Đạo luật H.R.3364 “kể tội” Nga với bảng liệt kê danh mục hàng loạt “tội” cần phải “trừng phạt”. Ngoài chuyện Nga sáp nhập Crimea còn có chuyện Nga chiếm đóng ở hai vùng tự trị Nam Osetia và Apkhazia; Nga không thực hiện trách nhiệm đối với Thỏa thuận Minsk-2 tại Ukraine; Nga vi phạm Hiệp ước hủy bỏ tên lửa tầm trung ở châu Âu...
Khaltmaa Battulga vừa đắc cử Tổng thống Mông Cổ vào ngày 8/7/2017, ông là người từng lên tiếng phê phán Trung Quốc. Trong thời điểm Trung - Ấn đang xảy ra đối đầu căng thẳng ở biên giới, việc Ấn Độ mời ông Khaltmaa Battulga đến thăm khi ông này trúng cử Tổng thống chưa đầy 1 tháng là việc làm có ý nghĩa quan trọng, đã phát đi tín hiệu “tinh tế” đối với Trung Quốc.
Trong thời gian bầu cử ở Mông Cổ tiến hành vào đầu tháng 7/2017, ông Khaltmaa Battulga từng nhiều lần công khai đưa ra những phát biểu liên quan đến Trung Quốc, việc thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc là nội dung quan trọng trong cương lĩnh tranh cử của ông.
Vương Đức Hoa, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nam Á - Trung Á, Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Thượng Hải, Trung Quốc cho rằng Ấn Độ đang áp dụng sách lược “vây Ngụy cứu Triệu”. Ấn Độ muốn thông qua tạo “sóng gió” ở khu vực xung quanh Trung Quốc để thoát khỏi cục diện khó khăn hiện nay. Đối với Ấn Độ, hiện là lúc “đâm lao phải theo lao”.
Sự xích lại gần nhau giữa Ấn Độ và Mông Cổ phải chăng sẽ tạo ra áp lực cho Trung Quốc? Đối với vấn đề này, Vương Đức Hoa giữ quan điểm phủ định.
Tờ First Post Ấn Độ ngày 27/7 cho rằng, hành động mời ông Khaltmaa Battulga đến thăm của Ấn Độ sẽ gây ảnh hưởng to lớn đến quan hệ ngoại giao của Nam Á. Ấn Độ và Mông Cổ hứa hẹn sẽ phát triển quan hệ tốt hơn sau khi ông Khaltmaa Battulga đắc cử Tổng thống. Ấn Độ đã cảm nhận được cơ hội này. Trong thời gian tranh cử, ông Khaltmaa Battulga từng tuyên bố kinh tế Mông Cổ bị đe dọa bởi “quốc gia phía nam” (ám chỉ Trung Quốc). Ngoài ra, ông cũng từng gây khó cho đối thủ cạnh tranh, cho rằng đối thủ có “huyết thống người Trung Quốc”.
Trong thời gian làm Bộ trưởng Giao thông vận tải, ông Khaltmaa Battulga cũng từng can thiệp vào kế hoạch xây dựng đường sắt xuyên biên giới giữa Trung Quốc và Mông Cổ, làm cho kế hoạch này gặp trở ngại.
Tờ The Times of India ngày 26/7 tiết lộ, đầu tháng 7/2017, không lâu sau khi ông Khaltmaa Battulga đắc cử, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã mời ông đến thăm Ấn Độ. Thậm chí, ông Narendra Modi nhấn mạnh với ông Khaltmaa Battulga rằng “Ấn Độ và Mông Cổ có niềm tin dân chủ chung”.
Bản thân ông Narendra Modi từng đến thăm Mông Cổ vào năm 2015, là Thủ tướng Ấn Độ đầu tiên đến thăm nước này. Ngoài ra, sau khi Mông Cổ có Tổng thống mới, Đại sứ Ấn Độ tại Mông Cổ Suresh Babu cũng là một trong những đại sứ nước ngoài đầu tiên đến gặp Tân Tổng thống Mông Cổ.
