Những di sản chống tiếp cận của Liên Xô trước đây vẫn còn tồn tại trong tư duy của các nhà quân sự Việt Nam, khiến Việt Nam tập trung đầu tư vào các tên lửa hành trình bảo vệ bờ biển, các hệ thống phòng không tích hợp, tàu ngầm, máy bay tuần tra để bảo vệ vùng biển thuộc chủ quyền trên Biển Đông, chuyên gia Mỹ phân tích trên RCD.
Đài Loan 'đứng ngồi không yên' vì lãnh đạo Trung - Mỹ gặp nhau
- Cập nhật : 07/04/2017
Dù thông báo chính thức hiện thực hóa kế hoạch tự đóng mới 8 tàu ngầm hiện đại, Đài Loan vẫn đang trong tâm trạng đứng ngồi không yên trước cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung sắp tới.
Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) nhận định, chính quyền Đài Loan đang trong tâm trạng "đứng ngồi không yên" trước cuộc gặp đầu tiên diễn ra từ ngày 6 – 7/4 ở bang Florida giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Đài Loan lo sợ các cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung sẽ ảnh hưởng lớn tới lợi ích của hòn đảo này.
Cụ thể, Đài Loan lo ngại ông Trump sẽ biến hòn đảo này trở thành con bài mặc cả với ông Tập để buộc Trung Quốc nhượng bộ trong nhiều vấn đề như thương mại. Ngoài ra, khả năng Mỹ sẵn sàng hy sinh mối quan hệ đồng minh lâu nay với Đài Loan để hòa giải với Trung Quốc.
Trước thời điểm chính thức nhậm chức, ông Trump từng có những tuyên bố mang tính khiêu chiến với chính quyền Bắc Kinh khi đặt câu hỏi Mỹ có nên tiếp tục duy trì quan điểm với chính sách "một Trung Quốc", vốn coi Đài Loan chỉ là một tỉnh ly khai của đại lục. Tuy nhiên, sau cuộc điện đàm bất ngờ hồi tháng Hai, ông Trump đã thay đổi thái độ và nhấn mạnh Mỹ sẽ tôn trọng chính sách "một Trung Quốc".
Còn theo giới phân tích, những tuyên bố mang tính chỉ trích Trung Quốc trong thời gian qua của ông Trump là một phần trong chiến thuật đàm phán với Bắc Kinh mà trong đó Đài Loan được xem là một con bài mặc cả.
Hiện tại, chính quyền Đài Bắc còn lo sợ khả năng chính quyền Tổng thống Trump sẽ không tiếp tục ủng hộ hòn đảo này thông qua các thỏa thuận thương mại và mua bán vũ khí. Đây chính là lý do khiến chính quyền của nhà lãnh đạo Thái Anh Văn cho thành lập một ủy ban chuyên trách theo dõi cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa ông Trump và ông Tập.
Phát ngôn viên cơ quan ngoại giao Đài Loan, bà Eleanor Wang cũng đã nhấn mạnh nhiệm vụ chính của ủy ban này là theo dõi sát sao nội dung đối thoại giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung.
Trong khi đó, bà Katherine Chang, người đứng đầu cơ quan xây dựng chính sách thuộc Hội đồng các vấn đề đại lục cho biết bà hy vọng Mỹ sẽ vẫn tôn trọng Đạo luật quan hệ với Đài Loan. Đạo luật này vốn được Washington thông qua sau khi Mỹ và Trung Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1979. Đạo luật này còn giúp bảo vệ các lợi ích của Đài Loan dù Washington và Đài Bắc không thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức.
"Hội đồng của Đài Loan đang theo dõi sát sao những tiến triển trong quan hệ Mỹ - Trung đồng thời yêu cầu Mỹ tôn trọng Đạo luật quan hệ với Đài Loan và không dùng Đài Loan làm con bài mặc cả hay con tốt thí để đổi lấy lợi ích với Bắc Kinh", SCMP dẫn lời bà Chang.
Phát biểu tại Đài Bắc, cựu lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu cũng nhấn mạnh vấn đề mà Đài Loan lo ngại nhất là việc liệu cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Trung có dẫn tới "thông cáo lần thứ tư" nhằm củng cố thêm mối quan hệ giữa hai quốc gia này.
