Nghiên cứu những quan điểm, học thuyết để xây dựng hay hoạch định chính sách biển là vấn đề khó nhưng rất căn bản. Nhận thức về biển đảo của chúng ta đúng sẽ có một chính sách biển phù hợp và mang tính toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Biển Đông: Đài Loan xây gì trên đảo Ba Bình?
- Cập nhật : 04/03/2017
Nhật báo Hong Kong Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng trích dẫn một tờ báo địa phương của Đài Loan cho biết có “bốn cấu trúc kiên cố” được xây dựng trên Ba Bình do Đài Loan kiểm soát và gọi là đảo Thái Bình. Giới chuyên gia đặt câu hỏi “Đài Loan xây gì trên đảo này?”
Có nhiều lời đồn đoán tại Đài Loan rằng đó là các ụ pháo phòng không. Đặc biệt việc các quan chức chính quyền Đài Loan từ chối “tiết lộ về bất kỳ cơ sở quân sự nào ở Ba Bình và mục đích của chúng là gì” do tính chất bí mật, càng làm gia tăng các lời đồn đoán. Trên thực tế, Đài Bắc đã tăng cường củng cố hệ thống phòng thủ trên đảo Ba Bình ngay sau khi có phán quyết của Toà Trọng tài về tranh chấp biển giữa Trung Quốc và Philippines. Trong phán quyết, Toà cho rằng Ba Bình không phải là “đảo”, mà chỉ là “đá” và do vậy không có vùng lãnh hải 12 hải lý xung quanh.
Các cấu trúc Đài Loan xây dựng trên Ba Bình là khá nhạy cảm và dường như có mục đích quân sự, song điều đó cũng không thể khẳng định chắc chắn rằng Đài Loan sẽ đưa tên lửa đất đối không lên Ba Bình sau phán quyết của Tòa. Nhiều nhà bình luận cho rằng, Đài Loan đang tìm cách để tăng cường khả năng tình báo, giám sát và trinh sát xung quanh đảo Ba Bình. Thực tế cho thấy, mặc dù Đài Loan luôn có lập trường: Ba Bình phải được công nhận là một hòn đảo thực sự theo luật pháp quốc tế, tuy nhiên vùng lãnh thổ này không thường xuyên tìm cách hạn chế các hoạt động hàng hải trong vùng lãnh hải và tiếp giáp lãnh hải của Ba Bình. Việc Đài Loan cải thiện khả năng kiểm tra, giám sát trên Ba Bình có thể thấy vùng lãnh thổ này đã nhận ra lợi ích trong việc điều tiết trực tiếp các hoạt động của tàu nước ngoài tại vùng biển gần đó. Và cuối cùng có thể Đài Loan sẽ xây dựng những cơ sở để triển khai hệ thống phòng không của vùng lãnh thổ này như các hệ thống phòng thủ tên lửa Thiên Cung.
Vào đầu tháng 2/2016, Giám đốc tổ chức Sáng kiến Minh bạch Biển châu Á (AMTI) Gregory Poling và cựu quan chức ngoại giao Philippines, hiện là cây bút của tạp chí Manilla Bulletin, Jose Abeto Zaide, đã đi thăm đảo Ba Bình. Đây là lần đầu tiên sau 15 năm những người nước ngoài được thăm đảo Ba Bình. Hai ông đã không xác nhận bất kỳ một cấu trúc hay một kế hoạch xây dựng hệ thống phòng không nào ở phía Tây của đường băng trên đảo Ba Bình dù một bức ảnh được công bố bởi AMTI đã cho thấy có một rada được lắp đặt tại Ba Bình.Thực tế đã có cấu trúc như vậy trên đảo Ba Bình, song Đài Loan chưa muốn công khai, làm rõ tại thời điểm này. Phản ứng của Đài Loan đối với phán quyết ngày 12/7 của Tòa là phủ nhận phán quyết, với thông báo của cơ quan ngoại giao về nội dung phán quyết liên quan tới đảo Ba Bình là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”.
Đài Loan đã đưa ra giải pháp tiếp tục kiểm soát Ba Bình như đã làm trước khi Tòa ra phán quyết và sử dụng Ba Bình để hỗ trợ ngư dân của vùng lãnh thổ này hoạt động gần đó. Việc đặt một hệ thống phòng không trên đảo Ba Bình dù không hoàn toàn đi kèm với các yêu sách khác, nhưng đối với Trung Quốc và Việt Nam, hai nước có yêu sách chủ quyền trên Biển Đông, đây là một động thái bất ngờ và khiêu khích của Đài Loan. Trả lời câu hỏi của “The Diplomat” về các bức ảnh chụp từ vệ tinh, ông Gregory Poling cho biết “những bức ảnh này cho thấy các cấu trúc được xây dựng trên Ba Bình sau thời điểm tháng 8/2015 và hoàn thành vào tháng 1/2016. Tuy nhiên, khi đến thăm Ba Bình vào tháng 2/2016, tôi đã không nhìn thấy các cấu trúc này, có thể chúng đã được ngụy trang, song cũng không thể suy đoán nhiều hơn từ các bức ảnh vệ tinh trên”.
Theo “The Diplomat”
Lê Quang (gt)
Nguồn:nghiencuubiendong.vn