Trước việc báo chí quốc tế bình luận xung quanh thông tin Việt Nam sắp nhận lô tên lửa Brahmos đặt mua của Ấn Độ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định, đó là một hoạt động hợp tác quốc phòng bình thường giữa hai nước.
Việt Nam xuất khẩu khí tài an ninh: Kỳ vọng rất lớn
- Cập nhật : 16/08/2017
Việt Nam có thể có được chỗ đứng và nhiều tiềm năng để xuất khẩu khí tài an ninh, nhất là những ngành trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Ngày 14/8, phát biểu trong họp báo giới thiệu Triển lãm Quốc tế về An ninh (HSE) 2017, Trung tướng Nguyễn Thế Quyết, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Bộ Công an cho biết, đơn vị này đang có chủ trương hợp tác trao đổi, chuyển giao công nghệ với các quốc gia đối tác, tiến tới tự tổ chức sản xuất khí tài ở Việt Nam.
“Xuất khẩu quân trang, công cụ hỗ trợ ra nước ngoài cũng là một nội dung được hy vọng đẩy mạnh trong thời gian tới”, ông Quyết nhấn mạnh.
Trung tướng Nguyễn Thế Quyết tin tưởng, triển lãm quốc tế về an ninh năm 2017 sẽ là cầu nối giúp các đơn vị trong ngành trực tiếp giới thiệu sản phẩm đến các đối tác trong và ngoài nước đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ chiến sĩ làm quen với khí tài, trang bị hiện đại của nước ngoài.
Việt Nam có thể có được chỗ đứng và nhiều tiềm năng để xuất khẩu khí tài an ninh, nhất là những ngành trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Ảnh minh họa
Trao đổi với Đất Việt, ông Lê Việt Trường, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban An ninh quốc phòng của Quốc hội khẳng định bản thân không quá ngạc nhiên trước thông tin trên.
Theo ông Trường, trước đây khi còn thời kỳ chiến tranh lạnh, khí tài an ninh nặng về tính năng kỹ thuật của cơ khí. Tuy nhiên đến thời điểm này khi công nghiệp 4.0 xuất hiện thì Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong việc thiết kế các loại vũ khí khí tài cũng như giao lưu học hỏi từ các quốc gia khác.
“Việt Nam là quốc gia đi tắt, đón đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin cho nên hoàn toàn có khả năng trong tầm tay sản xuất khí tài an ninh để xuất khẩu. Vấn đề là tổ chức sản xuất như thế nào, phân khúc ra sao? Đây là nhiệm vụ cụ thể của Bộ, ngành được giao trọng trách”, ông Trường nhấn mạnh.
Ông Trường cho rằng, khí tài mà Việt Nam có thế mạnh phải là khí tài dựa vào năng lực của đội ngũ có chuyên môn sâu về công nghệ thông tin.
“Ứng dụng những cái đó thì Việt Nam sẽ có cơ hội. Chẳng hạn thiết bị nghe nhìn, các thiết bị về thông tin liên lạc. Những sản phẩm trên Việt Nam hoàn toàn có thể có thế mạnh”, ông Trường nói.
Dù thừa nhận Việt Nam đã đạt được 1 số thành tựu nhất định trong lĩnh vực công nghệ thông tin và thông tin liên lạc.
Tuy nhiên so với các quốc gia tiên tiến, dẫn đầu về lĩnh vực này thì chúng ta vẫn là thế hệ đi sau.
“Việt Nam có thể đặt mục tiêu như thế để phấn đấu và lựa chọn những phân khúc mà mình có khả năng. Tuy nhiên trên thực tế sự cạnh tranh là hết sức khốc liệt. Các quốc gia tiên tiến trên thế giới đã đi trước chúng ta rất nhiều. Cho nên Việt Nam có thể có được chỗ đứng nhưng thị phần sẽ không lớn và có phần khiêm tốn”, ông Trường nêu quan điểm.
Hà Hoàng
Theo Báo Đất Việt