Báo cáo của Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ - Trung, Quốc hội Mỹ đánh giá: Hợp tác quốc phòng Nga - Trung đang ở thời kỳ đỉnh cao khi Nga bán cho Trung Quốc nhiều vũ khí trang bị tiên tiến, tổ chức tập trận chung có mức độ phức tạp cao, cùng đối phó Mỹ và đồng minh.
Việt Nam nhận Gepard năm 2017, động cơ tự mua từ Ukraine?
- Cập nhật : 22/03/2017
Theo các quan chức Nga, cặp tàu hộ vệ lớp Gepard-3.9 thứ hai vẫn sẽ được bàn giao đúng hạn cho hải quân Việt Nam trước khi kết thúc năm 2017
Việt Nam sẽ nhận 2 tàu Gepard trong năm 2017
Hiện Nga đang hoàn tất khâu chuẩn bị để chuyển giao cho Hải quân Việt Nam cặp thứ hai tàu hộ vệ lớp Gepard-3.9 - ông Renat Mistakhov Tổng Giám đốc nhà máy đóng tàu Zelenodolsk cho biết hôm 20-3, trong khuôn khổ cuộc Triển lãm vũ khí LIMA-2017 ở Malaysia.
"Trong nửa cuối của năm 2017, cặp tàu sẽ được bàn giao về cho Việt Nam, hiện nay, công tác chuẩn bị của chúng đang diễn ra theo đúng kế hoạch” - vị quan chức Nga còn cho biết thêm rằng, phía Việt Nam thể hiện sự quan tâm lớn tới đơn đặt hàng này.
Hiện chiếc tàu hộ vệ đầu tiên trong cặp thứ 2 đã thực hiện xong các thành tố của đợt kiểm tra-thử nghiệm cấp Nhà nước. Bây giờ, con tàu này đang được hoàn thiện những chi tiết cuối cùng, song song với công tác huấn luyện thủy thủ đoàn" - ông Renat Mistakhov cho biết thêm.
Theo lời ông, chiếc tàu hộ vệ thứ 2 của cặp này đang trong quá trình kiểm tra cấp Nhà nước tại Novorossiysk, theo đúng kế hoạch đã định.
Tại tất cả các cuộc bắn thử tên lửa và kiểm tra tàu đều có hiện diện của phía Quân đội Việt Nam, gồm cả Phó Tư lệnh Hải quân. Các chuyên gia Việt Nam trực tiếp theo dõi tiến độ kiểm tra cũng như đánh giá rất cao về kết quả của các cuộc thử nghiệm.
Trước đó, giới chức lãnh đạo công nghiệp quốc phòng Nga cũng nhấn mạnh rằng, nhà máy đóng tàu thành phố Zelenodolsk mang tên Gorky sẽ chuyển giao hai tàu hộ vệ lớp Gepard 3.9 cho Hải quân Việt Nam theo đúng tiến độ, mặc dù Ukraine từ chối cung cấp các phụ kiện.
"Việc giao hàng theo kế hoạch vào năm 2017, là những vấn đề nan giải mà phía Nga gặp phải, do chúng tôi không được cung cấp các thiết bị phù hợp, trong đó có động cơ. Do đó, việc bàn giao hai tàu đã bị chậm trễ khoảng 1 năm - Giám đốc nhà máy Renat Mistahov thông tin cho các nhà báo.
Ông cũng khẳng định rằng, Nga đã giải quyết xong các khúc mắc này để đảm bảo đúng tiến độ giao hàng. Tuy nhiên, có nguồn tin cho biết, sau khi Kiev cắt đứt quan hệ hợp tác kỹ thuật với Moscow ngay từ đầu năm 2015, phía Việt Nam đã nhạy bén chuyển sang đàm phán trực tiếp với Ukraine về vấn đề động cơ.
Cuối cùng Việt Nam ký kết thoả thuận để mua động cơ trực tiếp từ Ukraine. Các thủ tục hoàn tất vào đầu tháng 8/2015, và đến ngày 17/10/2015, các động cơ M44E đã được chuyển sang Nga cho Nhà máy Zelenodolsk lắp ráp trên cặp tàu Gepard thứ 2.
Các chuyên gia nhận định rằng, rất có thể là Việt Nam sẽ mua tiếp vài động cơ nữa để trang bị cho cặp tàu Gepard thứ 3 và để dự trữ, hoặc chờ mua loại động cơ tàu chiến mới của Nga đang phát triển để lắp đặt trên cặp tàu Gepard thứ 3.
Cặp tàu hộ vệ thứ nhất lớp Gepard-3.9 được đóng tại Nhà máy Zelenodolsk vào năm 2007 và bàn giao cho hải quân Việt Nam năm 2011, mang số hiệu 011 Đinh Tiên Hoàng và 012 Lý Thái Tổ. Hai tàu này được thiết kế thiên về tấn công đối hạm.
Hợp đồng chế tạo cặp thứ hai được ký kết vào năm 2012. Cặp tàu hộ vệ này được Việt Nam đặt đóng với ý định nâng cao sức mạnh tác chiến chống ngầm nên được trang bị thêm nhiều hệ thống trinh sát, phát hiện và cả các vũ khí chống ngầm mạnh mẽ.
Sau một số trục trặc, chủ yếu là về vấn đề động cơ khiến việc chế tạo bị trì hoãn, chiếc tàu Gepard thứ 3 của Việt Nam (tức chiếc thứ nhất của cặp thứ 2) đã được hạ thủy vào ngày 28/4/2016, còn chiếc thứ hai đã được hạ thủy vào ngày 26/5/2016.
Theo nguồn tin từ giới công nghiệp quốc phòng Nga cho biết, Việt Nam đang có kế hoạch đặt mua cặp chiến hạm thứ ba, cũng được đóng tại Nhà máy đóng tàu Zelenodolsk. Các chi tiết về hợp đồng thứ 3 này chưa được tiết lộ, tuy nhiên, có nguồn tin cho biết, sẽ thay thế tên lửa chống hạm Kh-35 Uran-E bằng tên lửa hành trình Kalibr
Toàn Thắng
Theo Báo Đất Việt