Trong bối cảnh tranh chấp Nhật-Trung về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang căng thẳng, một lực lượng quân sự hùng mạnh của Mỹ ngày 30/9 đã có mặt ở khu vực Tây Thái Bình Dương, khá gần quần đảo này. Mặc dù vậy, đây có thể chỉ là một sự trùng hợp chứ chưa phải là một tín hiệu đáng lo ngại.
Vì sao tàu sân bay Mỹ đến Hoa Đông?
- Cập nhật : 12/10/2016
Sự xuất hiện của hàng không mẫu hạm Mỹ USS George Washington ở Biển Hoa Đông vào thời điểm nhạy cảm tranh chấp Trung-Nhật đang gây ra nhiều đồn đoán khác nhau.
Ngày 30/9, các chỉ huy hải quân Mỹ cho biết, tàu sân bay USS George Washington đã bắt đầu hoạt động ở biển Hoa Đông, gần quần đảo đang có tranh chấp. Trong khi đó, tàu sân bay USS John C.Stennis cũng hiện diện ở vùng Thái Bình Dương. Mỗi hạm đội bao gồm hơn 80 máy bay chiến đấu, các tuần dương hạm được trang bị tên lửa, khu trục hạm, tàu ngầm và tàu tiếp liệu.
Tàu sân bay USS George Washington và đội tàu hộ tống trong một cuộc tập trận
Mặt khác, gần vùng biển Philippines, khoảng 2.000 lính thủy quân lục chiến đang có mặt trên chiến hạm USS Bonhomme Richard và hai tàu hộ tống. Đơn vị thủy quân lục chiến này được trang bị xe lội nước, pháo, trực thăng và tiêm kích Harrier.
Theo giới quan sát, trong các điều kiện bình thường, các tàu sân bay của Mỹ và lực lượng đặc nhiệm không-bộ thủy quân lục chiến hoạt động độc lập, riêng lẻ. Do vậy, sự có mặt cùng một lúc của ba lực lượng nói trên gần một khu vực nhỏ ở Thái Bình Dương là một dấu hiệu tập trung hỏa lực không bình thường. Cả ba đơn vị này vừa mới kết thúc đợt tập trận ở gần đảo Guam, bao gồm tập trận bắn đạn thật, phóng tên lửa và thủy quân lục chiến Mỹ cùng binh sĩ Nhật luyện tập đổ bộ.
Theo phát ngôn viên Bộ chỉ huy Thái Bình Dương, ông Darryn James, các đơn vị nói trên đang làm nhiệm vụ luyện tập và “các hoạt động này không liên quan đến bất kỳ sự kiện cụ thể nào”. Để thực hiện cam kết của Mỹ, “2 trong số 11 lực lượng xung kích hàng không mẫu hạm đang hoạt động ở Tây Thái Bình Dương nhằm bảo đảm ổn định và hòa bình”.
Giới chuyên gia quân sự cho rằng việc Washington triển khai hàng không mẫu hạm và lực lượng thủy quân lục chiến có thể chủ yếu liên quan tới việc "tái cân bằng" sự hiện diện quân sự của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương.
Tàu sân bay Mỹ có mặt ở Senkaku/Điếu Ngư cùng thời điểm với tàu hải giám Trung Quốc và Đài Loan. Kể từ khi Nhật Bản tuyên bố quốc hữu hóa 3/5 đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, rất nhiều tàu công vụ của Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản xuất hiện ở khu vực tranh chấp. Nhưng cho đến nay, chưa có một chiếc tàu chiến của bên nào được huy động. Bắc Kinh chỉ điều tàu ngư chính và hải giám, còn Tokyo sử dụng lực lượng tuần duyên để ngăn cản và bảo vệ các hòn đảo.
Washington đã nhiều lần tuyên bố không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo. Cuối tuần qua, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton một lần nữa kêu gọi các bên kiềm chế, tránh để xẩy ra xung đột. Thế nhưng, các quan chức Mỹ khẳng định rõ ràng rằng vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm trong phạm vi điều chỉnh của hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật, có nghĩa là Mỹ phải can thiệp, giúp đỡ Nhật Bản trong trường hợp nước này bị tấn công.
Trong các cuộc nói chuyện riêng, các quan chức Mỹ tỏ ra thất vọng vì không có những tiến bộ ngoại giao nào nhằm giải quyết cuộc xung đột. Do vậy, sự hiện diện của tàu sân bay Mỹ gần vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư được xem như một lời răn đe Trung Quốc không được leo thang tranh chấp, nhưng cũng có thể là một thông điệp thúc ép Nhật Bản giải quyết cuộc xung đột này. Tức là sự hiện diện của tàu Mỹ không phải nhằm làm phức tạp thêm tình hình mà kiềm chế và ngăn chặn không để xung đột leo thang bởi nước Mỹ đang đến gần một cuộc chuyển giao quyền lực quan trọng. Obama không thể để chiến lược “trở lại châu Á” của mình chỉ dừng lại ở những tuyên bố và cũng không thể để “chính sách Trung Quốc” ảnh hưởng tiêu cực đến sự ủng hộ của các cử tri Mỹ. Hoặc có thể, sự xuất hiện của tàu sân bay Mỹ tại vùng biển đang có tranh chấp này là một sự thường kỳ, một trùng hợp ngẫu nhiên./.
Võ Vân
Theo Tổ Quốc