Trung Quốc ra mắt tàu sân bay tự đóng trong bối cảnh căng thẳng Triều Tiên tăng cao và tình hình biển Đông tiềm ẩn nhiều nguy cơ va chạm an ninh.
Tàu sân bay tự đóng là bàn đạp để Trung Quốc vươn ra khu vực
- Cập nhật : 26/04/2017
Chiếc tàu sân baytự đóng được cho là sẽ giúp Trung Quốc tăng cường khả năng triển khai lực lượng quân sự ra các khu vực xung quanh như Biển Đông, Hoa Đông.
Trung Quốc ngày 26/4 hạ thủy tàu sân bay nội địa đầu tiên Type-001A, trở thành tàu sân bay thứ hai được biên chế cho hải quân Trung Quốc (PLAN), chứa đựng nhiều tham vọng của lực lượng này, theo Sputnik.
Type-001A được cho là có thiết kế tương đồng với Liêu Ninh, tàu sân bay Trung Quốc mua từ Ukraine với giá 25 triệu USD. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nó sẽ khắc phục được các nhược điểm nhất định của con tàu này.
Theo đó, Type-001A sẽ được trang bị hệ thống điện tử tiên tiến hơn tàu Liêu Ninh. Các lỗi nhỏ đã được khắc phục hoàn toàn, dựa trên kinh nghiệm Trung Quốc thu được trong quá trình sử dụng Liêu Ninh. Khoang tàu được thiết kế hợp lý hơn, giúp tăng số lượng máy bay Type-001A có thể mang theo.
Theo chuyên gia quân sự Vasily Kashin, cùng với tàu sân bay Liêu Ninh đang trong biên chế, Type-001A nhiều khả năng sẽ chỉ hoạt động trên khu vực gần bờ như Biển Đông, biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan, thay vì triển khai ở các đại dương xa xôi, giúp giảm chi phí vận hành và tăng cường độ tin cậy.Với chức năng này, ông Kashin cho rằng tàu Type-001A sẽ thực hiện nhiệm vụ gần các đảo nhân tạo Trung Quốc cải tạo phi pháp trên Biển Đông, như phòng thủ tên lửa, trinh sát và nhận dạng mục tiêu. Tàu sân bay sẽ là trung tâm của đội hình tác chiến Trung Quốc, phối hợp với các tàu chiến khác thực hiện chiến lược chống tiếp cận/xâm nhập khu vực (A2/AD).
"Sự hiện diện của các tàu sân bay Trung Quốc sẽ gây rắc rối cho lực lượng không quân chống ngầm và khả năng liên lạc của quân đội các nước trong khu vực. Chúng cũng là bàn đạp để Trung Quốc triển khai oanh tạc cơ H-6K, đồng thời tăng cường khả năng phòng không cho hải quân nước này", Kashin nhận định.
Chuyên gia này cũng cho rằng Bắc Kinh sẽ sử dụng hai tàu sân bay trong biên chế để bảo vệ vùng cảnh báo tác chiến cho các tàu ngầm Trung Quốc hoạt động ở Biển Đông.
Trong những năm gần đây, PLAN đã được Trung Quốc mạnh tay đầu tư, hiện đại hóa để trở thành một lực lượng sở hữu nhiều tàu chiến có uy lực. Bắc Kinh từng khởi động nhiều dự án thiết kế và chế tạo tàu ngầm, tàu khu trục, tàu hộ tống tiên tiến từ thập niên 1990.
"Dù còn thua kém nhiều so với tàu sân bay Mỹ, hàng không mẫu hạm Trung Quốc sẽ giúp họ tăng cường đáng kể năng lực hải quân trong trường hợp nổ ra xung đột ở các khu vực như Biển Đông và biển Hoa Đông", chuyên gia Kashin kết luận.
Hòa Việt
Theo Vnexpress