Bài viết đề cập chủ yếu đến những điểm còn tranh cãi trong nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế. Ngoài ra, bài viết cũng xem xét đến các cam kết giữa Việt Nam và Trung Quốc trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông.
COC là Bộ Luật Biển khu vực?
- Cập nhật : 24/04/2017
“Đạt được bản thảo đầu tiên của Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông” do Trung Quốc chủ động đưa ra là cố ý thổi phồng, nhằm mục đích mê hoặc dư luận.
Trong cuộc họp báo ngày hôm 08/03/2017 bên lề kỳ họp hàng năm của Quốc hội Trung Quốc, Ngoại trưởng Vương Nghị thông báo là đã có dự thảo đầu tiên về COC.
Trong khi đó, quyền Ngoại trưởng Philippines, Enrique Manalo, ngày 4/4 cho biết ASEAN đã đạt tiến triển tốt trong việc xây dựng bộ khung COC với Trung Quốc.
Vậy thì thực hư của những thông tin này có thể được hiểu như thế nào và triển vọng của COC trong thời gian sắp tới sẽ ra sao?
1. Quá trình xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông, những vấn đề cần được vượt qua
Ngày 04/11/2002, tại Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 8 tổ chức ở Phnom Penh, Campuchia, các nước ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Đây là văn kiện chính trị đầu tiên mà ASEAN và Trung Quốc đạt được có liên quan đến vấn đề Biển Đông, tạo ra môi trường chính trị có lợi cho việc giải quyết tranh chấp, ngăn chặn xung đột, bảo đảm hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Ngay sau khi ký kết, để hiện thực hóa các quy định của DOC, các nước ASEAN và Trung Quốc đã thành lập hai cơ chế là:
Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN - Trung Quốc về DOC (SOM ASEAN - Trung Quốc) và Nhóm Công tác chung ASEAN - Trung Quốc về thực hiện DOC (ACJWG).
Theo Quy chế làm việc, ACJWG được giao nhiệm vụ đề xuất lên SOM ASEAN - Trung Quốc các khuyến nghị liên quan trong các lĩnh vực mà DOC đã đề cập và xây dựng Bản Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC.
Từ năm 2005 đến nay, Nhóm Công tác chung đã tổ chức sáu cuộc họp; trong đó, cuộc họp lần thứ tư tại Hà Nội (tháng 4/2010), cuộc họp thứ năm tại Côn Minh, Trung Quốc (tháng 12/2010) và cuộc họp lần thứ sáu tại Indonesia (tháng 4/2011).
Tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc (22/7/2011), hai bên đã thông qua Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC.
Đây được coi là một bước tiến quan trọng, thể hiện nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc trong xây dựng DOC thành văn kiện chính trị nền tảng góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, giải quyết tranh chấp bằng đối thoại.
Lãnh đạo cấp cao của ASEAN và Trung Quốc đánh giá cao ý nghĩa của DOC và tại các Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc đều khẳng định quyết tâm thực hiện đầy đủ các cam kết được nêu trong DOC; coi DOC là một biện pháp hợp tác an ninh giữa ASEAN và Trung Quốc.
Đặc biệt, Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN tại Hà Nội năm 2010 đã nêu rõ, DOC là một trong số các công cụ và cơ chế quan trọng hiện nay của ASEAN;
Đặt DOC bên cạnh các khuôn khổ pháp lý như Hiệp ước Thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Hiệp ước về khu vực phi vũ khí hạt nhân ở Đông Nam Á (SEANWFZ);
Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM), Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về tội phạm xuyên quốc gia (AMMTC) và Công ước ASEAN về chống khủng bố…
Cũng tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 13 tổ chức tại Hà Nội ngày 29/10/2010, lãnh đạo cấp cao ASEAN và Trung Quốc khẳng định lại cam kết triển khai đầy đủ, hiệu quả DOC.
Đồng thời hướng tới thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trên cơ sở đồng thuận, qua đó, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực; hoan nghênh những tiến triển đạt được trong lĩnh vực này trong thời gian vừa qua.
Chính giới và dư luận quốc tế cũng đánh giá cao vai trò của DOC và sự cần thiết thực hiện đầy đủ các cam kết trong văn kiện này.
