Không có nơi nào trên thế giới mà trong chương trình tranh cử tổng thống lại đem vấn đề đối phó với Trung Quốc hay chính xác là với sự nguy hại của Trung Quốc ra làm con bài để lấy lòng cử tri như ở Mỹ...
Trung Quốc và chiến lược "lãnh địa hóa" Biển Đông
- Cập nhật : 12/10/2016
Theo Đài RFI, nhân cuộc hội thảo về Biển Đông với chủ đề “Biển Đông phải chăng là một không gian khủng hoảng mới?” do Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Pháp (IRIS) phối hợp với Quỹ Gabriel Péri đồng tổ chức, ông Schaeffer đồng thời cho rằng Việt Nam cần phải quốc tế hóa mạnh mẽ hơn hồ sơ này để đối phó với chiến lược của Trung Quốc.
Theo ông Schaeffer, khi xem xét hoạt động của ngành ngoại giao Trung Quốc và nhất là các hoạt động trong lĩnh vực pháp lý liên quan đến vấn đề quyền trên biển, ta thấy rằng, Trung Quốc đã vạch ra xung quanh quần đảo Hoàng Sa những đường cơ sở thẳng, như thể đây là một quốc gia quần đảo. Nhưng dựa vào luật biển, điều đó hoàn toàn không có bất kỳ một cơ sở pháp lý nào được chấp nhận trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển.
Điểm thứ hai liên quan đến Trường Sa. Khi phản ứng vào năm ngoái trước công hàm của Philippines gửi đến Liên hợp quốc để phản đối các đòi hỏi của Trung Quốc liên quan đến đường 9 đoạn, Bắc Kinh đã thể hiện rõ ý định muốn vạch ra những đường cơ sở thẳng tương tự chung quanh Trường Sa. Trong công hàm đưa ra để phản bác các đề nghị của Philippines, Trung Quốc cho biết là đối với họ, quần đảo Trường Sa có quyền có lãnh hải, có vùng tiếp giáp và vùng đặc quyền kinh tế.
Tất cả những lập luận trên, cũng như lập luận về một số bãi đá như James Shoal, hay một mỏm đá khác nằm phía Nam quần đảo Trường Sa (không thuộc quần đảo này nhưng lại ở bên trong đường 9 đoạn) và những sự cố liên quan đến bãi Scarborough, cho thấy mục tiêu của Trung Quốc là cụ thể hóa các đòi hỏi căn cứ theo đường 9 đoạn đó.
Thêm vào đó, khu vực mà Trung Quốc gọi là quần đảo Trung Sa (quốc tế gọi là bãi Macclesfield) chỉ là một bãi ngầm, không bao giờ nổi lên trên mặt nước kể cả khi thủy triều thấp. Do đó, trong mọi trường hợp, bãi này không có quyền có lãnh hải và lại càng không có quyền hưởng quy chế khu đặc quyền kinh tế.
Trung Quốc cũng có đòi hỏi tương tự đối với một bãi ngầm khác là Truro Shoal. Do việc bãi Truro, cũng như bãi Macclesfield, đều không thể có một vùng đặc quyền kinh tế hay lãnh hải, cho nên Trung Quốc đã gộp hai thực thể này với bãi ngầm Scarborough và gọi tập hợp đó là quần đảo Trung Sa - một loại quần đảo hoàn toàn tưởng tượng không hơn không kém.
Xung quanh khu vực đó hiện giờ họ chưa vẽ đường cơ sở thẳng nào, cũng chưa nói đến khả năng đó, nhưng ta có thể suy đoán về khả năng này dựa vào những gì xảy ra trước đây. Giữa quần đảo Hoàng Sa và cái gọi là Trung Sa rất có thể có một sự liên tục về mặt pháp lý, điều đó sẽ cho phép Trung Quốc vạch một đường cấm, buộc tàu chiến đi qua khu vực phải dừng lại.
Cho đến nay, các nhà quan sát đã nói rất nhiều về mục tiêu kinh tế của Trung Quốc trong việc tìm cách độc chiếm Biển Đông, tức là để chiếm đoạt nguồn dầu khí được cho là dồi dào trong khu vực. Tuy nhiên, theo ông Schaeffer, vấn đề quân sự là một nhân tố tối quan trọng. Việc lãnh địa hóa Biển Đông sẽ cho phép Bắc Kinh triển khai hạm đội tàu ngầm của họ một cách an toàn hơn, dự phòng khi phải tấn công vào Mỹ.