Tuy nhiên, quan chức Ngoại giao Đài Loan, ông David Lee cho hay qua các kênh đối thoại chính thức, chính quyền Đài Loan đã nói với Washington rằng tốt nhất là Mỹ không nên ký kết bất cứ thỏa thuận nào với Trung Quốc.
Trước đó, Trung Quốc và Mỹ đã ký kết 3 thông cáo chung trong giai đoạn từ năm 1972 – 1982 để thiết lập mối quan hệ chính thức giữa hai nước. Đây cũng là nguyên nhân khiến Mỹ cam kết ủng hộ chính sách "một Trung Quốc". Trong đó, thông cáo lần thứ 3 được ký năm 1982 có quy định giới hạn lớn về hoạt động Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan.
Theo giới phân tích, khả năng trong cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên ở bang Florida, Mỹ - Trung sẽ chưa thể đưa ra thông cáo lần thứ tư và chưa ký kết bất cứ thỏa thuận nào gây ảnh hưởng tới lợi ích của Đài Loan.
"Chính sách một Trung Quốc sẽ không bị thay đổi và việc đàm phán về một thông cáo mới sẽ không diễn ra bởi cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Trung sắp tới diễn ra chỉ trong một thời gian ngắn. Ngoài ra, hai nước còn có nhiều vấn đề lớn đáng quan tâm hơn như thương mại song phương và chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên", ông Yen Chen-shen, nhà nghiên cứu tại Viện các mối quan hệ quốc tế thuộc Đại học quốc gia Chengchi của Đài Loan nhận định.
Nhà nghiên cứu Lee Chih-horng tại Viện Phát triển và Chiến lược Longus ở Singapore cho rằng rõ ràng, ông Trump sẽ sử dụng Đài Loan làm con bài mặc cả trong các cuộc đối thoại với ông Tập. Tuy nhiên, vẫn đề chính trong cuộc gặp này vẫn là thương mại và Triều Tiên.
"Đối với ông Trump, con bài mặc cả hiệu quả để buộc Trung Quốc phải chấp nhận thỏa thuận với Mỹ là việc Washington sẽ hành động đơn phương loại bỏ mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân Triều Tiên nếu Bắc Kinh không gây đủ áp lực kiềm chế Bình Nhưỡng", ông Lee nói.
Cũng theo ông Lee, Trung Quốc sẽ không để Mỹ hành động một mình. Bởi hành động đơn phương của Mỹ với Triều Tiên không chỉ khiến Bắc Kinh mất mặt mà còn làm tăng nguy cơ bùng nổ chiến tranh biên giới giáp Trung Quốc và Triều Tiên.
Trong khi đó, một quan chức hải quân Đài Loan cho hay chính quyền hòn đảo này có kế hoạch tự sản xuất 8 chiếc tàu ngầm nhằm tăng cường năng lực cho hạm đội 4 tàu ngầm vốn đã lỗi thời mà Đài Bắc mua của Hà Lan và Mỹ cách đây hơn 30 năm.
Theo Reuters, ông Cheng Wen-lon, Chủ tịch tập đoàn đóng tàu CSBC của Đài Loan, đơn vị nhận được bản hợp đồng đóng 8 chiếc tàu ngầm mới, cho biết bản thiết kế sơ bộ sẽ được hoàn tất vào đầu năm 2018.
Giới chức quốc phòng và quân sự Đài Loan nói thêm chiếc tàu ngầm đầu tiên do Đài Loan tự đóng, có thể đưa vào hoạt động chính thức trong 10 năm tới.
Trong thời gian gần đây, Mỹ và Đài Loan cũng đã ký kết một số thỏa thuận mua bán vũ khí mới. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia quân sự, dưới áp lực của Trung Quốc, hoạt động xuất khẩu vũ khí của Mỹ sang Đài Loan đang giảm dần về số lượng.
Hồi tháng trước, nhà lãnh đạo Thái Anh Văn cho hay chính quyền Đài Loan sẽ hiện thực hóa chương trình đóng tàu ngầm nội địa.
Tuy nhiên, giới phân tích khẳng định do chưa từng tự sản xuất tàu ngầm, Đài Loan sẽ buộc phải phụ thuộc vào sự hỗ trợ công nghệ của nước ngoài để cho ra đời các tàu ngầm hiện đại.
Chương trình sản xuất tàu ngầm nội địa của Đài Loan được cho có giá trị lên tới 98,7 triệu USD và được bắt đầu từ năm 2016.
Minh Thu (lược dịch)
Theo Infonet.vn