Trong Tuyên bố của Chủ tịch ARF 17, lãnh đạo các nước thành viên ARF đã khẳng định tầm quan trọng của DOC như một văn kiện lịch sử giữa ASEAN và Trung Quốc, thể hiện cam kết tập thể nhằm đảm bảo các giải pháp hòa bình cho các tranh chấp trong khu vực.
Tuyên bố cũng nhấn mạnh hiệu quả của DOC trong việc xây dựng sự tin cậy lẫn nhau có lợi cho việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực; đồng thời, ủng hộ nỗ lực của các bên liên quan theo hướng thực hiện đầy đủ DOC và tiến tới COC.
Tuy nhiên, do nhiều lý do, trong đó có cả sự khác biệt về quan điểm, lợi ích, nên một số biện pháp dự tính trong DOC chưa được triển khai, như: tìm kiếm các biện pháp xây dựng lòng tin; hoặc tìm kiếm các biện pháp hợp tác trong những lĩnh vực ít nhạy cảm.
Hơn nữa, những diễn biến phức tạp về an ninh, nguy cơ leo thang xung đột trong thời gian gần đây ở Biển Đông đang gây sự quan ngại và quan tâm sâu sắc của khu vực và cộng đồng quốc tế.
Những vấn đề đó cũng đang làm bộc lộ những hạn chế về vai trò của DOC đối với an ninh, ổn định ở Biển Đông hiện nay.
Trước hết, đó là do DOC không mang tính ràng buộc pháp lý nên dẫn đến việc các bên tham gia thiếu quyết tâm chính trị, chưa thống nhất trong vận dụng các điều khoản.
DOC cũng chưa xác định được phạm vi áp dụng về mặt địa lý; chưa xây dựng được cơ chế giám sát, xử lý đối với các trường hợp vi phạm.
Bản Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC được ASEAN và Trung Quốc thông qua năm 2011 tuy là bước tiến đáng ghi nhận, nhưng cũng chưa phải là cam kết pháp lý hữu hiệu để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra.
Nhất là văn kiện này chưa tạo tiền đề hình thành một cơ chế kiểm soát, quản lý hiệu quả các mối đe dọa an ninh đối với hòa bình, ổn định và phát triển tại Biển Đông.
Trong năm 2012 Campuchia giữ vai trò Chủ tịch ASEAN, an ninh Biển Đông là chủ đề thu hút sự chú ý rất lớn của các Hội nghị.
Theo đó, cùng với các vấn đề quan trọng khác, lãnh đạo các nước ASEAN và các nước đối tác cũng nêu rõ sự cần thiết phải xây dựng và thông qua COC.
Ngày 20/7/2012, Ngoại trưởng các nước ASEAN đã ra Tuyên bố “Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông” nêu rõ, thực hiện đầy đủ DOC (năm 2002), Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC (năm 2011) và sớm đạt được COC;
Tuyên bố cũng coi đây là bước đi cấp thiết trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN dựa trên 3 trụ cột: chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội vào năm 2015;
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói về COC trong cuộc họp báo bên lề kỳ họp Quốc hội Trung Quốc năm nay, ảnh: Reuters.
Đồng thời, tạo tiền đề để giải quyết triệt để và lâu dài đối với tranh chấp phức tạp, duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải trên Biển Đông nói riêng, khu vực và thế giới nói chung.
Theo đó, ASEAN cùng Trung Quốc cần sớm xây dựng và ban hành COC mang tính ràng buộc pháp lý, khắc phục những điểm bất cập của DOC, dựa trên nền tảng luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS, TAC và các văn bản pháp lý liên quan khác.
2. COC là bộ Luật Biển khu vực?
Dựa trên những nội dung đã nêu nói trên thì COC có thể được coi là một văn bản quy phạp pháp luật có giá trị pháp lý để điều chỉnh mọi mối quan hệ đang diễn trong Biển Đông.
Với tất cả những quy định pháp lý đủ để điều chỉnh có hiệu quả mọi quan hệ, tranh chấp diễn ra trong Biển Đông, COC có thể được coi là một bộ Luật Biển khu vực, trong đó có những nội dung hết sức quan trọng và phức tạp như: phạm vi điều chỉnh, chủ thể khách thể điều chỉnh…. Cụ thể là:
2.1.Về chủ thể, đối tượng điều chỉnh:
Các bên tham gia ký kết COC phải là toàn bộ thành viên của ASEAN và Trung Quốc, có nên xem xét việc tham gia của các quốc gia có lợi ích liên quan hay không?
