Theo dự thảo trình thường vụ Quốc hội, các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí.
Tờ Tin tức Tham khảo (Trung Quốc) ngày 20/4 dẫn các nguồn tin cho hay một bản báo cáo nghiên cứu của Quốc hội Mỹ đã nhấn mạnh đến quan hệ quân sự không ngừng tăng lên giữa Moscow và Bắc Kinh, cho rằng những thương vụ vũ khí mới nhất giữa Nga - Trung sẽ đe dọa ưu thế trên không của Mỹ.
Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ - Trung thuộc Quốc hội Mỹ cho rằng, những vũ khí Nga nằm trong tay Trung Quốc như hệ thống tên lửa phòng không S-400, một trong những hệ thống tốt nhất toàn cầu, cùng với máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư Su-35, sẽ "gây hậu quả nghiêm trọng cho Mỹ".
Theo báo cáo, những vũ khí này và các hệ thống vũ khí khác của Nga đều tiên tiến hơn tất cả vũ khí do Trung Quốc sản xuất. Điều này sẽ tăng cường sức chiến đấu cho Bắc Kinh khi đối đầu với các đối thủ.
Báo cáo cho rằng điều này cũng sẽ giúp Trung Quốc đẩy nhanh phát triển vũ khí tiên tiến của họ.
Bắt đầu từ năm 2016, các nhân tố địa - chính trị và kinh tế đã chiến thắng sự lo ngại từ lâu của Nga về việc Trung Quốc "sao chép" vũ khí Nga. Moscow khôi phục bán công nghệ vũ khí tiên tiến cho Bắc Kinh.
Lần này Nga tiếp tục xuất khẩu vũ khí công nghệ cao cho Trung Quốc vốn bị tạm dừng vào năm 2006. Trước đây, Nga tạm dừng xuất khẩu vì Trung Quốc sao chép lậu các vũ khí Nga như máy bay chiến đấu Su-27.
Sau khi Liên Xô giải thể, việc duy trì tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp quốc phòng Nga chủ yếu dựa vào hoạt động xuất khẩu vũ khí cho Ấn Độ và Trung Quốc.
Báo cáo chỉ ra, trên thực tế, tất cả các phương diện trong hợp tác quân sự giữa Trung Quốc và Nga đều "thuộc mức độ chặt chẽ nhất kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1989 đến nay".
Tháng 4/2015, Nga xác nhận sẽ bán nhiều nhất 6 tiểu đoàn hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho Trung Quốc trị giá 3 tỷ USD, sớm nhất sẽ bàn giao vào năm 2018.
Đồng thời, 4 chiếc đầu tiên trong số 24 máy bay chiến đấu Su-35 đặt mua đã được bàn giao cho Trung Quốc vào tháng 12/2016. Phi công Trung Quốc đang được đào tạo tại Nga.
Hai nước xích lại gần nhau là do nhân tố địa - chính trị toàn cầu. Bắc Kinh làm như vậy là do họ cho rằng Mỹ tiến hành ngăn chặn họ ở Biển Đông, đồng thời do Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến ở Hàn Quốc.
Có chuyên gia quân sự cho rằng Mỹ muốn duy trì ưu thế quân sự ít nhất một thế hệ đối với các nước khác. Nhưng, cùng với việc Trung Quốc đạt được tiến bộ về kinh tế, hiện nay Bắc Kinh đang tìm cách thu hẹp khoảng cách.
Đồng thời, Nga ngày càng bị cô lập về chính trị do "xâm phạm" Ukraine vào năm 2014, khẩn cấp tìm "đồng minh" từ Trung Quốc, đối phó NATO.
Báo cáo chỉ ra, quan hệ quân sự Trung - Nga đang gia tăng, nhưng liên minh theo kiểu NATO vẫn "khó dự đoán".
Báo cáo viết: "Sự khác biệt về chính sách và sự không tin cậy giữa hai bên có thể sẽ ngăn chặn hình thành quan hệ an ninh theo hướng liên minh toàn diện hơn".
Phong Vân
Theo Viettimes