều nhất về quân số và trang bị quân sự tham gia tập trận.
Chuyên gia Sokurov, Viện nghiên cứu các vấn đề địa - chính trị Nga cho rằng Washington có ý đồ xây dựng vòng cung căng thẳng chặt chẽ hơn dọc biên giới Trung Quốc.
Ông Sokurov nói: “Có máy bay ném bom tham gia là thách thức rõ ràng. Nguyên nhân hoàn toàn có thể lý giải. Đàm phán Nga - Trung tăng cường hợp tác hai nước vừa kết thúc tốt đẹp. Nhưng, vấn đề chính còn là củng cố quan hệ hữu nghị láng giềng và phối hợp lập trường trong các vấn đề quốc tế quan trọng của hai nước”.
“Ngoài ra, mặc dù biên giới Trung - Ấn xuất hiện căng thẳng, nhưng Trung Quốc đang từng bước khắc phục mâu thuẫn với Ấn Độ. Ấn Độ gia nhập Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) chính là một minh chứng quan trọng. Vì vậy, hiện nay, Mỹ tìm mọi cách phá hoại quan hệ giữa Trung Quốc với các đối tác, ngăn chặn việc tăng cường quan hệ với các đối tác này”.
Theo bài báo, hiện nay Mỹ cảm thấy bất an và hành động của Mỹ trước hết là để phá hoại quan hệ đối tác quốc tế của Trung Quốc, phá hoại tối đa tình hình kinh tế của Trung Quốc. Thẩm Thế Thuận, chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Nam Thái Bình Dương, Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc cho rằng sự nhẫn nại của Trung Quốc đối với các thách thức của Mỹ là có hạn.
Thẩm Thế Thuận nói: “Tôi cho rằng đây là một hành động khiêu khích có ý đồ khác của Mỹ. Ở Syria, Mỹ và Nga tiến hành đối đầu quân sự, Mỹ lại khiêu khích châu Á, phô trương sức mạnh nước lớn. Nhưng trên thực tế, một loạt hành động của Mỹ xuất phát từ tư duy rất lỗi thời. Bởi vì cùng với việc phô trương thực lực, Mỹ cũng bộc lộ bản chất chủ nghĩa bá quyền...Làm như vậy sẽ chỉ ngày càng không được lòng người, cũng là một loại biểu hiện miệng hùm gan sứa”.
Thẩm lớn tiếng: “Cùng với thực lực quốc gia và vị thế quốc tế của Trung Quốc tăng lên, mức độ nhẫn nại đối với các hành vi khiêu khích này là có hạn. Về nguyên tắc, Trung Quốc không muốn đối đầu với Mỹ, nhưng nếu bị ép buộc, Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp đáp trả để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”.
Ngày 7/7, Trung Quốc đã tiến hành lên án đối với hoạt động huấn luyện liên hợp trên bầu trời Biển Đông và biển Hoa Đông của không quân Mỹ - Nhật. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nhấn mạnh Trung Quốc sẽ không cho phép các nước liên quan xâm phạm cái gọi là "chủ quyền quốc gia của Trung Quốc bằng cái cớ bảo vệ tự do đi lại”.
Phong Vân
Theo Viettimes.vn