Bởi vì, COC là văn bản pháp lý tạo khuôn mẫu cho quan hệ hợp tác giữa các bên liên quan trong bối cảnh ở Biển Đông đang tồn tại nhiều tranh chấp do lịch sử để lại và nhu cầu sử dụng biển của các quốc gia trong khu vực và quốc tế đang tăng lên;
COC giúp phát huy được vai trò chủ đạo của ASEAN trong vấn đề an ninh trên Biển Đông.
2.2.Nguyên tắc và Căn cứ pháp lý:
Các nội dung của COC và việc triển khai thực hiện COC phải tuân thủ nguyên tắc của UNCLOS, TAC, SEANWFZ, 5 nguyên tắc cùng chung sống hòa bình, kế thừa các quy định trong DOC và Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC, các nguyên tắc phổ biến của luật quốc tế đã được thừa nhận;
Đồng thời COC phải thiết lập các nguyên tắc chung về việc không sử dụng bạo lực, tránh đe dọa, ngăn ngừa xung đột, giúp giải quyết những va chạm xung quanh việc khai thác và đánh bắt trên biển, đảm bảo an toàn trên biển.
2.3.Phạm vi điều chỉnh:
Phạm vi áp dụng của COC có phải bao gồm tất cả các đảo và vùng nước bên ngoài ranh giới 200 hải lý tính từ đường cơ sở, lãnh hải của các quốc gia ven biển và các đảo ở Biển Đông không?
Cần phân định rõ khu vực tranh chấp và không tranh chấp, xác định rõ những hoạt động được phép và không được phép thực hiện tại khu vực tranh chấp;
Đặc biệt là tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia ven biển, quyền tự do và an ninh hàng hải, an ninh hàng không tại Biển Đông phù hợp với quy định của UNCLOS.
2.4.Cơ quan, lực lượng thực thi pháp luật:
Các quốc gia ký kết COC cần xem xét thành lập hệ thống tổ chức, lực lượng thực thi pháp luật.
Ví dụ như phải thành lập ra Cơ quan An ninh hàng hải (MSA) để kiểm soát và quản lý các mối đe dọa an ninh hàng hải và đảm bảo tuân thủ nghiêm túc COC; Cơ quan điều phối các lực lượng cảnh sát biển của các quốc gia liên quan …
2.5.Cơ chế tài phán và thi hành án:
Hệ thống tổ chức các cơ quan tài phán, chức năng quyền hạn và thủ tục thụ lý hồ sơ của các tổ chức tư pháp: sử dụng các cơ quan tài phán quốc tế đã có hay thành lập mới mang tình khu vực; nội dung tranh chấp, tính chất và mực độ vi phạm; cơ chế thi hành án….
Muốn thống nhất được các nội dung này trong bối cảnh hiện nay là không dễ dàng chút nào.
Nguyên nhân không phải do trình độ biên soạn văn bản quy phạm pháp luật mà cái chính là do có những tranh chấp phức tạp về mặt pháp lý,
Đó là việc xác lập các vùng biển và thềm lục địa xuất phát từ việc giải thích và áp dụng khác nhau các quy định của UNCLOS1982 tranh chấp chủ quyền đối với các hải đảo trong Biển Đông…
Đặc biệt là một số thành viên khi tham gia với những động cơ chính trị khác nhau, nhất là Trung Quốc.
Đây là một thành viên đã có những hoạt động vi phạm các quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các quốc gia khác xung quanh Biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế và các cam kết chính trị đã đạt được.
Trung Quốc đã và đang tìm cách trì hoãn quá trình thương thảo để tranh thủ tạo được lợi thế trong đàm phán về COC.
Chừng nào yêu sách “lưỡi bò” chưa được hợp thức hóa trong việc xác lập phạm vi điều chỉnh COC thì chừng đó không thể có được COC.
Điều đó đồng nghĩa với việc Trung Quốc phải thực hiện bằng được chiến lược độc chiếm Biển Đông, dùng Biển Đông để vươn lên tranh giành vị trí siêu cường số một thế giới với Hoa Kỳ.
