Nga có thể sẽ tập trung vào hình thức tác chiến "phi tiếp xúc" - có thể bao gồm cả khả năng tấn công tầm xa, các hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không tầm xa, cùng các hệ thống vũ khí dẫn đường chính xác. Ý tưởng của Nga là xây dựng khả năng trừng phạt một kẻ xâm lược tiềm tàng ở khoảng cách từ xa, National Interest phân tích.
Sáng ngày 25/5/2017, tàu khu trục tên lửa USS Dewey DDG 105 Hải quân Mỹ đã tiến hành tuần tra vùng biển 12 hải lý của đá Vành Khăn (quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, hiện bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép). Nhiều tờ báo Trung Quốc và quốc tế đã đưa ra nhiều bình luận về sự kiện này, nhất là mục đích tuần tra của Mỹ.
Tờ Nhật báo Kinh tế Hong Kong ngày 26/5 cho rằng trong thời điểm quan hệ Trung - Mỹ được cải thiện, ngày 24/5, Mỹ bất chấp rủi ro, điều tàu khu trục tên lửa USS Dewey DDG 105 tiến hành tuần tra quanh đá Vành Khăn. Hành động này của Mỹ là có tính toán, đáp ứng những yêu cầu của phe cứng rắn trong nội bộ Mỹ.
Trên thực tế, trong thời gian Mỹ tạm dừng tiến hành chiến dịch “tự do đi lại” ở Biển Đông, dư luận nước Mỹ lo ngại Trung Quốc tận dụng cơ hội này đẩy nhanh “quân sự hóa” Biển Đông. 7 Thượng nghị sĩ Mỹ đã trình thư chung lên Tổng thống Mỹ Donald Trump, yêu cầu thực hiện hành động tự do đi lại.
Nhắc Trung Quốc gây sức ép với Triều Tiên
Tính toán thứ hai của Mỹ khi triển khai hành động tự do đi lại lần này là vấn đề Triều Tiên. Trước đây, ông Donald Trump nhiều lần bày tỏ mong muốn Trung Quốc gây ảnh hưởng nhiều hơn đối với Triều Tiên trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Theo trang tin Sina Trung Quốc ngày 27/5, Mỹ cho rằng mạch máu của kinh tế Triều Tiên gắn liền với Trung Quốc, tách rời sự ủng hộ kinh tế của Bắc Kinh thì Triều Tiên sẽ nhanh chóng sụp đổ.
Vì vậy, trong bối cảnh Triều Tiên tiếp tục phóng thử tên lửa, Mỹ lần này điều tàu chiến tuần tra Biển Đông rất có thể là để nhắc nhở Trung Quốc phối hợp với Mỹ trong vấn đề Triều Tiên, yêu cầu Trung Quốc “trói buộc” Triều Tiên mang tính thực chất.
Trang mạng Vox Mỹ từng cho rằng ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Triều Tiên đã trở thành nhiệm vụ an ninh quốc gia quan trọng nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trên thực tế, cách làm này phù hợp với tác phong nhất quán của ông Donald Trump kể từ khi lên nắm quyền đến nay. Dự đoán, trong nhiệm kỳ của ông Donald Trump, mô hình này sẽ không ngừng xuất hiện trong quan hệ Trung - Mỹ.
Chuẩn bị cho Đối thoại an ninh Shangri-La
Tờ Hoa Nam buổi sáng (Hong Kong) ngày 25/5 dẫn lời chuyên gia Bonnie Glaser, Trung tâm nghiên cứu các vấn đề quốc tế và chiến lược Mỹ cho rằng hành động tuần tra lần này đã cho thấy tính tiếp diễn chính sách của Washington trong vấn đề Biển Đông.
Đầu tháng 6/2017, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis sẽ đến Singapore tham dự Đối thoại Shang-ri La và ông sẽ có bài phát biểu quan trọng về chiến lược châu Á của Washington.
