Vụ tai tiếng Thụy Sĩ tiến hành hoạt động gián điệp đối với quốc gia láng giềng Đức vào cuối tháng 4 vừa qua đã thu hút sự chú ý của dư luận đối với một cơ quan tình báo rất ít được biết tới trên thế giới – FIS (Cơ quan tình báo liên bang Thụy Sĩ).
Kế hoạch của Nga ở Biển Đông
- Cập nhật : 12/05/2017
Nga đang âm thầm tiến hành ở châu Á-Thái Bình Dương, cũng như các thỏa thuận mua bán vũ khí và năng lượng trị giá hàng tỷ USD với các bên tranh chấp khu vực. Điều này cho thấy Nga có các mục tiêu chiến lược, lợi ích và cả những hành động trực tiếp liên quan tới diễn biến tranh chấp ở vùng biển này.
Chiến lược của Nga đối với các tranh cãi về Biển Đông phức tạp hơn bề ngoài. Quan điểm chính thức mà Moskva đưa ra thể hiện Nga là một nhân tố bên ngoài khu vực và không tham gia các tranh chấp này. Theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Nga “chưa bao giờ là một bên trong các tranh cãi ở Biển Đông”, và coi “việc không đứng về phía bất kỳ bên nào là một nguyên tắc rõ ràng”. Tuy nhiên, đằng sau những phát biểu kiểu này là những hoạt động củng cố quân sự mà Nga đang âm thầm tiến hành ở châu Á-Thái Bình Dương, cũng như các thỏa thuận mua bán vũ khí và năng lượng trị giá hàng tỷ USD mà nước này ký với các quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền. Điều này cho thấy dù không trực tiếp có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, song Nga có các mục tiêu chiến lược, lợi ích và cả những hành động trực tiếp liên quan tới diễn biến tranh chấp ở vùng biển này.
Một phần tư chương trình hiện đại hóa quân sự của Nga tới năm 2020 là các hạng mục và kế hoạch đầu tư cho Hạm đội Thái Bình Dương, có trụ sở tại Vladivostok, với mục tiêu là trang bị tốt hơn cho lực lượng này để họ có thể triển khai ở các vùng biển ngoài xa. Hợp tác quân sự giữa Nga và Trung Quốc cũng đã tiến triển tới mức Tổng thống Vladimir Putin từng gọi Trung Quốc là “đối tác và đồng minh tự nhiên” của Nga. Cuộc tập trận hải quân chung giữa hai nước gần đây đã diễn ra ở Biển Đông, và là cuộc tập trận đầu tiên có sự tham gia của Trung Quốc cùng một quốc gia khác tại vùng biển này sau khi Tòa Trọng tài ở La Hay ra phán quyết hồi tháng 7/2016.
Tuy nhiên, quan hệ giữa Nga và Việt Nam - một quốc gia cũng có mâu thuẫn về chủ quyền ở Biển Đông với Trung Quốc - hiện lại đang đi theo chiều hướng rất tích cực. Nga và Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”, tương đương mối quan hệ Nga-Trung. Hơn thế nữa, hai nước hiện đang phát triển các dự án về khí đốt ở Biển Đông và đàm phán các hợp đồng để Nga bán cho Việt Nam các hệ thống vũ khí tối tân nhằm tăng cường khả năng quốc phòng. Những gì Moskva làm rõ ràng không đồng điệu với các tuyên bố chính thức mang tính trung lập. Việc Moskva thúc đẩy cùng lúc hợp tác quân sự với cả Bắc Kinh và Hà Nội, hai bên trực tiếp có mâu thuẫn về chủ quyền ở Biển Đông, khiến người ta khó có thể đoán định được ý đồ của cường quốc này,
Nga thách thức sự thống trị đơn cực của Mỹ theo nhiều cách, thể hiện qua các chính sách tại Gruzia, Ukraine và Syria. Mục tiêu kiềm chế quốc gia đang bá chủ thế giới (là Mỹ) khiến Nga tìm cách xích lại gần Trung Quốc, quốc gia cũng đang thách thức sự thống trị của Mỹ và coi chính sách “xoay trục về châu Á” của cường quốc này là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh của mình. Bởi vậy, quan điểm của Nga và Trung Quốc về các mối đe dọa bên ngoài khá đồng điệu, vô hình trung khiến sự mở rộng về phía Đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đối với Nga, và chiến lược xoay trục về châu Á đối với Trung Quốc, đều bị coi là những mối đe dọa. Áp lực từ hệ thống quốc tế do Mỹ dẫn đầu, và mong muốn chống lại nó ngày càng lớn đã đẩy Nga và Trung Quốc tiến về phía nhau. Nhìn từ góc độ này, Biển Đông đối với Nga là một phần trong trò chơi lớn hơn trên quy mô toàn cầu, khiến Nga quyết định không đi ngược lại các lợi ích của Trung Quốc, và thay vào đó là chấp thuận, hoặc thậm chí là ủng hộ quốc gia này.
