Sau chức vụ Tổng bí thư, ông Tập Cận Bình tiếp tục tái đắc cử chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) trong phiên họp toàn thể đầu tiên của Ban Chấp hành Trung ương khóa 19.
Ngày 12/4/2017, tại cuộc họp báo ở thủ đô Washington, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Chính phủ Mỹ không coi Trung Quốc là nước thao túng tỷ giá hối đoái. Ảnh: Tân Hoa xã/Cankao
Tờ Der Tagesspiegel Đức ngày 13/4 cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump hầu như đã bất ngờ thay đổi quan điểm - quay trở lại phương châm ngoại giao được nước Mỹ thực hiện từ lâu. Trong tranh cử ông bỏ qua điều này. Vài ngày gần đây, ông đã thay đổi thái độ trong các vấn đề địa - chính trị cốt lõi từ Nga, Trung Quốc đến NATO.
Dựa vào địa - chính trị truyền thống
Khi tranh cử, ông Donald Trump từng coi Trung Quốc là "con dê tế thần" - bất kể là trong vấn đề thương mại hay trong vấn đề cư xử với các nước láng giềng châu Á. Ông Donald Trump cam kết cải thiện quan hệ với Nga và còn nói rằng NATO "đã lỗi thời".
Đến nay, thế giới quan của ông hầu như đã xoay ngược hoàn toàn. Khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đến thăm Nhà Trắng, ông Donald Trump đã nói rằng NATO là trụ cột trong chính sách liên minh của Mỹ. Nga đã quay lại thành đối thủ của Mỹ.
Ông Donald Trump chỉ trích tổng thống Nga Vladimir Putin "chịu một phần trách nhiệm" đối với vụ tấn công hóa học ở Syria, gọi ông Bashar al-Assad, - đồng minh của Nga là "con vật".
Trái lại, đối với ông Donald Trump, Trung Quốc hiện là một đối tác. Ông coi Bắc Kinh là một đối tác quan trọng trong giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Mặc dù xuất siêu của Trung Quốc trong thương mại Trung - Mỹ vẫn tồn tại, nhưng hiện nay ông Donald Trump cho rằng xảy ra tình trạng này là do đồng USD "mạnh", chứ không phải là do Trung Quốc "thao túng tiền tệ".
Mọi người có thể cười nhạo sự thay đổi thất thường và vô nguyên tắc của ông Donald Trump, nhưng từ đó cũng có thể nhìn thấy ông đi theo phương châm chỉ đạo địa - chính trị truyền thống của Mỹ và coi trọng thực tế.
Từ các phát biểu và hành động của ông Donald Trump còn chưa nhìn thấy bất cứ chiến lược nào. Ông vẫn áp dụng “chính trị cường quyền” truyền thống và chính sách răn đe để ứng phó với từng tình huống cụ thể. Nhưng, ông sẽ trở nên càng có thể dự đoán.
Tờ Asahi Shimbun Nhật Bản ngày 14/4 cho rằng mặc dù ông Donald Trump lên cầm quyền còn chưa đến 100 ngày, nhưng ông đã có sự thay đổi to lớn trên các phương diện như chính sách ngoại giao. Một mặt bắt đầu coi trọng Trung Quốc - nước chỉ vài ngày trước còn bị tấn công mạnh mẽ; mặt khác tuyên bố quan hệ với Nga đã rơi vào "tình cảnh gay go nhất", trong khi trước đó ông công khai tuyên bố muốn cải thiện quan hệ với Nga.
Thậm chí, khi nói đến NATO, ông Donald Trump cuối cùng không còn nhắc lại quan điểm "NATO đã lỗi thời" mà ông vẫn còn sử dụng thời gian gần đây. Ông còn dẫn lời cựu tổng thống Mỹ Harry S. Truman, đảo ngược thành "NATO là lá chắn của hòa bình và an ninh quốc tế".
Thẳng thắn thừa nhận là “người mới vào nghề”
Hãng tin AP Mỹ ngày 13/4 cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bất ngờ thay đổi lập trường trong các vấn đề quan trọng. Mặc dù ông phát biểu rất mạnh mẽ, nhưng đã thẳng thắn cho biết rõ: Đến nay, ông mới bắt đầu thực sự tìm hiểu một số vấn đề.
Khi trả lời phỏng vấn tờ Nhật báo phố Wall, ông Donald Trump nói: "Tôi vốn kiên quyết cho rằng Trung Quốc có vai trò ảnh hưởng rất lớn (đối với Triều Tiên). Nhưng tình hình không phải như tôi nghĩ".
Ngày 12/4/2017, tại Washington Tổng thống Donald Trump tiếp đón Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: Reuters
Một số phát biểu gần đây cho thấy ông Donald Trump đã có sự thay đổi thích hợp. Cùng với việc nhậm chức của ông sắp được 100 ngày, ông ngày càng áp dụng thái độ "linh hoạt", thừa nhận một số vấn đề tuyên bố trong tranh cử có thể hoàn toàn chưa có hiểu biết sâu sắc.
