F-22 sẽ được nâng cấp toàn diện để cùng mẫu F-35 hình thành cặp đôi siêu tiêm kích mạnh nhất của không quân Mỹ.
2 năm nữa mới chạy thử
Ngày 26/4, Trung Quốc đã hạ thủy tàu sân bay thứ hai tại Đại Liên, thành phố đông bắc nước này. Đây cũng là tàu sân bay tự chế đầu tiên của Trung Quốc.
Khi hạ thủy, tàu sân bay này vẫn chưa được đặt tên chính thức. Theo Tân Hoa xã Trung Quốc, chiếc tàu sân bay này được khởi công từ tháng 11/2013, được bắt đầu chế tạo tại xưởng đóng tàu từ tháng 3/2015. Năm 2015, Chính phủ Trung Quốc đã xác nhận sự tồn tại của chiếc tàu sân bay này.
Hiện nay, tàu sân bay này “đã hoàn thành chế tạo, các hệ thống thiết bị chủ yếu như điện, động cơ đã được lắp ráp”. Bước tiếp theo sẽ chạy thử hệ thống thiết bị và lắp ráp thiết bị trên tàu, đồng thời triển khai thử nghiệm toàn diện.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tiết lộ, chiếc tàu sân bay tự chế này có lượng giãn nước 50.000 tấn, sử dụng động cơ thông thường. Nó sẽ trang bị máy bay chiến đấu tự chế J-15 và các máy bay chiến đấu khác.
Người phát ngôn Ủy ban Đài Loan của Trung Quốc cùng ngày cho biết điều này có lợi cho tăng cường khả năng “bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích cốt lõi quan trọng”.
Chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc Juliette Genevaz thuộc Học viện quân sự, Viện nghiên cứu chiến lược Pháp cho rằng việc hạ thủy tàu sân bay mới này chỉ là một sự kiện mang tính tiêu chí, phải mất khoảng 2 năm nữa thì mới tiến hành chạy thử trên biển thực sự lần đầu tiên. Nó còn phải tiến hành lắp ráp các bộ phận khác.
Trước khi tàu sân bay này hạ thủy, Hải quân Trung Quốc đã tổ chức lễ kỷ niệm tròn 68 năm thành lập. Trong khi đó, bán đảo Triều Tiên đang diễn ra một đợt đối đầu căng thẳng mới.
Khác biệt với tàu sân bay Liêu Ninh
Nhìn vào các hình ảnh do báo chí Trung Quốc đăng tải, tàu sân bay tự chế đầu tiên Type 001A này có rất nhiều điểm giống với tàu sân bay Liêu Ninh như trọng tải, phương thức cất hạ cánh máy bay, ngoại hình tổng thể. Nhưng, đã có sự khác biệt rất lớn về đảo tàu, kết cấu thân tàu và rất nhiều chi tiết khác.
Trong đó, đảo tàu nhỏ hơn, kết cấu được cải thiện. Đảo tàu của Type 001A nhỏ hơn tàu sân bay Liêu Ninh khoảng 10%.
Đường băng tàu sân bay Type 001A vẫn là đường băng “nghiêng”, nhưng lớn hơn tàu sân bay Liêu Ninh. Do thể tích đảo tàu nhỏ hơn, phía trước đảo tàu đã tăng ít nhất một điểm đậu máy bay. Số lượng điểm đậu máy bay trên tàu tăng lên, hiệu suất điều động máy bay cũng được cải thiện.
Tàu sân bay Type 001A được thiết kế lại “cục bộ”, điều chỉnh kết cấu như di dời “giếng phóng” tên lửa, dành không gian cho nhà chứa máy bay. Dự tính, diện tích nhà chứa máy bay của tàu Type 001A sẽ tăng khoảng 10% so với tàu Liêu Ninh.
“Đống kim loại cồng kềnh”
Tàu sân bay Type 001A Trung Quốc hạ thủy đánh dấu một cột mốc quân sự quan trọng của Trung Quốc, cho thấy Trung Quốc có tham vọng không ngừng mở rộng hạm đội hải quân, tiếp tục thúc đẩy “bành trướng quân sự” ra Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Theo nhà nghiên cứu Alex Neill thuộc Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế, tàu sân bay mới của Trung Quốc có thể mang theo nhiều nhiên liệu hơn, có thể chạy được khoảng cách xa hơn. Nó có thể triển khai ở Biển Đông và Ấn Độ Dương.
Nhà nghiên cứu Richard Bitzinger, Viện nghiên cứu quốc tế, Đại học công nghệ Nanyang, Singapore cho rằng mặc dù việc hạ thủy tàu sân bay lần này đã cho thấy Trung Quốc đạt được thành quả trong phát triển tàu sân bay, nhưng còn lạc hậu xa so với Mỹ.
Hiện nay, Mỹ sở hữu 10 tàu sân bay, đầu tháng này đã hoàn thành chạy thử trên biển siêu tàu sân bay động cơ hạt nhân thế hệ mới lớp Ford, lượng giãn nước 100.000 tấn, có thể hoạt động liên tục trong 90 ngày mà không cần tiếp tế.
Mặc dù hệ thống phòng thủ của tàu sân bay Trung Quốc có thể được tăng cường, nhưng điều quan trọng hơn là tàu sân bay này sẽ nâng cao khả năng tấn công như thế nào.
Theo nhà nghiên cứu Alex Neill: “Nếu không thể dùng cho chiến tranh hoặc không có sự hỗ trợ của tàu hậu cần, tàu sân bay chính là một đống kim loại cồng kềnh. Vì vậy, Trung Quốc đang tăng mạnh tàu hộ tống cho tàu sân bay.
Phong Vân
Theo Viettimes.vn