Trong khi đó, Nga đã thực tế hóa các cân nhắc đối với tình hình trong nước và khu vực qua hàng loạt chính sách nhằm đa dạng hóa quan hệ và ngăn chặn những nguy cơ bất ổn có thể tác động tiêu cực đến các lợi ích chiến lược tại châu Á-Thái Bình Dương. Điều này cũng khiến Nga hướng các mục tiêu thương mại sang các thỏa thuận năng lượng, cơ sở hạ tầng và vũ khí. Bằng việc củng cố quan hệ với Hà Nội, qua việc xuất khẩu vũ khí, hợp tác kỹ thuật-quân sự, hay các dự án chung, Moskva đang tự tạo ra một khu vực cân bằng lợi ích và quyền lực hơn ở Biển Đông, đồng thời gia tăng uy tín với các đối tác châu Á, và Việt Nam có thể trở thành cửa ngõ để Nga thâm nhập cộng đồng ASEAN. Điều này lý giải vì sao Nga một mặt không phản đối các chính sách của Trung Quốc, một mặt lại tỏ ra thông cảm với những quan ngại của Việt Nam ở Biển Đông.
Cho đến nay, những chính sách đan xen này của Nga ở Biển Đông vẫn vận hành hiệu quả và không hề mâu thuẫn nhau. Việt Nam đã nhận được những lợi ích nhất định từ sự hợp tác với Nga không chỉ bởi giá trị của mối quan hệ này, mà còn bởi sự gần gũi giữa Nga và Trung Quốc cũng là nhân tố thúc đẩy quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh, điều mà Việt Nam luôn trân trọng. Không giống như mối quan hệ với Mỹ, quan hệ đối tác Nga-Việt cho phép Việt Nam có thể tiếp cận các công nghệ năng lượng và vũ khí tân tiến, đồng thời tránh được việc bị lôi kéo vào cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung. Hơn thế nữa, Việt Nam cũng đã quen với việc sử dụng nhiều loại vũ khí và trang thiết bị quân sự do Nga sản xuất.
Các chính sách của Nga cũng tác động tới tính toán chiến lược của Bắc Kinh. Quan hệ Nga-Việt thực chất là có lợi cho Bắc Kinh bởi nó sẽ giúp hạn chế phần nào sự hình thành của một liên minh giữa Hà Nội và Washington. Mặc dù không hài lòng với việc Nga chuyển vũ khí cho Việt Nam, song Bắc Kinh nhận thức được rằng nếu không có những thỏa thuận hay giao dịch này, Hà Nội sẽ chuyển hướng chính sách đa dạng hóa các mối quan hệ quân sự sang phía Washingon, một viễn cảnh đồng nghĩa với việc “vòng kiềm tỏa” mà Washington dựng lên quanh Trung Quốc càng thêm siết chặt. Bởi vậy, dù phản đối việc quốc tế hóa vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, song Bắc Kinh rõ ràng đang chấp nhận sự can dự ngày càng lớn của Nga cũng như mối quan hệ hợp tác quân sự giữa Nga và Việt Nam.
Bằng việc bắt tay cùng cả Trung Quốc và Việt Nam, Nga đã xác định cụ thể các mục tiêu khu vực và toàn cầu của mình. Điều này làm gia tăng những cơ hội và thách thức mà Nga phải đối mặt trong cuộc cạnh tranh quyền lực ở châu Á, song sẽ giúp Nga kìm hãm sự cải thiện trong quan hệ Mỹ-Trung và góp phần định hình các tranh cãi ở Biển Đông để tạo cơ hội cho các cuộc đàm phán đa phương. Đối với Nga, việc duy trì hiện trạng, cho dù nó không hoàn hảo, cũng sẽ có lợi hơn là việc chứng kiến một bên chiến thắng trong các tranh cãi ở Biển Đông.
Theo “Oil Price”
Mỹ Anh (gt)
Nguồn: Nghiencuubiendong.vn