Bắt nạt, hăm dọa, gây sức ép kinh tế và ngoại giao là hình mẫu chính sách của Trung Quốc tại Biển Đông.
Những điểm xung đột trên biển Tây Thái Bình Dương
- Cập nhật : 12/10/2016
Nơi mà xưa từng là một vùng biển tương đối thanh bình ở Tây Thái Bình Dương, giờ đã trở thành cái mồi lửa sẵn sàng nổ tung. Tôi đang nói về một khu vực trải dài, vượt ra khỏi biển Nhật Bản, xuống tới tận biển Hoa Đông, xuyên eo biển Đài Loan và kéo dài tới Biển Đông (nguyên văn: biển Hoa Nam), với tổng diện tích khoảng 5,8 triệu km2 (2,2 triệu dặm vuông).
Vùng biển ấy chi chít những đảo, đảo nhỏ, đảo san hô, bãi cạn, và đá. Ngoại trừ một vài đảo ra, những cấu trúc đá nhô lên trên biển này đều không có người ở. Nhưng biển rất giàu dầu, khí tự nhiên và hải sản. Và đó là lý do tại sao các nước trong vùng rất muốn sở hữu một phần – nếu không phải là tất cả – vùng biển khổng lồ này.
Biển Đông
Do vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi quốc gia lớn nhất trong khu vực đã ra tay. Vào tháng 3-2010, Trung Quốc – trong một hành động táo bạo – đơn phương tuyên bố toàn bộ Biển Đông là “lợi ích quốc gia cốt lõi”, và yêu cầu các nước khác, đặc biệt là Mỹ, tránh ra! Theo cách nói thông thường của Trung Quốc thì “lợi ích quốc gia cốt lõi” có nghĩa là không thể thương lượng được, không thể chuyển nhượng được (non-negotiable).
Tháng 6 năm ngoái, sau hơn hai tháng xô xát với tàu hải quân Philippines, tàu vũ trang của Trung Quốc đã thực sự chiếm được bãi cạn Scarborough Shoal (bãi cạn Panatag) khi họ ngăn cản, không cho tàu canh gác bờ biển (tuần duyên) và tàu cá của Philippines tiến vào vùng nước phía bên trong bãi.
Sau đó, vào ngày 24-7-2012, trong một động thái liều lĩnh nhất từ trước tới nay, Trung Quốc thành lập chính quyền cấp tỉnh ở thành phố Tam Sa (Sansha) trên đảo Phú Lâm (Woody Island), để cai quản toàn bộ các quần đảo Hoàng Sa (Paracel), Trường Sa (Spratly) và Trung Sa (Macclesfield). Đảo Phú Lâm – từng là nơi không người ở khi bị Trung Quốc cưỡng chiếm từ tay Việt Nam, cách đây 38 năm – bây giờ đã có dân cư với hơn 1000 thường dân Trung Quốc, đường xá, một ngân hàng, một bưu điện, một siêu thị và một bệnh viện.
Điều thú vị là, Tam Sa là thành phố cấp tỉnh nhỏ nhất cả về dân số và diện tích (13 km2 hay 5 dặm vuông), nhưng lại có biển rộng nhất, 2 triệu km2 (772.000 dặm vuông). Bên cạnh việc lập chính quyền thành phố, Trung Quốc cũng sẽ xây một đơn vị quân sự đồn trú ở Tam Sa để bảo vệ chủ quyền trên toàn bộ Biển Đông.
Với việc thành lập thành phố Tam Sa, Trung Quốc làm được điều họ muốn mà không phải bắn một hòn đạn: toàn bộ Biển Đông! Việt Nam và Philippines ngay lập tức phản đối hành động của Trung Quốc. Đáp lại, Trung Quốc cảnh cáo hai nước, yêu cầu đừng can thiệp vào công việc nội bộ của họ.
Động thái tiếp theo của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ là gì? Nếu Trung Quốc tiếp tục sử dụng xảo thuật “cắt salami” – tức là, từ từ, chậm rãi lấy dần từng phần lãnh thổ, biển, đảo – thì động thái tới đây của họ sẽ là chiếm hữu quần đảo Trường Sa, mỗi lúc một đảo. Nhưng vấn đề ở đây là có 5 nước khác cũng đang có yêu sách đòi một phần hoặc toàn bộ quần đảo. Trong 6 bên yêu sách, Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam và Philippines có hiện diện quân sự ở một số đảo. Philippines có khoảng 1000 quân đóng ở nhóm đảo Kalayaan, trong đó đảo Pag-asa còn có một bãi đáp nhỏ dành cho máy bay.
Câu hỏi đặt ra là: Liệu Trung Quốc có nguy cơ đối đầu quân sự với Philippines không, nếu họ đưa quân đội đến Kalayaan? Nếu có, hải quân Philippines đóng ở đó có chống lại Trung Quốc được không?
Thật thú vị nếu ta để ý rằng mặc dù Mỹ có hiệp ước phòng thủ chung với Philippines, nhưng đầu năm nay, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã có một tuyên bố chính sách, nói Mỹ sẽ tiếp tục giữ thái độ trung lập trong các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Tuy nhiên, bà Clinton cảnh báo Trung Quốc là phải mở rộng các tuyến đường biển cho hàng hải quốc tế. Trung Quốc đáp lại rằng họ sẽ bảo vệ chủ quyền của mình.
