Việc Nhật Bản thực hiện “quốc hữu hóa” đối với đảo Điếu Ngư/Senkaku đã dẫn đến sự phản đối mạnh mẽ từ phía Trung Quốc, thậm chí có lúc tình hình trở nên vô cùng căng thẳng. Tuy nhiên, tranh chấp nay đã xuất hiện dấu hiệu kiềm chế, lắng dịu.
Chủ nghĩa dân tộc đe dọa các vùng biển cận kề Trung Quốc
- Cập nhật : 12/10/2016
Những người Trung Quốc theo chủ nghĩa dân tộc đổ bộ lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản kiểm soát. Ảnh Financial Times
Chia tay với chính sách "gác lại tranh chấp" của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình
Tác giả bài viết cho rằng những động thái mạnh bạo của Trung Quốc với các nước láng giềng trong thời gian gần đây cho thấy Bắc Kinh đã chia tay với chính sách biển đảo của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình. Ông Đặng chủ trương tạm gác lại tranh chấp để bình thường hóa quan hệ với các nước láng giềng với mục đích tất cả cùng phát triển. Tuy Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cũng từng tuyên bố “gác lại tranh cãi và tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp phát triển chung”, tác giả bài viết cho rằng lời nói này chỉ là “chót lưỡi đầu môi “ bởi vì trong thực tế hành động của phía Trung Quốc thì hoàn toàn khác.
Về chính quyền các địa phương của Trung Quốc, tác giả mang đến một thông tin đáng suy ngẫm là việc nhà cầm quyền ở một số địa phương Trung Quốc có hành động đôi khi vượt quá quyền hạn cho phép và gây lúng túng cho Bắc Kinh. Tác giả chỉ rõ chính quyền Hải Nam, Quảng Đông và Quảng Tây đã khuyến khích ngư dân xâm nhập sâu hơn vào vùng biển tranh chấp bằng cách buộc họ hiện đại hóa tàu bè và trang bị các hệ thống vệ tinh hàng hải. Đồng thời, họ cũng ưu tiên cấp phép cho các tàu lớn. Chính quyền Hải Nam cũng đã nhiều lần muốn phát triển du lịch trên quần đảo Paracels (Hoàng Sa) bất chấp sự phản đối quyết liệt của phía Việt Nam. Tóm lại, chính sách của các địa phương trong quan hệ với Bắc Kinh là “hành động trước, suy nghĩ sau”, tức đẩy con cờ của mình xa đến mức có thể cho đến khi chính quyền trung ương “cau mày” mới chịu thôi.
Chiêu bài “dân sự” trong tranh chấp lãnh thổ
Tác giả cũng đi sâu phân tích sự ganh đua của Lực lượng cảnh sát biển đầy quyền lực và Lực lượng Hải giám trực thuộc Bộ đất đai và tài nguyên và Cơ quan Ngư chính trực thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc. Hai cơ quan này ra sức tranh giành tiền trợ cấp và các khoản ưu ái của nhà nước để có càng nhiều tiền càng tốt. Nguồn thu thuế càng lớn cũng là một lợi thế đối với việc thăng quan tiến chức, bởi vậy các chính quyền địa phương không ngần ngại để cho ngày càng nhiều tàu đánh bắt xâm nhập vùng biển tranh chấp.
Thêm vào đó, chính quyền trung ương ở Bắc Kinh cũng thấy rằng việc sử dụng các lực lượng mang tính dân sự như hai cơ quan này sẽ tránh được nhiều rủi ro hơn khi sử dụng lực lượng quân sự. Còn đối với lực lượng Hải quân Trung Quốc, mặc dù hiện diện trên Biển Đông ngày càng gia tăng, nhưng đến nay Hải quân Trung Quốc vẫn giữ vai trò thứ yếu. Bởi một khi có xung đột, Hải quân Trung Quốc hoặc ở tuyến sau hoặc sẽ đến chậm. Bởi thế, vai trò của chính quyền địa phương trong việc đối mặt trực diện sẽ giữ vai trò trọng yếu. Tuy vậy, tác giả cho rằng chính sách tăng cường và hiện đại hóa hải quân của Trung Quốc cũng là một nguyên nhân gây căng thẳng và tạo ra một cuộc đua vũ trang trong khu vực.
Nói về Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tác giả cho rằng vai trò của bộ này trong thực tế rất hạn chế. Những cơ quan nắm quyền lực thật sự trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh là Bộ Thương mại, Bộ Tài chính, Bộ An ninh quốc gia và Ủy ban Phát triển và Cải cách nhà nước.
Chính phủ Bắc Kinh muốn sử dụng chiêu bài dân tộc chủ nghĩa để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ. Nhưng sử dụng chiêu bài này dễ dẫn đến nguy cơ “gậy ông đập lưng ông”. Hồi đầu năm 2012, để làm dịu căng thẳng, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nói rằng Trung Quốc không tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ Biển Đông. Ngay lập tức, dư luận nước này nổi cơn tam bành, nhiều cư dân mạng còn kêu gọi lãnh đạo Đảng cầm quyền tiến hành thanh trừng nội bộ và cho rằng trong ban lãnh đạo đảng có những “kẻ phản bội”.
Biển Hoa Đông còn dậy sóng hơn Biển Đông
Nhìn về biển Hoa Đông, tác giả nhận định, sóng gió tranh chấp lãnh hải ở khu vực này thậm chí còn dữ dội hơn ở Biển Đông. “Thù mới, hận cũ” đã khiến nhiều người Trung Quốc xuống đường biểu tình bài Nhật, tấn công các cơ sở làm ăn của người Nhật ở Trung Quốc. Về phía Nhật Bản, tác giả cho rằng, nhiều người Nhật cảm thấy bị đe dọa bởi sự lớn mạnh của Trung Quốc.
Theo tác giả, một bộ phận quan chức ngoại giao ở Bắc Kinh hiện cho rằng họ không cần thiết phải kiêng nể các cường quốc nữa vì Trung Quốc đã vượt Nhật Bản trên trận chiến kinh tế và sắp tới sẽ vượt qua cả Mỹ. Họ ngày càng chú ý đến quan hệ Trung-Mỹ nhiều hơn quan hệ Trung-Nhật, bởi vì nhiều quan chức Trung Quốc cho rằng, Tokyo chỉ còn là tay chân của Mỹ. Vì thế, chính sách đối ngoại của Nhật hoàn toàn phụ thuộc vào chính sách Châu Á của Mỹ, trong khi chính sách này nhằm kiềm chế sự lớn mạnh của Trung Quốc.
Tác giả bài viết kết luận dân tộc chủ nghĩa leo thang, chạy đua vũ trang, thiếu một thể chế lãnh đạo tầm khu vực và tình trạng bấp bênh của các quá trình chuyển giao quyền lực đã làm làm trầm trọng hơn nguy cơ xung đột trên những vùng biển xunh quanh Trung Quốc.
Minh Châu (theo Le Monde Diplomatique, Đất Việt)