Ông giải thích: “Khi nhìn trên bản đồ, ta thấy ở Tam Á (phía Nam đảo Hải Nam) có căn cứ hải quân, nơi Trung Quốc đặt các tàu ngầm phóng tên lửa của họ."
Khoảng cách giữa Tam Á này và vùng sâu đầu tiên ở Biển Đông, nơi mà các tàu ngầm nguyên tử Trung Quốc có thể tuần tra một cách yên ổn, là 430 km. Bất kỳ một máy bay trinh sát nào cũng có thể phát hiện ra tàu ngầm Trung Quốc khi các con tàu này rời cảng và đến nơi tuần tra hay đi xa hơn nữa ra Thái Bình Dương, qua eo biển giữa đảo Luzon của Philippines và vùng phía Nam Đài Loan. Hơn nữa tàu ngầm lớp Tấn, tức là tàu nguyên tử phóng tên lửa thế hệ hai hiện nay của Trung Quốc lại rất ồn, do đó rất dễ phát hiện. Cho nên cũng dễ hiểu lý do tại sao Trung Quốc muốn biến cả vùng này thành một lãnh hải của riêng họ.
Ngoài ra, dù có nêu rõ hay không, mục tiêu của Trung Quốc không phải là tấn công Mỹ mà là tự bảo vệ mình trước Mỹ. Muốn tự bảo vệ trước Mỹ thì Trung Quốc phải tìm cách đưa tàu ngầm của họ đến được nơi mà mục tiêu Mỹ nằm trong tầm bắn của tên lửa phóng đi từ tàu ngầm của họ. Hiện nay, tên lửa Cự Lãng của Trung Quốc chỉ có tấm bắn 8.000 km, chưa có khả năng bắn đến Mỹ từ Biển Đông.
Nhìn chung, đó là lý do vì sao Trung Quốc muốn "lãnh địa hóa" vùng Biển Đông. Trung Quốc cũng không thể chuyển dịch căn cứ tàu ngầm lên phía Bắc, vì biển Hoa Đông có một thềm lục địa chạy dài đến tận Okinawa, không xa bờ biển Nhật Bản, do đó tàu ngầm Trung Quốc khó có thể che giấu hành tung. Tóm lại nơi kín đáo nhất đối với tàu ngầm Trung Quốc chính là ở phía Nam, nơi họ đang đặt căn cứ Tam Á.
Câu hỏi đặt ra là Việt Nam phải làm gì trước chiến lược đó của Trung Quốc, nhất là khi Việt Nam đang ở tuyến đầu. Theo ông Schaeffer, trong nỗ lực chống lại đường lưỡi bò của Trung Quốc, Việt Nam không lẻ loi, và cần phải vận động các nước trong khối ASEAN và nhiều quốc gia khác.
Ông cho biết: “Theo tôi, trước hết Việt Nam không đơn độc. Hiện nay, cả Việt Nam lẫn Philippines đang ở trên tuyến đầu, sắp tới đây tôi cho rằng sẽ đến lượt Indonesia và Malaysia. Các nước trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á cần phải đoàn kết, nỗ lực thu hút sự chú ý của quốc tế."
Ông Schaeffer giải thích thêm rằng cần phải thu hút sự chú ý không chỉ của Mỹ mà cả của các nước khác trong vùng như Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Liên minh châu Âu, thậm chí cả các nước Mỹ Latinh nữa vì lẽ Biển Đông là một vùng có rất nhiều tuyến hàng hải quan trọng đi qua, và nếu bị Trung Quốc ngăn chặn thì các quốc gia khác cũng bị ảnh hưởng. Do đó cần phải thuyết phục Trung Quốc cho bằng được là họ phải chấp nhận thương thảo vấn đề chủ quyền trên Biển Đông trên cơ sở Luật Biển quốc tế. Nếu cần thì phải đưa ra Tòa án Công lý Quốc tế, cho dù phải mất rất nhiều thời gian để chuẩn bị thủ tục hồ sơ.
Theo tướng Schaeffer, Việt Nam phải tiếp tục nỗ lực quốc tế hóa vấn đề. Cho đến nay, Bắc Kinh luôn chống lại điều này vì biết rõ rằng họ sẽ bị đuối lý./.
(Vietnam+)