Và như vậy có thể thấy rằng cái gọi là “đã đạt được bản thảo đầu tiên của Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông” do Trung Quốc chủ động đưa ra là cố ý thổi phồng, nhằm mục đích mê hoặc dư luận, tuyên truyền vì động cơ chính trị.
Có chăng chỉ có thể chỉ là “đã đạt tiến triển tốt trong việc xây dựng bộ khung COC với Trung Quốc” do phía Philppines loan báo.
Trong khi việc thống nhất “bộ khung” thì chỉ là vấn đề kỹ năng soạn thảo luật mà bất kỳ môt chuyên gia luật pháp nào cũng có thể làm được chỉ trong chốc lát.
Thậm chí đến các em sinh viên luật đang ngồi trên ghế nhà trường cũng cói thể làm tốt được công việc sơ đẳng này.
Vì vậy, nội dung thật sự của COC có được thông qua hay không tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 30, tổ chức từ 26-29/4/2017 tại Manila, Philippines, có lẽ còn cần rất nhiều nỗ lực hơn nữa.
Cảnh sát biển Việt Nam kêu gọi tàu Cảnh sát biển và giàn khoan 981 Trung Quốc rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp pháp của Việt Nam trong khủng hoảng giàn khoan năm 2014, ảnh: The Japan Times.
Quá trình đàm phán thương lượng làm sao phải đảm bảo tính khách quan, khoa học, thật sự cầu thị, dựa trên nền tảng của sự đoàn kết, thống
nhất.
Đặc biệt là thiện chí và tinh thần thượng tôn pháp luật của tất các các bên là điều kiện tiên quyết khi tham gia vào quá trình đàm phán xây dựng COC.
3. Việt Nam và việc thi hành DOC, tiên tới xây dựng COC
Xuất phát từ chính sách đối ngoại hòa bình, nên từ trước khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã nhiệt liệt ủng hộ Tuyên bố của ASEAN về Biển Đông.
Sau khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã chủ động tham gia và đóng góp tích cực vào việc soạn thảo, thương lượng nội dung các quy định trong DOC.
Sau khi DOC được ký, chúng ta tiếp tục nêu cao vai trò, trách nhiệm tuân thủ các cam kết trong DOC;
Có các bước đi thích hợp để các nước hiểu rõ lập trường của nước ta về Biển Đông, kiên trì cùng các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS);
Thúc đẩy thực hiện đầy đủ DOC, tiến tới xây dựng COC nhằm góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Chúng ta cũng tăng cường mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực về biển với các nước láng giềng theo tinh thần của DOC; đồng thời, kiên quyết yêu cầu các nước liên quan thực hiện đúng các cam kết trong văn kiện này.
Các nỗ lực và việc làm của Việt Nam được dư luận quốc tế, khu vực đánh giá cao, coi đó là những đóng góp tích cực cùng các nước ASEAN và Trung Quốc hiện thực hóa DOC.
Xây dựng COC là việc làm cấp thiết, đem lại lợi ích không chỉ cho ASEAN và Trung Quốc mà cho tất cả các nước ở trong và ngoài khu vực.
Là thành viên trong ASEAN, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của mình tích cực tham gia xây dựng COC thực sự là cơ sở pháp lý hàng đầu, nhân tố quan trọng góp phần ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ xung đột, chiến tranh, đảm bảo duy trì hòa bình, ổn định, an ninh cho vùng Biển Đông nói riêng, khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới nói chung.
Tài liệu tham khảo:
-ASEAN thảo luận về tiến trình xây dựng COC (Thế giới và Việt Nam, ngày 16/4/2017).
-Quan chức cao cấp ASEAN thảo luận về tiến trình xây dựng COC (Đại Đoàn kết, 17/3/2017).
-TQ nói 'đã đạt dự thảo Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông' (BBC tiếng Việt, 8/3/2017).
-QPTD -Thứ Tư, 01/08/2012, Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) – nhân tố quan trọng đảm bảo an ninh, ổn định cho khu vực.
-Căng thẳng trước đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (ANTD, 9/2/2017).
-Nguyễn Thị Thanh Hà, Chuyên viên Liên Hợp Quốc và Nguyễn Đăng Thắng, Nghiên cứu sinh Vương quốc Anh : “Một số suy nghĩ về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông”. NCBĐ, Chủ nhật, 15 Tháng 5, 2011.
Ts Trần Công Trục
nguồn: Giaoduc.net.vn