Đó là nhận định đầy lo lắng của cựu chiến lược gia trưởng Nhà Trắng Steve Bannon.
Trung Quốc đang hợp thức hóa hoạt động bành trướng Biển Đông?
- Cập nhật : 05/09/2017
Khoảng 18.000 tàu cá ở Hải Nam, Trung Quốc sẽ tràn xuống Biển Đông sau 108 ngày thực hiện lệnh cấm đơn phương của Trung Quốc.
Tờ Thời báo Hoàn cầu của chính quyền Trung Quốc dẫn nguồn các quan chức Hải Nam cho biết thông tin trên.
Trong khi đó, tờ SCMP hôm 3/9 dẫn lời một ngư dân tên Bao ở cảng Tanmen, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc cho biết: “Không cần phải lo lắng gì cả vì chúng tôi có tàu của chính phủ bảo vệ”.
Trung Quốc đã ngang ngược đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông năm 2017, thời hạn từ ngày 1/5 đến 16/8, bao gồm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, một phần vịnh Bắc bộ, và bãi cạn Scarborough.
Việc Bắc Kinh xua tàu cá giành giật ngư trường với các nước trong khu vực không phải mới. Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc, đồng thời là Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình từng nhấn mạnh, Trung Quốc phải xây dựng một hệ thống chiến lược quốc gia và năng lực trong phát triển quốc phòng gắn với dân sự.
Ông Tập khẳng định, việc tăng cường phát triển mối liên kết giữa quốc phòng và dân sự là một chiến lược quốc gia, đồng thời là thành tựu quan trọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong sự nghiệp phát triển kinh tế và bảo vệ đất nước.
Chính vì thế, việc đội tàu cá "đông như kiến" của Trung Quốc tràn xuống biển Đông chính là một phần của âm mưu chủ quyền, tiến tới thâu tóm các đảo và bãi cạn của Trung Quốc trên Biển Đông.
Ths Hoàng Việt, giảng viên Đại học Luật TP.HCM, thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông chỉ ra rằng, chiến lược của Trung Quốc chỉ đơn giản nhằm hợp thức hóa những hoạt động bành trướng của họ tại các vùng tranh chấp, trong đó có Biển Đông.
Nói cách khác, tàu cá Trung Quốc sẽ được trang bị vũ khí một cách công khai, tràn ra khắp Biển Đông để xác thực cái mà Bắc Kinh gọi là đường chín đoạn (đường lưỡi bò).
Song song với đó, các hoạt động xâm lấn, bồi đắp, xây dựng tại các đảo mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền sẽ được thực hiện dưới danh nghĩa ''hoạt động dân sự''.
Theo vị chuyên gia, trong Luật biển các bộ luật khác đã quy định, nếu một quốc gia mang quân đội của mình đi xâm phạm chủ quyền của các quốc gia khác thì sẽ bị coi là hành động tuyên chiến. Các quốc gia khác có thể dựa vào đó để đưa ra những hành động tự vệ.
Trong trường hợp của Trung Quốc, nếu Bắc Kinh chỉ sử dụng các lực lượng dân sự để thực hiện ý đồ của mình thì các quốc gia khác không thể chứng minh được Trung Quốc đang xâm lược, tấn công vũ trang họ.
Thứ hai, chiến lược mới của Trung Quốc có thể giúp họ không bị cô lập trong lĩnh vực ngoại giao. Bởi lẽ, nếu Trung Quốc có các hoạt động xâm lược quốc gia khác bằng vũ lực, thì điều đó trái với tinh thần chung của thế giới. Nhiều quốc gia trên thế giới sẽ phản đối và cô lập Trung Quốc về ngoại giao.
An Nhiên
Theo Baodatviet.vn