Bài báo cho rằng: “Ấn Độ tích cực mở rộng hiện diện ở Mông Cổ, một nước láng giềng của Trung Quốc”.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Vương Đức Hoa cho rằng sự xích lại gần nhau giữa Ấn Độ và Mông Cổ là do thúc đẩy bởi nhu cầu lợi ích. Ông nói: “Ấn Độ đang lôi kéo các nước láng giềng, đồng thời mời các nhà lãnh đạo ASEAN tham dự lễ kỷ niệm Quốc khánh Ấn Độ. Mông Cổ muốn thoát khỏi tình hình khó khăn hiện nay, giảm ảnh hưởng của Trung Quốc, phát triển quan hệ với Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ”.
Theo số liệu của Phòng Tham tán Kinh tế thương mại Trung Quốc tại Mông Cổ, tổng kim ngạch thương mại với Trung Quốc của Mông Cổ năm 2016 chiếm 60% tổng kim ngạch thương mại đối ngoại của Mông Cổ. Cùng kỳ, xuất khẩu của Mông Cổ sang Trung Quốc chiếm 80% lượng xuất khẩu của họ. Không chỉ vậy, đầu năm 2017, trong thời điểm khủng hoảng kinh tế Mông Cổ bùng phát, Trung Quốc gia nhập kế hoạch cứu trợ quốc tế trị giá 5,5 tỷ USD đối với Mông Cổ của tổ chức Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nhằm hỗ trợ cho kinh tế Mông Cổ.
Nhiều chuyên gia Trung Quốc cho rằng những phát biểu liên quan đến Trung Quốc của ông Khaltmaa Battulga trong thời gian tranh cử chủ yếu là xuất phát từ “chủ nghĩa thực dụng”, là sách lược tranh cử lấy dân túy để thu hút phiếu bầu.
Theo các chuyên gia này, tiếp tục tìm kiếm quan hệ cân bằng mang tính xây dựng giữa Trung Quốc và Nga có thể sẽ là sự lựa chọn tốt nhất của ông Khaltmaa Battulga. Sau khi nhậm chức đến nay, ông Khaltmaa Battulga chưa tiếp tục phát đi tín hiệu “không hữu nghị” với Trung Quốc.
Tuy nhiên, sự xích lại gần nhau giữa Ấn Độ và Mông Cổ cũng không phải là sự “phát triển nhất thời”. Trước đó, hai nước đã triển khai hợp tác trên các lĩnh vực như quốc phòng, kinh tế.
Năm 2009, hai nước từng ký kết một thỏa thuận sử dụng hạt nhân dân dụng, Tiểu ban công tác chung hợp tác quốc phòng của hai bên cũng gặp gỡ thường xuyên hàng năm, Ấn Độ cũng đã giúp Mông Cổ tiến hành huấn luyện sĩ quan.
Báo chí Ấn Độ tiết lộ, sau khi đắc cử Tổng thống và gặp gỡ Đại sứ Ấn Độ, Tân Tổng thống Mông Cổ Khaltmaa Battulga đã bày tỏ mong muốn mở Học viện Khoa học kỹ thuật Ấn Độ tại Ulan Bator.
Ngoài ra, một Học viện Khoa học kỹ thuật Thông tin khác do Ấn Độ và Mông Cổ hợp tác cũng sẽ được mở ở Mông Cổ. Chính quyền Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng sẽ cung cấp khoản vay trị giá 1 tỷ USD cho Mông Cổ.
Giáo sư Mohan Malik, Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ cho rằng ông Khaltmaa Battulga đắc cử Tổng thống Mông Cổ đã tạo ra cơ hội cho Ấn Độ và Mông Cổ tăng cường quan hệ song phương. Đây là điều không thể coi thường trong cuộc cạnh tranh địa - chính trị rộng lớn hơn giữa Trung - Ấn.
Đầu năm 2017, khi gặp khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, Mông Cổ từng tìm kiếm sự giúp đỡ của Ấn Độ. Tờ The Times of India cho rằng quan hệ Ấn Độ - Mông Cổ trong các lĩnh vực an ninh và văn hóa đang trải qua thời kỳ tăng trưởng ổn định.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Vương Đức Hoa của Trung Quốc cho rằng sự xích lại gần nhau giữa Ấn Độ và Mông Cổ hoàn toàn không thể giải quyết được các vấn đề thực tế tự thân, nhưng có thể thể hiện được tính độc lập, tăng “quân bài” cho mình. Vương Đức Hoa cho rằng, việc Ấn Độ và Mông Cổ xích lại gần nhau sẽ “không có tác dụng gì” trong việc gây sức ép với Trung Quốc.
Phong Vân
Theo Viettimes.vn