The Economist đánh giá, quan hệ giữa Nga và phương Tây bị đổ vỡ đã khiến Matxcơva phải quay sang Trung Quốc. Nhưng tình đồng chí này chỉ ngoài mặt, còn phía sau tiềm ẩn những bất đồng sâu sắc.Matxcơva quan ngại trước người láng giềng nổi tiếng đầy tiềm năng kinh tế, và sức mạnh quân sự đang nhanh chóng gia tăng.
Ông Donald Trump tung hết đòn ép Trung Quốc
- Cập nhật : 14/08/2017
Được truyền thông mô tả là “một canh bạc ngoại giao”, Tổng thống Mỹ Donald Trump một mặt tìm kiếm sự giúp đỡ của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên, mặt khác lại dọa điều tra thương mại Bắc Kinh...
Tổng thống Donald Trump (giữa) vẫn làm việc dù đang đi nghỉ ở sân golf Bedminster tại New Jersey. Trong ảnh: buổi họp báo của ông Trump cùng Ngoại trưởng Rex Tillerson (trái) và đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley ngày 11-8 - Ảnh: REUTERS
Người Trung Quốc hành xử với thành kiến rằng họ sẽ luôn là mối đe dọa chiến lược số 1 đối với Mỹ, do đó vấn đề Triều Tiên sẽ bị dùng để đối phó Trung Quốc - thông qua cấm vận, khiêu khích và tất cả những thứ khác
Yun Sun (chuyên gia về Trung Quốc thuộc Trung tâm Stimson ở Washington)
Cuối tuần qua, Tổng thống Donald Trump đã có cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để thảo luận vấn đề kiểm soát chương trình tên lửa và hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Bắc Kinh đang tìm cách làm hạ nhiệt căng thẳng, sau khi nhà lãnh đạo Mỹ dọa sẽ trút “hỏa lực và lửa giận” nếu Bình Nhưỡng dám bắn tên lửa về phía đảo Guam.
“Các bên liên quan cần phải kiềm chế, tránh những ngôn từ và hành động có thể khiến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trầm trọng hơn” - Đài CNBC của Mỹ dẫn lời ông Tập nói với Tổng thống Trump.
Có qua, chưa có lại?
Điều đáng chú ý là cuộc điện đàm giữa lãnh đạo Trung - Mỹ lại diễn ra trong bối cảnh Nhà Trắng đang “dấm dứ” tung đòn “điều tra thương mại” với Bắc Kinh - một động thái (nếu diễn ra) sẽ khiến quan hệ hai nước lập tức “bốc hỏa”.
Tổng thống Trump dự kiến trở về Washington trong hôm nay (14-8, giờ Mỹ) để ký một bản ghi nhớ cân nhắc điều tra hoạt động vi phạm sở hữu trí tuệ của Trung Quốc.
Kế hoạch này lẽ ra đã được tiến hành cách đây hơn một tuần, nhưng Nhà Trắng “phanh gấp” vào phút chót, dường như để tỏ thiện ý trước việc Bắc Kinh bỏ phiếu ủng hộ trừng phạt Triều Tiên ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Cánh diều hâu thương mại ở Washington có thể sốt ruột với cách làm “từ từ” của tổng thống, nhưng giới quan sát nhận xét điều này giúp giữ quan hệ với Trung Quốc không quá căng, mặt khác ông Trump có trong tay một quân bài để ngã giá.
Tổng thống Mỹ các đời trước thường tách bạch các vấn đề an ninh và kinh tế trong quan hệ với Trung Quốc, chỉ riêng Tổng thống Trump là cố tình kết gắn hai thứ với nhau.
Phát biểu hôm 10-8 trước các phóng viên, ông Trump có nói: “Nếu Trung Quốc giúp chúng ta, tôi sẽ suy nghĩ một cách rất khác về chuyện thương mại”.
Đại ý của ông là Mỹ sẽ nhượng bộ về thương mại nếu Bắc Kinh gây áp lực hơn lên Bình Nhưỡng.
Vai trò của Trung Quốc được đánh giá là cực kỳ quan trọng trong bất cứ giải pháp nào cho vấn đề căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, chủ yếu xuất phát từ mối quan hệ kinh tế gắn kết giữa hai quốc gia này.
Ông Trump đã cố dùng đòn bẩy thương mại với Trung Quốc để giải quyết chuyện Triều Tiên trong nhiều tháng kể từ lần gặp với ông Tập Cận Bình ở Mar-a-Lago (bang Florida).
Tuy nhiên, kết quả không mấy khả quan đã dẫn đến lời đe dọa động binh của Washington trong những ngày qua - thông điệp rõ ràng chuyển đến Bắc Kinh nhiều hơn là Bình Nhưỡng.
Chưa đủ cố gắng
Dù hiểu rằng hiệu quả lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc phụ thuộc phần lớn vào Trung Quốc, các nhà phân tích cho rằng chính quyền ông Trump chưa có nhiều “sáng kiến” để khiến Bắc Kinh dốc lòng thực hiện.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Trump, ông Tập nhấn mạnh lãnh đạo hai nước “hết sức cần thiết” phải duy trì liên lạc “nhằm tìm ra một giải pháp thích hợp cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên”.
Hàm ý của chủ tịch Trung Quốc là một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng, nhưng chính quyền ông Trump đã nói rõ điều này chỉ có thể thực hiện một khi Bình Nhưỡng đồng ý “giải giáp” hạt nhân.
Không chỉ từ chối xuống nước trước, Mỹ thời gian qua còn khiến Trung Quốc khó chịu với động thái triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối ở Hàn Quốc.
Để xoa dịu Bắc Kinh, Ngoại trưởng Rex Tillerson đã phải lên tiếng cam kết Mỹ không có ý định lật đổ nhà lãnh đạo Kim Jong Un, hoặc điều quân xâm phạm vĩ tuyến 38 chia cắt hai miền Triều Tiên.
Theo các nhà quan sát, giới lãnh đạo Bắc Kinh tin rằng Mỹ xem Trung Quốc là đối thủ, chứ không hẳn là Triều Tiên.
Từ góc nhìn này, Washington bị coi là lợi dụng chuyện Triều Tiên để áp dụng chiến lược bao vây quân sự với Trung Quốc.
Mối quan tâm của Bắc Kinh không chỉ là một giải pháp dứt điểm về tương lai bán đảo Triều Tiên (theo lập trường của Trung Quốc), họ còn muốn biết Mỹ sẽ làm gì với lực lượng 28.500 quân đang đóng ở Hàn Quốc.
Tướng Mỹ đi thăm Trung Quốc
Hôm nay (14-8), chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Mỹ - tướng Joseph F. Dunford Jr. có mặt tại Bắc Kinh trong chuyến công du cao cấp nhất của một quan chức Mỹ kể từ lần Ngoại trưởng Rex Tillerson gặp ông Tập Cận Bình ở Bắc Kinh hồi tháng 3. Triều Tiên hẳn sẽ là một chủ đề quan trọng ông Dunford cần thảo luận với phía Trung Quốc.
Sau Trung Quốc, tướng Dunford sẽ đến Hàn Quốc và Nhật Bản.
MINH TRANG (Từ Mỹ)
Theo Tuoitre.vn