Biển Hoa Đông
Trong khi đó, Trung Quốc đang tiến hành một cuộc chiến ngôn từ với Nhật Bản, xoay quanh tranh chấp chủ quyền giữa hai nước đối với quần đảo Senkaku (mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư Đài), một tập hợp 5 đảo nhỏ (islet) và 3 bãi đá (rock) trên biển Hoa Đông, cách đều giữa Okinawa và Đài Loan, và cách Trung Hoa lục địa khoảng 320 km. Mặc dù quần đảo Senkaku không người ở này do Okinawa quản lý, nhưng cả Trung Quốc và Đài Loan đều tuyên bố đó là một phần lãnh thổ Trung Hoa xưa.
Nhưng điều thú vị về chuyện Senkaku là, theo Cục Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ, biển Hoa Đông có trữ lượng từ 1 đến 2 nghìn tỷ feet khối khí tự nhiên – tiềm năng và/hoặc đã được thăm dò.
Gần đây, Mỹ đã phái hạm đội không quân sẵn sàng chiến đấu (battle-ready), bộ binh và hải quân đến Tây Thái Bình Dương. Tổ hợp tàu sân bay quân sự George Washington đã bắt đầu hoạt động ở biển Hoa Đông, trong tầm tấn công của quần đảo Senkaku. Tàu sân bay siêu hạng, chạy bằng năng lượng hạt nhân này là tàu sân bay tấn công (forward-deployed – có người dịch là “triển khai phía trước” – ND) của Mỹ. Nó là một phần của Hạm đội 7 hiện đang đóng ở Yokosuka, Nhật Bản.
Một tổ hợp tàu sân bay tấn công khác mà dẫn đầu là tàu John C. Stennis đang hoạt động hơi xa về hướng nam, xuống phía Biển Đông. Một tàu sân bay siêu hạng, chạy bằng năng lượng hạt nhân, có thể chở hơn 80 máy bay chiến đấu, và một tổ hợp tấn công điển hình sẽ có cả tuần dương hạm mang tên lửa có điều khiển (guided-missile cruiser) và tàu khu trục, tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân, và tàu chở hàng.
Tại vùng biển Philippines, khoảng 2.200 hải quân đang đóng trên tàu đổ bộ Bonhomme Richard. Họ là một phần trong lực lượng đặc nhiệm trên không-trên bộ, lực lượng này có hai tàu khu trục nhỏ (frigate).
Mặc dù Mỹ giữ lập trường trung lập trong tranh chấp lãnh thổ Nhật-Trung, nhưng giới chức Mỹ đã nói rõ rằng quần đảo Senkaku nằm trong khuôn khổ quản lý của hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật, theo đó Mỹ phải bảo vệ Nhật Bản trong trường hợp Nhật bị tấn công. Thật thú vị khi ta biết rằng Mỹ và Nhật vừa mới kết thúc một cuộc tập trận bảo vệ đảo gần Guam. Trùng hợp chăng?
Biển Nhật Bản
Trong khi đó, tại biển Nhật Bản (mà Hàn Quốc gọi là biển Đông), Nhật Bản đang bị lôi vào một cuộc tranh chấp chủ quyền khác với Hàn Quốc, xoay quanh quần đảo Dokdo (Nhật gọi là Takeshima), nằm giữa hai nước. Dokdo bao gồm hai đảo nhỏ, bao quanh là 33 vỉa đá còn nhỏ hơn thế, tổng diện tích 187.450 mét vuông.
Hàn Quốc rất gắn bó với những hòn đảo này, về mặt tình cảm. Yêu sách chủ quyền của Nhật Bản đối với Dokdo gợi cho người Hàn Quốc nhớ về thời kỳ đen tối khi Nhật chiếm Hàn Quốc làm thuộc địa trong thế kỷ 20.
Hồi tháng tư, một trận khẩu chiến đã bùng nổ khi Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak bay sang quần đảo tranh chấp này. Sau đó, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda triệu hồi đại sứ Nhật ở Seoul về nước để tỏ sự phản đối.
Nhiều người cho rằng Nhật muốn sở hữu Dokdo vì lượng lớn “khí hydrat”, hay là methane đông lạnh trong nước, nằm trên hoặc trong đáy biển Nhật Bản. Mặc dù chưa thể khai thác “khí hydrat” với số lượng lớn để mua bán, sử dụng làm nhiên liệu trong vòng 10 năm tới, nhưng các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng vùng đáy biển quanh quần đảo Dokdo là một khu vực đầy hứa hẹn. Điều đó càng khiến cho Dokdo trở nên rất giá trị cả với Nhật Bản lẫn Hàn Quốc – hai quốc gia vốn có nhu cầu cao về nguồn năng lượng.
Điểm bùng phát
Những điểm xung đột kể trên ở Biển Đông, biển Hoa Đông và biển Nhật Bản đã đặt Mỹ vào tình thế khó xử. Một mặt, họ có quan hệ đồng minh quân sự với Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines. Mặt khác, Trung Quốc lại là một trong các đối tác thương mại lớn nhất của họ. Trong khi chưa có gì chắc chắn là Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ để xảy ra đối đầu quân sự, thì tình hình ở biển Hoa Đông và Biển Đông là rất dễ thay đổi.
Vậy, chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo đây? Như câu thành ngữ xưa đã nói, “phòng thủ tốt nhất là cách tấn công tốt nhất”. Thành ngữ ấy rất có tác dụng đối với Mỹ trong thời Chiến tranh Lạnh. Lần này nó cũng nên phát huy tác dụng.
Tác giả: Perry Diaz – California
Người dịch: Thủy Trúc
Nguồn bản tiếng Anh: The Mindanao Examiner
Nguồn bản tiếng Việt: Anh Ba Sàm