Như Infonet đã thông tin, Việt Nam là Nhà nước đầu tiên đặt chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong bài này, chúng tôi tiếp tục cung cấp cho độc giả góc nhìn về chứng lý và pháp luật từ sách 'Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông'.
Đề xuất giải pháp đấu tranh chủ quyền lâu dài ở biển Đông
- Cập nhật : 12/10/2016
Từ những thực tiễn, chứng lý và pháp luật, mà Infonet đã lần lượt chuyển đến độc giả, cuốn sách “Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông” còn nêu ra những "tia sáng" và những giải pháp cho tình hình phức tạp ở Biển Đông.
5 đề xuất, sáng kiến nổi bật của giới học thuật về vấn đề Biển Đông
Tranh chấp Biển Đông hết sức phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây căng thẳng, xung đột, làm nguy hại đến hòa bình, an ninh, sự ổn định của khu vực và thế giới. Muốn giải quyết cơ bản được các loại tranh chấp này, nhiều học giả và chính khách đã từng nêu ra nhiều sáng kiến có giá trị. Sau đây là một số sáng kiến đáng được cân nhắc:
Thứ nhất: Thống nhất được cách giải thích và vận dụng các tiêu chuẩn để xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của các quốc gia ven biển ở xung quanh Biển Đông, như: Việc xác định hệ thống đường cơ sở ven bờ lục địa, ven bờ các hải đảo xa bờ, hệ thống đường cơ sở quốc gia quần đảo, thống nhất các tiêu chuẩn để tính hiệu lực của các đảo trong việc hoạch định ranh giới biển, thềm lục địa…
Thứ hai: Thống nhất được phạm vi biển, thềm lục địa chồng lấn được hình thành từ các yêu sách của các quốc gia ven biển theo đúng các tiêu chuẩn của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Thứ ba: Thống nhất các tiêu chuẩn xác định phạm vi biển và thềm lục địa của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, với tư cách là những quần đảo xa bờ, không phải là quốc gia quần đảo; các đảo ở đây có diện tích rất nhỏ, không thích hợp với đời sống con người, không có đời sống kinh tế riêng…
Thứ tư: Thống nhất nguyên tắc pháp lý và thực tiễn quốc tế áp dụng cho việc xác định quyền thụ đắc lãnh thổ quốc gia đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa để giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với hai quần đảo này.
Thứ năm: Nếu yêu sách nào đã đưa ra không phù hợp với những tiêu chuẩn đã được thống nhất thì phải bị coi là vô giá trị, quốc gia nào đã đưa ra yêu sách đó phải từ bỏ nó với một tinh thần thực sự cầu thị, tôn trọng luật pháp, thực tiễn quốc tế, vì lợi ích, hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và quốc tế.
Những trang tâm huyết trong cuốn sách "Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông" nêu ra những giải pháp cho cuộc đấu tranh chủ quyền lâu dài |
Và những “tia sáng” trong vấn đề Biển Đông
Trong thực tiễn quốc tế, có không ít những tấm gương về trách nhiệm và tinh thần cầu thị của một số quốc gia khi tham gia đàm phán xác định ranh giới biển. Đàm phán phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc là một ví dụ điển hình: Việt Nam đã đồng ý cùng với Trung Quốc đàm phán phân định Vịnh Bắc Bộ bằng con đường thỏa thuận thông qua thương lượng hữu nghị, trên cơ sở luật pháp và thực tiễn quốc tế, có tính đến các hoàn cảnh hữu quan trong vịnh, nhằm đi đến một giải pháp công bằng mà cả hai bên đều có thể chấp nhận được. Kết quả là ngày 25/12/2000 tại Bắc Kinh, hai nước đã chính thức ký Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, kết thúc quá trình đàm phán kéo dài 27 năm với 3 vòng đàm phán chính: năm 1974,1977-1978 và từ năm 1992-2000. Trong Tuyên bố chung Việt Nam- Trung Quốc ngày 25/12/2000 đã nhấn mạnh : Việc hai nước ký kết “Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” và “Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ giữa nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, “Hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” có ý nghĩa lịch sử sâu rộng, sẽ thúc đẩy mạnh hơn nữa trong thế kỷ XXI. Có thể nói rằng, cùng với việc đã và đang giải quyết các tranh chấp trên biển với các nước láng giềng có liên quan, việc ký kết Hiệp định này là bước tiến mới trong việc xây dựng môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác giữa Việt Nam với các nước trong khu vực, góp phần tích cực vào việc củng cố hòa bình ổn định trong khu vực và thế giới. Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ cũng có những đóng góp trong thực tiễn áp dụng và phát triển luật quốc tế về phân định biển giữa các nước có bờ biển vừa đối diện vừa tiếp giáp với các địa hình đáy sông, đáy biển, vấn đề cửa vịnh, vấn đề eo biển quốc tế, giá trị của bản đồ trong hiệp ước biên giới…
Đường ranh giới sau khi phân định vịnh Bắc bộ. Nguồn TTO |
Chúng ta tin rằng các bên liên quan trong Biển Đông sẽ tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được trong thời gian qua để trước hết là phải từ bỏ các yêu sách đơn phương về biên giới biển 9 đoạn bao lấy 80% diện tích Biển Đông mà phía Trung Quốc đã sử dụng dựa theo tờ bản đồ do một công dân ở Đài Loan (Trung Quốc) tự ý vẽ ra từ năm 1946…; tiếp đến, cùng nhau tìm được một mẫu số chung, làm cơ sở pháp lý cho mọi diễn đàn giải quyết các tranh chấp có thể có trong thời gian tới theo các nội dung đã đề cập ở trên. Thực hiện được những nội dung nói trên là điều không dễ dàng, thiết nghĩ cần có biện pháp và lộ trình thực hiện một cách thiết thực.