Sự thay đổi của ông Donald Trump cũng đã phản ánh sự thay đổi không ngừng của các động thái quyền lực thuộc nội bộ Nhà Trắng, trong đó ông Gary Cohn – Chủ tịch Hội đồng kinh tế quốc gia Mỹ (NEC), cựu Tổng giám đốc Công ty Goldman Sachs cùng với các lãnh đạo giới công thương tương đối ôn hòa khác đã giành được ưu thế.
Ông Gary Cohn luôn tìm cách thực hiện cam kết tranh cử của ông Donald Trump bằng các cách thức thiết thực, khả thi, chứ không phải áp dụng phương thức hành vi do ông Donald Trump đưa ra trong tranh cử.
Ngoài ra, theo tờ USA Today Mỹ ngày 13/4, sau khi hạ lệnh phát động tấn công tên lửa đối với Syria được một tuần, ông Donald Trump - vị tổng thống còn chưa có kinh nghiệm này đã thay đổi lập trường trong một loạt vấn đề, từ Nga đến NATO, từ định giá tiền tệ của Trung Quốc đến giá trị của ngân hàng xuất nhập khẩu.
Căn cứ vào phát biểu của các nhà phân tích chính trị và trợ lý trong chính phủ, vị tổng thống chưa có bất cứ kinh nghiệm chính trị nào này đã có hiểu biết nhiều hơn đối với một loạt vấn đề mà tất cả các tổng thống đều đối mặt.
Một nguyên nhân khác là: Đến nay, các cố vấn ủng hộ toàn cầu hóa kinh tế của ông Donald Trump như Jared Kushner hầu như đã chiến thắng phe theo chủ nghĩa dân tộc kinh tế do chiến lược gia trưởng Stephen K. Bannon ủng hộ.
Xu hướng chính sách tiếp theo gây chú ý
Theo báo chí Anh, trong 24 giờ, một loạt lập trường chủ nghĩa dân túy trong tranh cử của tổng thống Donald Trump đã thay đổi hoàn toàn.
Điều này cho thấy ông Donald Trump có thể coi trọng chính sách thiết thực và ôn hòa hơn, chứ không phải là chủ nghĩa dân túy kinh tế cứng rắn giúp ông thắng cử.
Chuyên gia chính trị David Gregory của hãng tin CNN Mỹ cho rằng sự thay đổi của ông Donald Trump cho thấy ông muốn trở thành một tổng thống làm giao dịch. Ông nói: "Ông ấy rất linh hoạt, có lẽ không có nguyên tắc, giữ thái độ thiết thực đối với chính phủ".
Nhưng ông Gregory cảnh báo, mặc dù việc thay đổi chính sách không gặp trở ngại, nhưng cách làm "không thống nhất" rất nguy hiểm, bởi vì mọi người sẽ không còn tin vào lời bạn nói.
Tờ Nezavisimaya Gazeta (Nga) ngày 13/4 dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, cho biết ông cảm thấy bất an với các tuyên bố mâu thuẫn lẫn nhau của tổng thống Donald Trump và các thân tín của mình đối với các vấn đề quốc tế quan trọng trong vài tháng gần đây.
Ông Sergei Lavrov nói: "Nói thẳng ra, chúng tôi đã có không ít băn khoăn, bởi vì quan điểm của Washington đối với các vấn đề song phương và đa phương mập mờ nước đôi, có lúc tự mâu thuẫn.
Một minh chứng mới nhất cho việc thiếu lập trường rõ ràng của Mỹ là thái độ của ông Donald Trump liên quan đến việc NATO không còn là tổ chức lỗi thời. Trong khi đó, tháng 1/2017, ông Donald Trump còn phê phán NATO không thể ngăn chặn tấn công khủng bố, thời gian thành lập đã quá lâu.
Chẳng hạn như Syria, thái độ của ông Donald Trump và cộng sự đã có sự chuyển ngoặt lớn trong vòng một tuần - từ việc ông Bashar al-Assad có thể ở lại đến ví ông Bashar al-Assad là "cầm thú", hơn nữa còn tấn công căn cứ không quân của Syria.
Ngày 13/4/2017, máy bay vận tải MC-130 Không quân Mỹ đã ném bom GBU-43/B vào hệ thống đường hầm của tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) ở Afghanistan. Ảnh: Washington Times
Hành động tấn công tên lửa đối với căn cứ không quân của Syria đã thể hiện mô hình mới của ngoại giao Mỹ. Ông Donald Trump không phải là ông Barack Obama. Ông Donald Trump có một phong cách làm việc khác, ông sẽ xem thường Liên hợp quốc, đơn phương sử dụng vũ lực.
Như vậy, với các hành động "ưu tiên Mỹ" của ông Donald Trump, rủi ro xảy ra các cuộc chiến tranh quy mô lớn như chiến tranh hạt nhân sẽ gia tăng trong nhiệm kỳ của ông Donald Trump. Chính sách ngoại giao của ông có thể khái quát thành "một loạt hành động không thể dự đoán".
Phong Vân
Theo Viettimes