Sau cuộc bầu cử tháng 11 này, dù đương kim Tổng thống Barack Obama tiếp tục ở lại nắm quyền hay ứng cử viên Cộng hòa Mitt Romney sẽ lên thay thế thì các mối quan hệ chính trị, kinh tế phức tạp giữ Mỹ và Trung Quốc được dự đoán sẽ vẫn là ưu tiên hàng đầu đối với chính quyền Washington mới.
Tương lai quan hệ ngọt ngào và chua chát Mỹ-Trung
- Cập nhật : 12/10/2016
Các nhà ngoại giao Mỹ cho hay, quan hệ Mỹ-Trung sẽ vẫn “gây nhiều tranh cãi và thách thức” khi giới lãnh đạo mới của Bắc Kinh đối mặt với nhiều áp lực trong nước do nền kinh tế đang đi chậm lại.
Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tại Bắc Kinh tháng 9/2012. Ảnh: Getty Images
"Đó sẽ là một kết quả thách thức nhất trong chính sách đối ngoại mà chúng tôi phải đối mặt”, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell nói trong buổi hội thảo tại Washington về tương lai quan hệ giữa hai cường quốc.
Trung Quốc và Mỹ - hai nền kinh tế hàng đầu thế giới - đều đang đứng trước những quyết định lớn về hàng ngũ lãnh đạo trong các năm tới. Người Mỹ tuần này sẽ bầu vị tổng thống mới với chọn lựa giữa Tổng thống đương nhiệm Barack Obama - người mà hồi đầu năm công bố chiến lược trục xoay mới hướng về châu Á - và đối thủ đến từ đảng Cộng hoà Mitt Romney.
Tại Trung Quốc, đại hội toàn quốc của đảng cầm quyền cũng sẽ quyết định các nhà lãnh đạo mới của đất nước cho thập niên tới.
Quan hệ Mỹ - Trung sẽ “khó khăn hơn bất kỳ mối quan hệ nào mà chúng ta đã có trong các năm trước, chủ yếu vì tính phức tạp của nó”, ông Campbell nói tại diễn đàn do Đại học Georgetown tổ chức. "Sẽ có nhiều tranh cãi và thách thức", ông nhấn mạnh.
"Khuyến nghị duy nhất của tôi, hy vọng thực sự của tôi cho bất kỳ ai tiếp bước chúng tôi, đó là sự công nhận rằng, một chính sách tốt về Trung Quốc là điều cần làm trong chiến lược châu Á. Chính sách tốt ấy không chỉ hướng về Bắc Kinh, mà cần được đặt trong một cộng đồng lân cận nói chung, để đảm bảo các quốc gia khác sẽ cùng tham gia đối thoại, tham vấn về những vấn đề quan tâm chung”.
Cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Winston Lord, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ giai đoạn 1993-1997, người đã tháp tùng Richard Nixon khi ông này là tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Bắc Kinh năm 1972, đã gọi đó là “mối quan hệ ngọt ngào và chua chát”. Ông cảnh báo rằng, Trung Quốc đang đứng ở ngưỡng cửa rất quan trọng trong lịch sử của họ.
"Nếu họ không có những thay đổi trong kinh tế và hệ thống chính trị ở thập niên tới, tôi nghĩ, bạn có thể chứng kiến sự bất ổn thực sự, điều đó có thể dẫn tới một chính sách ngoại giao đậm tính dân tộc hơn, gây hấn hơn”, ông Lord nói.
Buổi hội thảo có chủ đề “Tăng cường đồng thuận: Chính sách Mỹ - châu Á trong chính quyền mới”. Christopher Hill - người tiền nhiệm của ông Campbell, giai đoạn 2005-2009, cho rằng, Mỹ còn rất nhiều điều chưa hiểu về Trung Quốc. "Có rất nhiều điều xảy ra ở đó, và chúng ta cần cố gắng để hiểu họ tốt hơn những gì chúng ta đã làm”, ông nói.
Thái An(theo channelnewsasia, VietnamNet)