Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế cho hay, Trung Quốc đang bắt đầu xuất khẩu các loại vũ khí mà nước này tự sản xuất bao gồm máy bay không người lái vũ trang và chất lượng "gần ngang bằng" với công nghệ quân sự của phương Tây.
Tương lai Hải quân Nga khi tàu ngầm mang tên lửa Zircon
- Cập nhật : 14/02/2017
Với bán kính chiến đấu khoảng 600km, tên lửa 3M22 Zircon sẽ là trụ cột của Hải quân Nga khi nó được trang bị cho cả tàu ngầm lẫn chiến hạm.
Phương tiện trang bị
Hãng RIA Novosti dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết, các tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga đang phát triển dòng tàu ngầm hạt nhân tấn công thế hệ thứ 5 được trang bị tên lửa hành trình siêu thanh thế hệ mới...
Đại diện Hải quân Nga cho biết: "Viện thiết kế Malakhit đang phát triển thế hệ tàu ngầm tấn công mới lớp Khansky. Thế hệ tàu ngầm nguyên tử mới sẽ được tích hợp tên lửa hành trình siêu thanh Zircon đang trong giai đoạn hoàn thiện".
Trước đó, lãnh đạo Ủy ban đặt hàng Quốc phòng quốc gia Nga, thuộc Tập đoàn Đóng tàu thống nhất Anatoly Smelov cho biết, đơn vị này đã nhận yêu cầu phát triển dòng tàu ngầm hạt nhân thế hệ 5, gồm hai phiên bản:
Tàu ngầm săn ngầm và tàu ngầm mang tên lửa hành trình diệt hạm tầm xa (làm nhiệm vụ diệt tàu sân bay). Cả hai dòng tàu ngầm trên sẽ được thiết kế trên khung thân chung, chỉ khác biệt ở cách bố trí khoang và vũ khí trang bị.
Tuong lai Hai quan Nga khi tau ngam mang ten lua Zircon Rất có thể 3M22 Zircon được phát triển theo nguyên mẫu BrahMos II.
Như vậy, cùng với tàu ngầm hạt nhân thế hệ 5, các siêu tuần dương hạm hạt nhân thuộc dự án 11.442M lớp Kirov mang tên Pyotr Veliky (hoàn thành 2022) và Đô đốc Nakhimov (hoàn thành cuối 2018) sẽ được trang bị loại tên lửa 3M22 Zircon.
Hãng tin TASS trích dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga hồi cuối năm 2016 cho biết, tuần dương hạm Pyotr Veliky sẽ được trang bị 3M22 Zircon sau khi nó được nâng cấp. Theo kế hoạch, con tàu này sẽ đi vào sửa chữa từ quý 4 năm 2019 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022.
Hiện Phòng thiết kế KBSM - một công ty con của Almaz-Antei đã nhận được hợp đồng trị giá khoảng 37,8 triệu USD để thiết kế hệ thống phóng thẳng đứng (VLS) mới, thay thế 20 bệ phóng cũ của tên lửa chống tàu P-700 Granit, có tầm phóng trên 600km.
Sau đó, Nhà máy đóng tàu Sevmash kết hợp với KBSM sẽ thiết kế lắp đặt 10 cụm, mỗi cụm 8 ống phóng thẳng đứng (VLS) 3S-14/11442M (tuần dương hạm lớp Kirov có 80 ống phóng), có khả năng phóng tất cả các loại tên lửa như P-800 Onyx, Kalibr-NK và 3M22 Zircon.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia quân sự Nga nhận định, các hệ thống phóng 3S-14 VLS có thể sẽ áp dụng cơ chế sử dụng tên lửa kép, tức là sử dụng tên lửa hành trình chống hạm 3M22 Zircon và tên lửa hành trình tấn công mặt đất 3M-14T của hệ thống Kalibr-NK.
