Nga sẽ buộc phải sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp xung đột với quân đội Mỹ và NATO khi lực lượng này tiến vào phía đông Ukraine, một thành viên của quốc hội Nga đã tuyên bố trong một cuộc họp các quan chức an ninh chính phủ tầm cỡ quốc tế hôm 28/5 vừa qua.
5 câu hỏi từ việc Triều Tiên thử tên lửa
- Cập nhật : 30/05/2017
Chương trình vũ khí Triều Tiên tiên tiến tới đâu? Triều Tiên đang suy tính nước cờ gì?
Ngày 29-5, Triều Tiên lại lần nữa thử tên lửa. Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên một lần nữa thêm tăng.
Nước cờ cuối cùng của Triều Tiên sẽ là gì? Chính phủ mới của Hàn Quốc sẽ hành động thế nào? Ai đang nắm chìa khóa giải quyết khủng hoảng này?
Sự căng thẳng triền miên này rồi sẽ đi đến đâu? Channel News Asia đã phỏng vấn ý kiến một số chuyên gia về 5 yếu tố giúp xác định điều này.
Chương trình vũ khí Triều Tiên tiên tiến tới đâu?
Theo quân đội Hàn Quốc, tên lửa được thử ngày 29-5 là tên lửa đạn đạo tầm ngắn Scud, đã bay được 450km trước khi rơi xuống vùng biển phía đông Triều Tiên.
Một tuần trước, Triều Tiên thử một tên lửa đạn đạo tầm trung. Trước đó nữa, ngày 14-5, Triều Tiên thử tên lửa tầm trung Hwasong-12 mà Triều Tiên nói là có khả năng chở một đầu đạn hạt nhân cỡ lớn và đưa lục địa Mỹ vào tầm ngắm. Ngày 28-5, Triều Tiên tuyên bố nước này vừa thử một hệ thống vũ khí phòng không mới dưới sự giám sát của lãnh đạo Kim Jong-un.
Lo ngại về chương trình vũ khí của Triều Tiên không chỉ ở các nước láng giềng Đông Bắc Á mà ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có cả Hawaii thuộc Mỹ. Tuần trước, các quan chức Mỹ cho biết quân đội nước này sẽ lần đầu tiên thử hệ thống tên lửa phòng thủ, kiểm tra khả năng ngăn chặn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).
Tuy đồng ý Triều Tiên chưa thể phát triển một ICBM có khả năng bắn tới lục địa Mỹ nhưng các chuyên gia thừa nhận nước này đã có bước tiến triển lớn về công nghệ.
“Triều Tiên hiện tại không có ICBM, nhưng vụ thử ngày 14-5 cho thấy Triều Tiên đã có được công nghệ này, và tất cả những gì họ phải làm là nối kết các công nghệ này lại với nhau” – ông Yang Uk, nhà nghiên cứu trưởng tại Diễn đàn Quốc phòng và An ninh Hàn Quốc nhận định – “Có thể là cuối năm nay hoặc năm tới họ sẽ bắt đầu thử ICBM”.
Sơ đồ ước tính tầm bắn của tên lửa Triều Tiên. Ảnh: CHANNEL NEWS ASIA
Nhà nghiên cứu cấp cao tại Chương trình Chính sách Khoa học và Công nghệ thuộc Viện Nghiên cứu chính sách Asan (Hàn Quốc) Park Jiyoung cho rằngTriều Tiên đang rất chú trọng phát triển năng lực tên lửa sau khi nhận thấy công nghệ vũ khí hạt nhân của mình đang chậm lại.
Tuy nhiên, vì sự phức tạp trong phát triển tên lửa tầm xa, các chuyên gia nhận định Triều Tiên vẫn đang đối mặt rất nhiều thách thức để có thể có một ICBM hoàn hảo. Theo nhà nghiên cứu Denny Roy tại Viện Nghiên cứu East-West Center (Hawaii), ít nhất 10 năm nữa Triều Tiên mới có thể có tên lửa bắn đến nước Mỹ.
“Đảm bảo độ chính xác cho tên lửa bay quãng đường xa không đơn giản. Tôi chưa thấy có dấu hiệu gì cho thấy Triều Tiên có được khả năng này. Thách thức thứ hai là gắn đầu đạn vào đầu tên lửa, tôi cũng chưa thấy Triều Tiên có khả năng này” – theo nhà nghiên cứu Roy.
Nước cờ cuối cùng của Triều Tiên sẽ là gì?
Các chuyên gia không nghĩ rằng chiến tranh là lựa chọn của Triều Tiên.