Trước hết, phương châm có thể áp dụng trong bối cảnh hiện nay là : “Dễ giải quyết trước; Khó giải quyết sau”. Vì vậy, trước mắt chúng ta hãy tạm gác vấn đề giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa; tạm thời giữ nguyên hiện trạng của các bên tranh chấp trên hai quần đảo này; mỗi đảo có người ở cho phép có phạm vi biển rộng 12 hải lý bao quanh, các bãi cạn nửa nổi nửa chìm nên có công trình nhân tạo trên đó thì chỉ có vùng an toàn 500 mét bao quanh để thực hiện quản lý, bảo vệ theo quy chế của nội thủy, lãnh hải của bên đang chiếm đóng.
Ngoài phạm vi biển của các đảo, bãi cạn đó, các bên sẽ thống nhất ranh giới biển và thềm lục địa theo đúng tiêu chuẩn của Công ước Luật Biển năm 1982 để xác định các khu vực chồng lấn nhằm tiến tới xác định ranh giới biển, thềm lục địa. Trong khi các bên chưa thống nhất được ranh giới cuối cùng, có thể tính đến một giải pháp tạm thời “hợp tác khai thác chung” (joint development) trong các vùng chồng lấn được hình thành từ những yêu sách mà các bên liên quan đã vận dụng nghiêm túc các quy định của Công ước về Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp quốc.
Biển Đông nổi sóng hay yên bình đang là một vấn đề được tất cả các quốc gia trong khu vực và thế giới quan tâm. Nó phụ thuộc vào thiện chí và trách nhiệm chính trị của các bên liên quan, kể cả ở trong khu vực và ngoài khu vực.
Mặc dù vẫn còn đó tiềm ẩn của những nguy cơ Biển Đông nổi sóng to gió lớn. Tuy nhiên, điều quan trọng là ngày nay nhân loại đã nhận dạng được nguyên nhân gây ra những cơn sóng dữ, với những quyết tâm chính trị và nỗ lực không ngừng của cộng đồng khu vực và quốc tế, chắc chắn sẽ tìm được biện pháp ngăn chặn và đè bẹp chúng để giữ cho Biển Đông được bình yên vốn có như từ thuở hồng hoang.
Hải quân Việt Nam luôn chắc tay súng bảo vệ chủ quyền đất nước |
Cần đưa cuốn sách này tới tay tất cả người dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế |
Đôi điều về cuốn sách Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông Cuốn sách "Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông" do Ts Trần Công Trục chủ biên, NXB Thông tin và Truyền thông ấn hành được hoàn thành với sự tham gia của các thành viên: - Nội dung chương 1: ThS. Nguyễn Thị Bình - Nội dung chương 2, 4: TS. Trần Công Trục - Nội dung chương 3: TS Nguyễn Nhã Trong cuốn sách có sử dụng một số ảnh tư liệu của UBND huyện Hoàng Sa, TS. Nguyễn Bắc Son, TS. Trần Công Trục, ông Vũ Văn Tỵ... Một lần nữa, BBT Infonet xin chân thành cảm ơn NXB Thông tin và Truyền thông, chủ biên TS Trần Công Trục và các tác giả! |
Hồng Chuyên// Theo InfoNet
(Lược trích từ sách “Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông”)