Không có loại thứ 2
Hãng RIA Novosti dẫn lời một đại diện cấp cao của tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga cho biết, nhà sản xuất nước này đang thực hiện các cuộc thử nghiệm đầu tiên của tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh 3M22 Zircon, có tốc độ nhanh nhất thế giới.
Vị đại diện này cho biết, những nguyên mẫu tên lửa Zircon đầu tiên đã được chế tạo xong và đang trải qua thử nghiệm trên các bệ phóng trên mặt đất. Đây sẽ là những thử nghiệm cơ sở quan trọng cho quá trình phát triển các biến thể phóng trên hạm và trên máy bay của dòng tên lửa này.
Thông báo trên cho thấy tốc độ phát triển cực nhanh của dòng tên lửa được cho là bước đột phá trong tương lai, được các chuyên gia quân sự thế giới đánh giá là sát thủ số 1 thế giới trong lĩnh vực tên lửa hành trình chống hạm.
Trước đây, trong buổi công bố kế hoạch nâng cấp siêu tuần dương hạng nặng hạt nhân (TARKR) mang tên Đô đốc Nakhimov, thuộc dự án 11.442M, lớp Orlan (NATO định danh lớp Kirov), các quan chức Nga cho biết là tên lửa sẽ thử nghiệm năm 2020, nhưng hiện nay nó đã bắt đầu thử nghiệm.
Cơ sở phụ trách phát triển tổ hợp tên lửa chống hạm siêu thanh Zircon là Tập đoàn tên lửa chiến lược (thuộc NPO Mashinostroenie) - nhà sản xuất tên lửa hàng đầu của Nga và thế giới. Đến nay người ta chỉ biết rằng, tên lửa 3M22 Zircon sẽ có tốc độ tối đa lên tới Mach 6 và có khả năng phá hủy mục tiêu trong bán kính khoảng 400 - 600 km và có thể hơn nữa.
Có giả thiết cho rằng, Zircon là phiên bản siêu thanh thế hệ mới, được phát triển từ tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos (phiên bản BrahMos Block II). Điều này cũng tương tự như việc Nga và Ấn Độ đã phát triển BrahMos trên cơ sở tên lửa P-800 Onyx.
Điều này hoàn toàn có cơ sở khi hồi cuối năm 2016, công ty BrahMos Aerospace đã tiết lộ rằng, phiên bản siêu thanh của BrahMos (BrahMos Block II) với vận tốc có thể lên tới Mach 7 và tầm phóng 300km, vốn được hoàn thành thiết kế từ năm 2012, cũng sẽ được đưa vào thử nghiệm trong năm 2017 và hoàn tất trong vòng 3-4 năm tới.
Tên lửa Brahmos-II được ra mắt tại Triển lãm hàng không quốc tế Ấn Độ ngày 6/2/2013, tại căn cứ không quân Yella Hanka ở Bangalore. Tuy thuộc họ BrahMos nhưng ngoại hình của phiên bản này khác hoàn toàn so với các anh chị em của nó và giống hệt như loại tên lửa siêu thanh X-51A Waverider của Mỹ.
Ngoài ra, việc cha đẻ của Zircon là NPO Mashinostroenie, cũng là nhà đại diện cho Nga trong liên doanh Nga-Ấn mang tên BrahMos Aerospace, thành lập năm 1998 (Ấn Độ là cổ đông lớn hơn với 50,5% cổ phần, còn Nga 49,5%) cũng cho thấy rằng, rất có thể giữa Zircon và BrahMos có mối liên quan với nhau.
Đến khi 3M22 Zircon được đưa vào sử dụng chính thức, nó sẽ trở thành tên lửa hành trình chống hạm số 1 thế giới bởi tốc độ tấn công kinh hoàng và hệ dẫn đường cực kỳ tiên tiến, khiến không hệ thống phòng thủ nào hiện có và tương lai có khả năng đánh chặn được.
Tuấn Hưng
Theo Báo Đất Việt