“Rất nhiều lần họ đe dọa sẽ biến Seoul thành biển lửa. Đúng là Seoul nằm trong tầm ngắm của tên lửa Triều Tiên, nhưng nếu Triều Tiên triển khai tên lửa tấn công dân thường Seoul thì là một điều ngu ngốc” – nhà nghiên cứu Yang nhận định.
Mặt khác, theo nhiều nhà quan sát, Triều Tiên sẽ không lựa chọn hành động quân sự vì chắc chắn sẽ nhận phản ứng mạnh từ Mỹ và đồng minh.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang suy tính nước cờ gì? Ảnh: AFP
Nếu tấn công quân sự không phải là lựa chọn, vậy Triều Tiên và lãnh đạo Kim Jong-un đang muốn gì?
“Trong thời gian dài người ta không chắc liệu chương trình hạt nhân Triều Tiên có phải là đòn bẩy để nước này nhận trợ giúp kinh tế từ quốc tế hay không. Từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền, sự việc đã rõ, Triều Tiên sẽ không trao đổi hay từ bỏ vũ khí hạt nhân vì kinh tế” – theo Chủ tịch Viện Asan Hahm Chaibong – “Họ dồn lực vào vũ khí hạt nhân vì họ nghĩ nó quyết định sự tồn vong của quốc gia”.
Trong khi đó, chuyên gia Narushige Michishita tại Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia (Nhật) cho rằng việc Triều Tiên theo đuổi không mệt mỏi chương trình vũ khí hạt nhân là một phần chính sách ‘bên miệng hố chiến tranh” nhằm đối phó với nguy cơ bị tấn công từ Mỹ cũng như đe dọa Hàn Quốc.
Trước lần thử tên lửa mới nhất ngày 29-5, Triều Tiên vốn đã nằm trong tầm chú ý sát sao của cộng đồng thế giới sau nhiều tuần liên tục thử tên lửa đạn đạo. Căng thẳng bán đảo Triều Tiên đã là một phần thực tế cuộc sống hàng thập kỷ nay với vòng tròn khiêu khích và trả đũa.
Vài tháng nay, Triều Tiên tăng cường hành động hiếu chiến. Từ đầu năm đến nay nước này đã 9 lần thử tên lửa, bất kể cảnh báo trừng phạt và đe dọa từ Mỹ rằng thời kỳ “kiên nhẫn chiến lược” đã kết thúc.
Vậy Hàn Quốc sẽ có phương án gì?
Sau hàng tháng trời khủng hoảng chính trị dẫn tới việc phế truất Tổng thống Park Geun-hye, Tổng thống Moon Jae-in lên nắm quyền. Ông Moon với tư tưởng ôn hòa được cho là sẽ có cách tiếp cận hòa giải hơn với Triều Tiên.
Tuy nhiên việc Triều Tiên cho thử tên lửa chỉ vài ngày sau cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc là một thách thức với ông Moon. Song nhiều chuyên gia vẫn tin ông Moon sẽ không từ bỏ tìm kiếm đối thoại với Triều Tiên, song song đó sẽ tiếp tục duy trì áp lực và trừng phạt.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ chọn phương án nào với Triều Tiên? Ảnh: AFP
Ông Choi Kang, Phó Chủ tịch Viện nghiên cứu Asan (Hàn Quốc) nhận định ông Moon không dễ dàng gì đạt được mục tiêu gắn kết với Triều Tiên. Tuy nhiên ông Moon có thể xây nền cho khả năng đối thoại với Triều Tiên bằng cách cứu trợ nhân đạo, cũng như tổ chức các sự kiện đoàn tụ các gia đình hai miền.
Tổng thống Moon sẽ thăm Mỹ vào cuối tháng 6, dự kiến Triều Tiên sẽ là một chủ đề trong cuộc gặp với Tổng thống Trump.
Trung Quốc có thể giữ vai trò gì?
Trung Quốc đang bị Mỹ và các đồng minh làm áp lực hơn phải tích cực hơn trong kiềm chế các chương trình hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên.
Là đồng minh duy nhất, cung cấp phần lớn thực phẩm và năng lượng cho Triều Tiên, 90% hoạt động thương mại của Triều Tiên là với Trung Quốc, không nghi ngờ gì Trung Quốc có vai trò quan trọng với Triều Tiên. Tuy nhiên thực tế quan hệ giữa Triều Tiên và “anh lớn” Trung Quốc nhiều năm nay đã có dấu hiệu hờ hững. Lãnh đạo hai nước chưa một lần gặp nhau kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền. Giáo sư Khoa học chính trị Kim Sangjoon tại đại học Yonsei (Hàn Quốc) nhận xét quan hệ hai bên đã xấu đi trên mọi phương diện, từ hàng lãnh đạo, đến các chính trị gia, đến cả người dân hai nước.