Do đó, “nếu quân đội Mỹ không triển khai bất cứ hành động tự do đi lại nào thì ông ấy (James Mattis) chắc chắc sẽ bị phê phán tại hội nghị”, bà Bonnie Glaser khẳng định. Mỹ sẽ không nhượng bộ ở Biển Đông
Một chuyên gia quân sự tại Thượng Hải, Trung Quốc cho rằng hành động của Mỹ cho thấy Mỹ sắp đưa ra một chính sách kinh tế và an ninh toàn diện đối với Trung Quốc.
Theo chuyên gia này: “Hành động gần nhất hầu như là một lời cảnh cáo đối với Trung Quốc, cho thấy Washington không có ý định nhượng bộ trong vấn đề tranh chấp Biển Đông”.
Tờ El País Tây Ban Nha ngày 25/5 cho rằng ảnh hưởng của việc tàu khu trục USS Dewey tuần tra Biển Đông còn chưa rõ. Nhưng lời đe dọa của ông Rex Tillerson khi được đề cử làm Ngoại trưởng Mỹ đã được kiểm chứng.
Khi đó, ông Rex Tillerson gọi các hành vi của Trung Quốc trong xây dựng đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông là hành động không thể chấp nhận được, đồng thời cho biết Mỹ cần có hành động cứng rắn.
Theo trang tin Sina Trung Quốc ngày 27/5, tình hình hiện nay là Mỹ không ngừng tăng cường triển khai quân sự ở Biển Đông, liên tục điều tàu chiến đi vào Biển Đông, tiến hành trinh sát quân sự cự ly gần đối với Trung Quốc.
Đồng thời, Mỹ nhiều lần điều tàu khu trục tên lửa và máy bay ném bom chiến lược tiến hành áp sát, thậm chí đi vào vùng biển, vùng trời xung quanh các đảo, đá ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), tích cực thúc đẩy đồng minh hoặc đối tác tham gia các cuộc tập trận và tuần tra chung ở Biển Đông.
Phối hợp hành động với Nhật Bản
Tờ Lợi ích quốc gia Mỹ ngày 24/5 cho rằng Mỹ và Nhật Bản phối hợp phô diễn sức mạnh chiến đấu để đối phó Trung Quốc. Quan chức Quân đội Mỹ cho biết các tàu chiến Mỹ và Nhật Bản đã hoàn thành phô diễn sức mạnh chiến đấu liên hợp ở khu vực Biển Đông, muốn thể hiện khả năng hợp tác và hiệp đồng giữa các nước đồng minh, đồng thời thách thức Trung Quốc ở khu vực này.
Theo tuyên bố của Hải quân Mỹ, đầu tháng 5/2017, các tàu chiến của Mỹ và Nhật Bản đã hoàn thành diễn tập ở Biển Đông, bao gồm giao lưu binh sĩ, sử dụng đường băng (boong tàu) tàu chiến của nhau, diễn tập thông tin liên lạc, diễn tập chiến thuật bày binh bố trận và theo dõi.
Tham gia cuộc diễn tập này, về phía Mỹ có tàu tuần duyên USS Coronado LCS-4, về phía Nhật Bản có tàu sân bay trực thăng Izumo và tàu khu trục tên lửa Sazanami. Hiện nay, có 3 tàu chiến Mỹ và Nhật đang thăm Việt Nam.
Tuyên bố của Hải quân Mỹ cho biết, 3 tàu chiến này đã tiến hành diễn tập thao tác chính xác và diễn tập thông tin liên lạc, trọng điểm là bảo đảm cho hải quân hai nước làm tốt chuẩn bị cho hợp tác có hiệu quả trong các hành động tương lai.
Mỹ và Nhật Bản gia tăng hiện diện và tăng cường hợp tác ở khu vực này có nghĩa là họ đang phát đi thông điệp “răn đe” hoặc “đối đầu” với Trung Quốc. Vì vậy cuộc diễn tập này mặc dù được tiến hành thường lệ, nhưng lại được tổ chức trong bối cảnh lớn là tình hình Biển Đông tiếp tục căng thẳng.
Phong Vân
Theo Viettimes.vn