Cờ Trung Quốc bên cạnh cờ Triều Tiên tại một nhà hàng ở TP Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc). Ảnh: REUTERS
Dù vẫn là thành viên quốc tế ủng hộ Triều Tiên nhiều nhất nhưng Trung Quốc ngày càng mất kiên nhẫn với các vụ thử tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên. Mới đây Trung Quốc còn ủng hộ LHQ trừng phạt Triều Tiên.
Về phần mình, tháng trước, truyền thông Triều Tiên đã có lần hiếm hoi chỉ trích việc truyền thông nhà nước Trung Quốc kêu gọi trừng phạt nặng Triều Tiên là hủy hoại quan hệ hai nước và làm tình hình bán đảo Triều Tiên thêm xấu hơn.
Nếu nhìn những yếu tố này có thể nghĩ rằng chẳng mấy khó khăn để lôi kéo Trung Quốc cứng rắn với Triều Tiên, nhưng thực tế lại không như vậy. Theo nhiều chuyên gia, Trung Quốc dù có vai trò lớn nhưng không có ảnh hưởng tuyệt đối hay thật sự lớn lao đến Triều Tiên.
“Nhìn từ bên ngoài, Trung Quốc và Triều Tiên có vẻ là một đội, nhưng nhìn kỹ bên trong thì có điều khác nhau” – theo nhà nghiên cứu Yang Uk, nhà nghiên cứu trưởng tại Diễn đàn Quốc phòng và An ninh Hàn Quốc.
Ông Yang nhận định Triều Tiên có suy nghĩ độc lập và mạnh mẽ, không muốn trở thành bù nhìn của Trung Quốc, “và đó là lý do tại sao họ quyết kháng lại áp lực để phát triển vũ khí hạt nhân”.
Minh chứng điều này, nhà nghiên cứu Yang dẫn chứng Tổng thống Hàn Quốc Park Guen-hye trước khi bị phế truất đã cố gắng nhưng vẫn không buộc được Trung Quốc tăng áp lực với Triều Tiên.
Có thể làm gì để tháo ngòi khủng hoảng?
Không có phương cách dễ dàng nào, tuy nhiên tất cả chuyên gia mà Channel News Asia phỏng vấn đều nhấn đến tầm quan trọng của thắt chặt trừng phạt kinh tế Triều Tiên. Hầu hết các chuyên gia đều đồng ý chính sách “kiên nhẫn chiến lược” của Mỹ đã thất bại trong kiềm chế Triều Tiên.
Chủ tịch Viện Nghiên cứu Asan Hahm Chaibong cho rằng các lệnh trừng phạt trước quá mềm yếu, chỉ khi ông Trump lên làm tổng thống Mỹ thì mới có dấu hiệu siết chặt. Bằng chứng là Mỹ đã dùng sức mạnh của mình với hệ thống tài chính toàn cầu để ban hành các lệnh trừng phạt thứ phát lên các công ty làm ăn với Triều Tiên.
Tổng thống Donald Trump và Mỹ đang nắm chìa khóa tháo ngòi khủng hoảng Triều Tiên. Ảnh: AFP
Chìa khóa giải quyết khủng hoảng Triều Tiên đang nằm trong tay ai? Theo Giáo sư Kim tại đại học Yonsei, Mỹ là nước có vai trò chủ chốt. Ông cho rằng Mỹ cần sử dụng sức mạnh quốc tế của mình để giải quyết khủng hoảng. Giờ là lúc Mỹ lãnh đạo cộng đồng thế giới hợp tác và trừng phạt mạnh hơn với Triều Tiên để giải quyết khủng hoảng.
Bên cạnh Mỹ, ASEAN cũng là một đối tác mà một số chuyên gia trông đợi hành động nhiều hơn để kiềm chế Triều Tiên.
“Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) là diễn đàn đa quốc gia duy nhất mà Triều Tiên tham gia. Bằng nỗ lực ngoại giao và chính trị thông qua diễn đàn này, tôi nghĩ các nước ASEAN có thể đóng vai trò tích cực trong gia tăng ảnh hưởng lên Triều Tiên” – theo nhà nghiên cứu Yang. Triều Tiên gia nhập ARF từ năm 2000.
ĐĂNG KHOA
Theo Plo.vn